Huyện Phú Hòa: TÌM ĐẦU RA CHO NGHỀ GẠCH NUNG TRUYỀN THỐNG

Cập nhật lúc:   15:11:30 - 26/09/2017 Số lượt xem:   1988 Người đăng:   Administrator
Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm gạch không nung của Cty Trung Hậu, tại Hội thảo. Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm gạch không nung của Cty Trung Hậu, tại Hội thảo.
Các lò gạch nung truyền thống ở huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên hiện nay giảm dần, người dân các xã của Phú Hòa
Các lò gạch nung truyền thống ở huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên hiện nay giảm dần, người dân các xã của Phú Hòa lâu nay sống bằng nghề làm gạch đang gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Để tìm hướng đi mới cho nghề làm gạch nung truyền thống của địa phương, lãnh đạo và các ngành chức năng huyện Phú Hòa đã vào cuộc nhằm tìm ra giải pháp đổi mới công nghệ sản xuất gạch không nung.  

Còn đó khó khăn làng gạch
 
Theo ông Phạm Hoàng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, cho biết: Năm 2011 trên địa bàn huyện có 105 cơ sở sản xuất gạch, ngói bằng lò thủ công và 02 cơ sở sản xuất gạch, ngói bằng lò vòng sử dụng phế phẩm của ngành nông nghiệp. Để thực hiện Chỉ thị số 09/2014/CT-UBND của UBND tỉnh Phú Yên ngày 14/4/2014 “Về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sử dụng gạch, ngói đất sét nung trên địa bàn tỉnh Phú Yên” nhằm bổ sung những quy định để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành của huyện đã tổ chức vận động những hộ gia đình làm nghề sản xuất gạch nung truyền thống xóa bỏ những lò gạch thủ công lâu nay sử dụng. Đến nay số lượng sản xuất gạch bằng phương pháp thủ công ở huyện Phú Hòa, còn 58 lò gạch.
 
Ông Phạm Ngọc Danh (59 tuổi) người có thâm niên 40 năm trong nghề làm gạch ở thôn Ân Niên, xã Hòa An (Phú Hòa) tâm sự: Trung bình chủ lò có thể thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng/lò. Nghề gạch lại dễ học và dễ làm nên bất cứ ai có vốn cũng có thể tham gia. Việc tiêu thụ sản phẩm lại không mấy khó khăn, có khi nhiều cơ sở sản xuất gạch ở đây không đáp ứng nổi yêu cầu của thị trường. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước người dân làm nghề gạch chúng tôi sẽ thực hiện. Nhưng để đầu tư một cơ sở sản xuất gạch không nung phải bỏ ra vài tỷ đồng. Đó là một con số quá lớn và quá sức đối với người dân làm gạch nơi đây.
 
Còn chủ lò Phạm Trung Ngỡi, ở xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa), trăn trở: Nghề làm gạch đất sét nung có từ lâu đời, trước 1960 đến nay. Việc sản xuất gạch tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, đồng thời cũng là thế mạnh kinh tế của địa phương. Hơn nữa nhiều chủ lò gạch đã dự trữ đất và chất đốt cho cả năm với số tiền hàng trăm triệu đồng, giờ không biết bỏ đi đâu? nên nếu chấm dứt hoạt động thì các cấp lãnh đạo cần có biện pháp hỗ trợ, chuyển đổi phương thức sản xuất hoặc chuyển đổi nghề phù hợp để người dân yên lòng.
 
Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy, con gái của Nguyễn Thành Long, chủ hộ lò gạch nung ở xã Hòa Trị (Phú Hòa), làm nghề sản xuất gạch từ năm 1990, cho rằng nếu bắt buộc chấm dứt hoạt động thì phải hỗ trợ vốn để người dân chuyển đổi nghề hoặc quy hoạch mặt bằng cho người dân tiếp tục sản xuất, tránh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
 
Tìm hướng đi mới cho làng gạch
 
Để mở lối đi cho các hộ gia đình ở các xã của huyện, được biết mới đây UBND huyện Phú Hòa phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên và Công ty Cổ phần Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu (TP Hồ Chí Minh - Công ty Trung Hậu) tổ chức Hội thảo Giới thiệu thiết bị và công nghệ sản xuất gạch ống xi măng cốt liệu-công nghệ polyme nhằm tuyên truyền tính năng ưu việt của gạch không nung; công nghệ gạch ống xi măng cốt liệu công nghệ polyme và thiết bị sản xuất.Đây là hoạt động nhằm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của UBND Tỉnh về tăng cường sử dụng gạch xây không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, đến năm 2015 tỉnh Phú Yên ngừng hoạt động của các lò gạch, ngói thủ công.
 
Chúng tôi liên hệ với ông Trần Trung Nghĩa Tổng Giám đốc Công Ty Cổ phần Chế tạo Máy & sản xuất Vật liệu mới Trung Hậu (TP Hồ Chí Minh), cho biết: Công nghệ gạch ống xi măng cốt liệu công nghệ polymer và thiết bị là công nghệ có thể ứng dụng, chuyển đổi cách sản xuất thủ công bằng lò nung hiện nay. Theo ông: Quá trình khoáng hóa trong một hệ khép kín, tạo nên hệ polymer khoáng tổng hợp. Tận dụng nguyên liệu chủ yếu có sẵn ở địa phương (cát, mạt đá, đất đồi, chất thải rắn xây dựng, xỉ than… cộng với phụ gia, xi măng) thì làm được, ưu điểm công nghệ sản xuất không qua nung sấy, đảm bảo các tiêu chuẩn quy định của Bộ Xây dựng.
 
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Vĩnh Thanh-Trợ lý Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu cho biết: Thiết bị có nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư chỉ bằng 25% đến 30% so chi phí đầu tư sản xuất gạch truyền thống, hình thức mẫu mã đối với các loại gạch ống 2 lỗ, 4 lỗ, 6 lỗ, đáp ứng nhu cầu thị trường xây dựng. Giá thành gạch ống không nung rẻ hơn so với gạch nung (giá xuất xưởng khoảng 300 đồng/viên) Hiện Công ty cung cấp ra thị trường 3 dòng thiết bị với giá thành từ 700 triệu đến 1,4 tỉ đồng (tùy công suất).
 
Ông Phạm Trung Ngỡi, chủ cơ sở gạch ngói ở xã Hòa Quang Bắc, nói: “Dây chuyền sản xuất gạch polyme gọn nhẹ, hiện đại; sản phẩm gạch rất tốt, chắc chắn, mẫu mã đẹp, giá thành tương đối nhưng giá thiết bị quá cao nên nguời dân rất khó đầu tư”. Ông Trần Thế Chân, chủ lò gạch xã Hòa Hội cũng trăn trở: “Tôi rất muốn chuyển đổi từ sản xuất gạch đất sét nung sang công nghệ thiết bị không nung, nhưng giá thành quá cao”.
 
Ông Nguyễn Vĩnh Thanh, đại diện Công ty Trung Hậu cho biết: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ khách hàng các thủ tục vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Mức vốn được vay lên đến 70% giá trị thiết bị và khách hàng được lấy chính thiết bị này là tài sản thế chấp. Ngoài ra, công ty sẽ hỗ trợ về công nghệ sản xuất và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm”.
Theo ông Phạm Hoàng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, khẳng định tại buổi Hội thảo: Lãnh đạo huyện sẽ thực hiện đúng lộ trình của tỉnh Phú Yên trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất gạch không nung và đến năm 2015 chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất gạch thủ công. Huyện tạo điều kiện cho các hộ lập dự án sản xuất gạch không nung, hướng dẫn vay tín dụng ưu đãi để đầu tư thiết bị và các chính sách ưu đãi khác. Những lao động đang làm việc trong các cơ sở sản xuất gạch, ngói thủ công nếu muốn chuyển đổi nghề sẽ được tạo điều kiện học nghề thông qua dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn ■ 
Hoàng Hà Thế
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 0
accessibility Hôm qua: 386
account_circle Trong tháng: 277.054
account_box Trong năm: 43.323
supervisor_account Tổng truy cập: 3.183.643