ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC PHÚ YÊN CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Cập nhật lúc:   15:11:13 - 26/09/2017 Số lượt xem:   1442 Người đăng:   Administrator
Quang cảnh làm việc giữa lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT; Liên minh HTX Phú Yên với UBND xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh V/v Hỗ trợ chương trình Xây dựng Nông thôn mới - Ảnh: Đức Thế Quang cảnh làm việc giữa lãnh đạo Liên hiệp các Hội KH&KT; Liên minh HTX Phú Yên với UBND xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh V/v Hỗ trợ chương trình Xây dựng Nông thôn mới - Ảnh: Đức Thế
Phú Yên là tỉnh thuần nông, hơn 80% dân số sống ở nông thôn với trên 70% số lao động nông nghiệp
Phú Yên là tỉnh thuần nông, hơn 80% dân số sống ở nông thôn với trên 70% số lao động nông nghiệp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là ở các huyện miền núi của tỉnh thu nhập bình quân đầu người còn thấp, trình độ dân trí cũng như mức hưởng thụ đời sống tinh thần còn chênh lệch khá xa so với đô thị và các huyện đồng bằng. Với mục tiêu nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, những năm qua, tỉnh Phú Yên luôn ưu tiên đầu tư, xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng đổi mới, chất lượng và hiệu quả. Đặc biệt việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới được đánh giá là một thành công nổi bật của tỉnh Phú Yên trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong thành tích chung của Tỉnh có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. 

Đến thời điểm năm 2014, toàn tỉnh có tổng số 21.617 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong đó có 11 tiến sĩ, 620 người có trình độ thạc sĩ, 16.987 người có trình độ đại học, cao đẳng. Thực hiện chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác ở cấp xã từ năm 2010-2013, đã có 266 trí thức trẻ được tuyển chọn từ các ngành, nghề khác nhau về công tác tại các xã trong tỉnh…Nếu so với thời kỳ đầu tái lập tỉnh thì đội ngũ cán bộ, công chức viên chức đã có bước trưởng thành, tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Điều đáng quý của đội ngũ trí thức là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được trang bị một nền tảng kiến thức cơ bản. Đây là điều kiện ban đầu để tiếp thu nhanh các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, nhất là tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Nhiều trí thức khoa học và công nghệ của Tỉnh đang giữ trọng trách chính trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ là những người đi tiên phong trong công tác quản lý, điều hành, nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Từ một tỉnh thuần nông, đến nay cơ cầu kinh tế tỉnh Phú Yên chuyển dịch đúng hướng đã tạo ra bước đột phá mới; tỷ trọng công nghiệp-xây dựng phát triển mạnh chiếm 35,49% (năm 2012 là 35,44%), dịch vụ chiếm 40,27% (năm 2012 là 37,83%), cao hơn tỷ trọng nông – lâm – thuỷ sản chỉ chiếm 24,24% (năm 2012 là 37,83%) trong cơ cấu GDP. Năm 2013, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, nhiều yếu tố khách quan bất lợi tác động, song kinh tế của Tỉnh vẫn duy trì được sự phát triển cao, GDP bình quân đầu người ước đạt 27,3 triệu đồng, tăng 15,7% so năm trước. Điểm nổi bật trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tiến độ thực hiện có sự chuyển biến tích cực. Ông Lê Văn Trúc-Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới cho biết: “ Với sự đồng thuận, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo trong việc tuyên truyền vận động, huy động nguồn lực, giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; huy động và được nhân dân đồng thuận trong góp sức, tiền của, hiến đất, tự tháo dỡ công trình để các tiêu chí xây dựng nông thôn mới sớm về đích. Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã huy động hơn 18.700 tỉ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đến cuối năm 2012, 100% xã hoàn thành việc lập, phê duyệt đề án Xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn năm 2010-2013, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và sửa chữa gần 827km đường giao thông nông thôn. Có 16/88 xã đạt tiêu chí giao thông, 29 xã đạt tiêu chí thủy lợi, có 83 xã đã đạt tiêu chí điện, 71 xã đạt tiêu chí bưu điện, 23 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn, 12 xã đạt tiêu chí trường học, 41 xã đạt tiêu chí về giáo dục, 20 xã đạt chuẩn về tiêu chí y tế, 14 xã đạt tiêu chí về nhà ở, 63 xã đạt tiêu chí về tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên, 9 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo...Trong giai đoạn này, có 23.650 hộ thoát nghèo, đưa tỉ lệ hộ nghèo từ 19,46% vào năm 2011 giảm còn 13,03% vào năm 2013. Đến tháng 4/2014, tỉnh có 1 xã đạt 16 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, 24 xã đạt từ 10 đến 15 tiêu chí, 51 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, 12 xã đạt từ 3 đến 4 tiêu chí”.

Kết quả đạt được từ Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tại Phú Yên, ngoài sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh và nội lực ở cơ sở thì có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức. Thể hiện từ việc triển khai lộ trình xây dựng nông thôn mới, đến công tác quy hoạch, xác định các nhóm tiêu chí. Trong đó nhóm tiêu chí kinh tế và phát triển sản xuất, đội ngũ trí thức đã có nhiều đóng góp tích cực như việc chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ để xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn; phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản làm thay đổi nhận thức của người dân từ quảng canh, thụ động đến chuyên canh và chủ động trong sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đội ngũ trí thức còn đóng góp rất lớn trong các lĩnh vực: Phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc…Bên cạnh kết quả đạt được, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới của tỉnh Phú Yên còn những hạn chế cần khắc phục, đó là: Tiến độ triển khai còn chậm so với mục tiêu đặt ra; kết quả đạt được ở các địa phương có sự chênh lệch khá xa giữa khu vực đồng bằng và miền núi. Ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng còn hạn chế; đời sống người dân nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; vẫn còn một bộ phận cán bộ và người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên tính chủ động, sáng tạo chưa cao…
 
Để đạt được mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2014-2020. Trong đó phấn đấu đến năm 2015, có ít nhất 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Rất cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức chiếm một vị trí quan trọng, bởi đây là lực lượng lao động có trình độ chuyên môn, có khả năng tiếp thu nhanh khoa học và kỹ thuật, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý hành chính, sáng tạo và tổ chức điều hành sản xuất. Đội ngũ trí thức còn là lực lượng chính có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đến tận người dân. Giải thích cho nhân dân hiểu, vận động bà con nhân dân thực hiện tốt các bước và nội dung xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đội ngũ trí thức còn là lực lượng chủ yếu làm nhiệm vụ quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch, hướng dẫn quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp vùng miền. Thêm nữa là đội ngũ trực tiếp trong việc chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật mới cho nông dân, nông thôn để nâng cao hiệu quả sản xuất, đem lại thu nhập cao hơn, ổn định và bền vững hơn cho nhân dân theo đề án sản xuất, cũng như trong các mô hình kinh tế. Đội ngũ trí thức còn hỗ trợ, giúp đỡ nông dân, nông thôn về công cụ sản xuất kỹ thuật, đẩy mạnh phát triển các nghề thủ công với phương châm “ Ly nông bất ly hương” góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, du nhập ngành nghề mới phù hợp để giải quyết lao động dư thừa hoặc không có ngành nghề cụ thể và thu nhập thiếu ổn định ở nông thôn, góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Đội ngũ trí thức Phú Yên phải là người đứng mũi chịu sào, người hướng dẫn, chịu trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ nông dân giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Đội ngũ trí thức của Phú Yên đa phần xuất thân từ nông dân, do đó họ là lực lượng giúp nông dân kế thừa, phát huy có chọn lọc tốt nhất những tinh hoa của nghề nông và văn hóa dân tộc, để xây dựng một chương trình nông thôn mới mang đậm bản sắc văn hoá địa phương. Đội ngũ trí thức còn là cầu nối quan trọng nhất, gần nhất giữa 4 nhà: Nhà nước, Nhà Doanh nghiệp, Nhà nông và Nhà khoa học; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Phú Yên.
 
Là miền đất có bề dày lịch sử - văn hoá và giàu truyền thống cách mạng, trải qua 400 năm hình thành và phát triển, đặc biệt sau 39 năm giải phóng Phú Yên, 25 năm tái lập tỉnh và 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, vượt qua biết bao gian khổ thiếu thốn, bằng ý chí và sự quyết tâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ luôn năng động, sáng tạo, sát cánh cùng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tạo thành khối liên minh Công – Nông – Trí thức vững chắc, làm nên những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những khởi sắc trên miền đất anh hùng là động lực mới để Phú Yên thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và vững bước trong sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá, xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.
Th.S Nguyễn Hoài Sơn
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 386
accessibility Hôm qua: 107
account_circle Trong tháng: 277.054
account_box Trong năm: 43.323
supervisor_account Tổng truy cập: 3.183.643