Xây dựng làng hoa, cây cảnh Phước hậu gắn với phát triển du lịch

Cập nhật lúc:   14:56:05 - 26/02/2018 Số lượt xem:   2180 Người đăng:   Administrator
Thương lái hoa cúc của một gia đình ở Phước Hậu-TP Tuy Hòa. Ảnh: CTV Thương lái hoa cúc của một gia đình ở Phước Hậu-TP Tuy Hòa. Ảnh: CTV
ThS. NGUYỄN HOÀI SƠN

Làng Phước Hậu (TP Tuy Hòa) ở sát chân núi Chóp Chài và nằm bên quốc lộ 1, có đường xe lửa Bắc - Nam chạy ngang, vốn nổi tiếng với nghề trồng hoa và cây cảnh. Hiện nay, làng này đã trở thành khu phố khá sầm uất với nhiều hộ gia đình vượt khó vươn lên từ chính nghề truyền thống, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài tỉnh.

Phước Hậu là danh xưng gọi chung của ba khu phố Phước Hậu 1, Phước Hậu 2, Phước Hậu 3, thuộc phường 9, TP Tuy Hòa. Danh xưng Phước Hậu có khá lâu (khi lập địa bạ vào đời Gia Long 1815 đã thấy ghi), nhưng người dân thường quen gọi với cái tên dân dã là“Xóm Sủng”. Dân làng Phước Hậu có truyền thống yêu nước, là cái nôi cách mạng khi khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 (Ủy ban Việt Minh lâm thời Phủ Tuy Hòa ra đời ở đây vào tháng 4/1945). Xa xưa Phước Hậu là vùng thôn nông, người dân còn có nghề làm vườn như trồng sắn nước, hoa, cây cảnh, cây thuốc lá… Hiện tại Phước Hậu đã là đô thị, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân đã được cải thiện; nhiều giá trị văn hóa và ngành nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy, trong đó có nghề trồng hoa và cây cảnh. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để Phước Hậu phát triển làng nghề gắn kết với phát triển du lịch bền vững.

* Phát triển dự án trồng hoa và cây cảnh

Nghề trồng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu có từ rất lâu. Lúc đầu chỉ có một số ít hộ trồng hoa, cây cảnh để sử dụng trong gia đình và bán cho người dân vào dịp tết cổ truyền, sản phẩm tiêu thụ tại địa phương là chính, nên chỉ được xem là nghề phụ. Nhưng cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu sử dụng hoa và cây cảnh của người dân tăng lên, thu nhập từ nghề trồng hoa, cây cảnh cũng cao hơn, do vậy nghề trồng hoa và cây cảnh của Phước Hậu phát triển rất nhanh. Sản phẩm hoa và cây cảnh chủ yếu của Phước Hậu là mai, lộc vừng, ba chia, quất, cây sung cảnh, hoa cúc…; gần đây người dân còn trồng thêm hoa lily để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Đầu tháng 10/2014, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt cho Hội Nông dân phường 9 vay vốn từ Quỹ Giải quyết việc làm tỉnh để phát triển dự án trồng hoa và cây cảnh. Dự án này có tổng số vốn gần 1,2 tỉ đồng; trong đó, vay từ Quỹ Giải quyết việc làm tỉnh 300 triệu đồng để mua giống, vật tư và phân bón. Thời hạn vay trong 3 năm, lãi suất 0,6%/tháng. Dự án được thực hiện tại khu phố Phước Hậu 3 - nơi có hơn 500 hộ trồng hoa, cây cảnh bán vào dịp tết. Mỗi năm, người dân ở đây cung cấp ra thị trường không dưới 200.000 chậu hoa, cây cảnh các loại; trong đó chủ yếu là mai, cúc, quất, thược dược, vạn thọ, hoa giấy… Những năm gần đây, hoa, cây cảnh ở Phước Hậu không chỉ cung cấp cho thị trường Phú Yên mà còn được thương lái đặt mua đem đi bán ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định… và khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Hiệu quả kinh tế từ trồng hoa và cây cảnh cao hơn nhiều so với một số ngành nghề khác. Kinh tế phát triển, diện mạo Phước Hậu đã đổi thay rất nhiều, nhà  cửa của người dân khang trang đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp, rất thuận lợi cho việc đi lại của các phương tiện cơ giới; hệ thống điện chiếu sáng, nước máy, internet, các dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt và tiêu dùng của người dân phong phú. Hiện tại Phước Hậu có vài trăm hộ có thâm niên trong nghề trồng hoa và cây cảnh. Đây là những tiền đề, điều kiện thuận lợi để xây dựng làng nghề, tạo ra những sản phẩm hoa, cây cảnh có chất lượng cao, đáp ứng với nhu cầu của thị trường và gắn với phát triển du lịch.

* Xây dựng làng nghề gắn với phát triển du lịch

Xây dựng làng nghề trồng hoa và cây cảnh gắn với phát triển du lịch ở Phước Hậu cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó cần chú trọng những giải pháp chính như sau:

Một là, tổ chức điều tra, khảo sát thật kỹ quỹ đất của Phước Hậu từ đó xây dựng quy hoạch cụ thể làng hoa và cây cảnh Phước Hậu trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của toàn phường 9 gắn với phát triển du lịch khu vực núi Chóp Chài. Quản lý sử dụng đất nông nghiệp một cách hợp lý, đầu tư đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để phát huy lợi thế của Phước Hậu với lợi ích của người dân được hưởng. Khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ các hộ nông dân có thể chuyển nhượng, thuê đất nông nghiệp, đất vườn dễ dàng, thuận lợi để mở rộng diện tích trồng hoa và cây cảnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tạo năng lực cạnh tranh.

Thứ hai, khuyến khích các hộ gia đình liên kết trong đầu tư xây dựng làng hoa và cây cảnh theo hướng tổ chức sản xuất theo chuỗi hàng hóa gắn với phát triển du lịch. Các cấp, ngành cần tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tiếp nhận công nghệ mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng hoa và cây cảnh để tạo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Chú trọng bon sai tượng hình, sản phẩm này có giá thành cao và đang được khách du lịch quan tâm.

Thứ ba, việc xây dựng làng hoa và cây cảnh gắn với phát triển du lịch không nên bó hẹp trong địa bàn Phước Hậu mà cần mở rộng ra quy mô toàn phường 9. Vì 6 khu phố Ninh Tịnh với đất đai còn rộng và có nhiều hộ gia đình có nghề trồng hoa và cây cảnh lâu năm. Đây là một lợi thế và mang tính khả thi cao.

Thứ tư, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi một số chính sách ưu đãi về thuế đất đai, vật tư nông nghiệp, dịch vụ… nhằm khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ các hộ gia đình, các doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất hoa và cây cảnh quy mô lớn; có cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích các nghệ nhân tham gia đào tạo nghề trồng hoa và cây cảnh.

Thứ năm, đẩy nhanh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN hiện đại trong trồng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra và chủ động được nhiều giống hoa có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Thứ sáu, tăng cường vai trò quản lý nhà nước của ngành VH-TT-DL, của Hiệp hội Du lịch đối với xây dựng làng hoa và cây cảnh Phước Hậu gắn với phát triển du lịch.

Tuy nhiên, Phước Hậu cũng đang đối diện với không ít khó khăn, vướng mắc để có thể tìm ra được những giải pháp xây dựng làng nghề trồng hoa, cây cảnh gắn với phát triển du lịch. Cụ thể, do dân số tăng nhanh nên diện tích thổ cư của các hộ gia đình ở Phước Hậu rất hẹp. Hiện tại số hộ gia đình có diện tích đất rộng để làm các nhà vườn gần như không còn. Tình trạng thiếu đất cho vùng sản xuất, giá cho thuê đất cao là cản trở lớn đối với các hộ gia đình trồng hoa và cây cảnh.

Khảo sát ở Phước Hậu, nhận thấy hầu hết các hộ gia đình đều có cây cảnh nhưng số lượng không nhiều. Nguyên nhân diện tích đất ở hẹp không thể trưng bày được nhiều; mặt khác gần đây đầu ra của cây cảnh không ổn định, nên một số gia đình đã giảm mức đầu tư. Nghề trồng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu đều tự phát, do người dân tự làm, tự học hỏi lẫn nhau, đến thời điểm hiện tại chưa có một quy hoạch nào được cấp chính quyền phê duyệt về việc xây dựng làng nghề trồng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu; đây là nguyên nhân chính nhất dẫn tới quy mô làng hoa và cây cảnh ở Phước Hậu nhỏ lẻ, phân tán, chưa đáp ứng được nhu cầu gắn làng hoa, cây cảnh với phát triển du lịch. Nhiều hộ gia đình còn khó tiếp cận vốn tín dụng, do thủ tục còn nhiều phức tạp; chính sách hỗ trợ người dân vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ việc làm còn hạn hẹp; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng hoa và cây cảnh để tạo những sản phẩm chất lượng cao còn hạn chế. Năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh hoa và cây cảnh còn nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, rủi ro tiềm ẩn... 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 71
accessibility Hôm qua: 64
account_circle Trong tháng: 310.538
account_box Trong năm: 40.203
supervisor_account Tổng truy cập: 3.180.523