Văn hóa Tây Nguyên là một đề tài rất to lớn và vô cùng phong phú. Tuy nhiên, với tình hình chung hiện nay, Văn hóa Tây Nguyên chưa được giữ gìn và phát huy đúng mức.
Cập nhật ngày: 14/11/2014
Tư liệu
Văn hóa Tây Nguyên là một đề tài rất to lớn và vô cùng phong phú. Tuy nhiên, với tình hình chung hiện nay, Văn hóa Tây Nguyên chưa được giữ gìn và phát huy đúng mức. Trên tinh thần Nghị quyết của Đảng về công tác văn hóa, những năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông phối hợp với các tỉnh Kontum, Daklak, Phú Yên tổ chức các cuộc tọa đàm về Văn hóa Tây Nguyên để nêu các thực trạng, tìm các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của Văn hóa Tây Nguyên và sắp tới là cuộc tọa đàm khoa học tiếp theo với chủ đề: “Văn hóa Tây Nguyên và sự phát triển bền vững ở Tây Nguyên” được tổ chức tại Khu du lịch Sinh thái Sao Việt, thành phố Tuy Hòa. Nhân dịp này, Tạp chí Trí thức Phú Yên đăng toàn văn ý kiến phát biểu Kết luận cuộc tọa đàm lần thứ hai về Văn hóa Tây Nguyên, được tổ chức tại Buôn-ma-thuột vào tháng 11 năm 2013 của TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
TS. Vũ Ngọc Hoàng
Thưa các anh chị,
Từ sáng đến giờ chúng ta đã nghe 17 ý kiến phát biểu. Nội dung rất phong phú. Tôi chỉ xin nêu một số ý kiến để các anh chị tham khảo chứ không phải kết luận hội thảo vì các vấn đề còn đang trong quá trình thảo luận.
Mục tiêu quan trọng nhất của hoạt động văn hóa ở Tây Nguyên là làm cho các dân tộc Tây Nguyên vừa giữ được bản sắc (tức là trường tồn) vừa phát triển lên, nói cách khác là các dân tộc Tây Nguyên phát triển bền vững. Với mục tiêu ấy, theo tôi, có hai vấn đề cần lưu ý chung:
Thứ nhất: Sự nỗ lực chính của các dân tộc Tây Nguyên, nỗ lực làm chủ và ngày càng nâng cao năng lực làm chủ, đồng thời phải có cơ chế cho các dân tộc Tây Nguyên làm chủ văn hoá của chính mình. Phải nỗ lực học tập để nâng cao năng lực cá nhân và năng lực cộng đồng. Phải có quyết tâm giảm nghèo và muốn giảm nghèo phải biết tích lũy, không có tích lũy không mở rộng phát triển được. Lưu ý vấn đề tự chủ, tự lực, không ỷ lại.
Thứ hai: Nhà nước và cộng đồng Việt Nam phải tạo điều kiện để cho các dân tộc Tây Nguyên phát triển, lâu nay đã tạo một số điều kiện rồi nhưng chưa đủ, thời gian tới phải tiếp tục nhiều hơn. Phải tiếp tục giải quyết sự bình đẳng. Nhiều văn bản Nghị quyết của Đảng đã nói phải bình đẳng, nhưng để thực hiện được phải tiếp tục có nhiều giải pháp tốt hơn, tất cả các dân tộc phải được kính trọng như nhau, chấp nhận đa dạng trong văn hóa. Ngày nay, người ta hiểu bình đẳng quan trọng nhất là bình đẳng về cơ hội, nhưng muốn được bình đẳng thì bộ phận yếu hơn, dân tộc ít phát triển hơn phải được ưu tiên hơn. Hôm qua, khi đi thực tế tôi nghe được trong các cháu thanh niên con em của đồng bào các dân tộc thiểu số có một số suy nghĩ là nhà nước chưa phải của Đồng bào, mà là của người Kinh. Đương nhiên, có phần do bị tuyên truyền xuyên tạc nên hiểu không đúng nhưng đồng thời CBNV nhà nước phải xem lại mình, xem đã tôn trọng, tận tâm, yêu thương hết lòng chưa mà để bà con nghĩ như vậy. Các em nói, khi làm thủ tục giấy tờ thì thấy người Kinh làm nhanh và dễ dàng hơn các em người dân tộc thiểu số và sau khi học tốt nghiệp xong các em người Kinh xin việc làm cũng dễ dàng hơn. Các em người Dân tộc đi tìm hiểu và phát hiện là có tiêu cực trong vấn đề xin việc chứ không phải phân biệt đối xử. Từ việc này tôi nghĩ tất cả cán bộ nhà nước của chúng ta phải làm việc với tinh thần trong sáng, vô tư, không tiêu cực, phải làm việc để Đồng bào thấy rõ đây là nhà nước của mình. Từng cán bộ phải thấm nhuần tinh thần ấy.
Nhà nước phải có cơ chế chính sách đặc thù để phát triển các dân tộc ít người, đặc biệt là giúp về giáo dục, giảm nghèo và chữa bệnh; tạo điều kiện về đất đai, về vốn, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn… Cộng đồng Việt Nam phải yêu thương, đùm bọc, tâm huyết và trách nhiệm với nhau.
Sau đây tôi xin nêu một số ý kiến về những vấn đề cụ thể mà các đại biểu đã nêu ở Hội thảo:
1. Rừng là vấn đề quan trọng hàng đầu. Rừng ở Tây Nguyên là không gian sinh tồn, là văn hóa. Ở một số nước phát triển họ cũng coi “rừng là văn hóa”.
Chủ nghĩa nhân văn lúc đầu quan niệm con người là cao nhất trong thiên nhiên, môi trường chung quanh phục vụ con người, là cái thuộc về con người nằm ngoài con người, sau đó tư duy phát triển hơn, người ta cho là không phải như vậy, mà trong vũ trụ con người cũng là một thành tố bình đẳng phải tương thân, tương kính, tương ái với tự nhiên (Triết học Ấn Độ đã nêu vấn đề này từ lâu). Trước đây, nói rằng văn hóa làm cho con người thoát khỏi tự nhiên, phân biệt với tự nhiên để thành người, nhưng ngày nay người ta cho rằng văn hóa vừa phân biệt con người với tự nhiên đồng thời giữ con người trong mối quan hệ gắn bó mật thiết và tôn trọng tự nhiên, còn nếu không như thế thì con người sẽ trở lại hoang dã (phản văn hóa).
2. Tây Nguyên còn có văn hóa làng, gắn với tinh thần cộng đồng, làm bạn và sống cùng. Văn hóa làng của Tây Nguyên có giá trị lâu dài, quý lắm, cần nghiên cứu để phát huy. Các nhà nghiên cứu đã nói rõ vấn đề này.
Cách đây hơn 10 năm, tôi đi công tác một số nước, có đến xem một số triển lãm tranh của các nước, xem họ vẽ những gì? Khoảng 75% là họ vẽ rừng và làng, 10% vẽ người đẹp và 15% là các chủ đề còn lại, trong khi đó những tòa nhà chọc trời nhưng họ không vẽ, nếu có chăng là mấy góc phố cổ giống như một hồi ức vậy. Tại sao lại thế? Không phải ngẫu nhiên đâu! Cái gì làm cho người nghệ sỹ rung động thì họ vẽ.
3. Về ngôn ngữ: Như các anh chị đã nêu, từ bé các em nên học 2 thứ tiếng phổ thông và tiếng của dân tộc mình. Đối với các dân tộc chưa có chữ viết thì sao? Đề nghị có thảo luận riêng chuyên đề này. Nên chăng vẫn sử dụng hệ La tinh, dùng chủ yếu các chữ cái của tiếng Việt rồi phiên âm tiếng nói của các dân tộc chưa có chữ viết. Tôi cũng chỉ mới nghĩ thoáng qua vậy thôi. Việc này cần nghiên cứu có cơ sở khoa học để giải quyết đúng.
Chủ trì Tọa đàm: TS. Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; đ/c Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phụ trách phía Nam; Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên; GSTS. Trình Quang Phú, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông (người đứng) - Ảnh: Tư liệu
4. Tôi nghĩ, xung quanh luật tục trước đây còn nhiều vấn đề có giá trị nhân văn và đồng thời tất nhiên cũng có những vấn đề không phù hợp nữa, cần nghiên cứu để xem cái nào còn giá trị nhân văn thì tiếp tục kế thừa, phát huy và vận dụng đưa vào các quy ước…
Về lễ hội: Hiện nay cũng cần phải có chấn chỉnh. Quá nhiều lễ hội, nhất là khu vực đồng bằng, thậm chí còn “sắm thêm” lễ hội, nhưng nhiều lễ hội không có giá trị nhân văn, thậm chí phản văn hóa. Có xu hướng tiền tệ hóa, hành chính hóa, nhà nước hóa.
Đối với các lễ hội ở Tây Nguyên nên nghiên cứu kỹ, xem cái nào có giá trị nhân văn thì phải giữ và tiếp tục phát huy, cái nào không có giá trị nhân văn thì giảm dần đi. Tôi nghĩ khu vực Tây Nguyên nhiều lễ hội truyền thống có giá trị nhân văn tốt.
5. Về dạy mỹ học: Hiện nay, ở nước ta việc dạy mỹ thuật, nghệ thuật có không ít vấn đề chưa đúng hướng. Dạy cho các em phổ thông mà dạy giống như chuẩn bị để các em trở thành họa sĩ, nhạc sĩ, không phải như vậy mà chỉ có 2% triển vọng trở thành họa sĩ, nhạc sĩ thôi, còn 98% là có thế mạnh khác do cấu tạo các tiểu vùng vỏ não khác nhau nên không thể bắt 98% theo 2%, mà dạy các môn này là để nâng cao trình độ tiếp cận nghe hiểu và biết được giá trị (thưởng thức), còn việc bồi dưỡng nhân tài thì phải theo kiểu câu lạc bộ chứ không phải là phổ thông đại trà.
6. Tiếp thu điều gì trong cuộc tiếp biến văn hóa? Phải học, và biết thông thạo tiếng phổ thông (cả tiếng Anh nữa) là công cụ để tiếp cận với các nền văn hóa, với khoa học và công nghệ mới. Công nghệ thông tin thời gian tới đây sẽ tiếp tục làm thay đổi rất nhiều về phương thức hoạt động của con người. Trước đây máy bay tiêm kích và cường kích phải có người lái, nhưng trong tương lai sẽ có cả máy bay không người lái mà điều khiển ở một trung tâm công nghệ thông tin. Có nghĩa là phương thức hoạt động của con người thay đổi rất nhiều, nên cần phải nắm lấy phương tiện hiện đại này.
7. Thống nhất trong đa dạng văn hóa của Việt Nam? Cả 54 dân tộc cần thống nhất lý tưởng phấn đấu cho cộng đồng dân tộc Việt Nam phát triển và hạnh phúc, gắn bó anh em ruột thịt, bình đẳng giúp nhau, đoàn kết, cùng chung lãnh thổ và ý chí thống nhất để cùng bảo vệ lãnh thổ ấy; cùng phấn đấu cho một xã hội giàu tính nhân văn; có khung pháp luật chung, ngôn ngữ chữ viết phổ thông chung... Đa dạng về tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, tôn giáo, quan niệm đạo đức, về cách suy nghĩ, về trang phục, nghệ thuật, lễ hội… Sự đa dạng đó bổ sung các giá trị nhân văn, làm giàu thêm, phong phú hơn cho văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Sự đa dạng về văn hóa cần thiết cho đời sống xã hội như sự đa dạng sinh học cần cho thế giới tự nhiên vậy.
8. Về giảm nghèo và việc làm: Các chương trình giảm nghèo chỉ thành công, thiết thực, hiệu quả và bền vững khi giải quyết nâng cao được năng lực cộng đồng. Việc giảm nghèo không có ai giảm thay mình được mà phải tự đồng bào, còn nhà nước chỉ tạo điều kiện, giúp đỡ về vốn, về đất, về phổ biến kinh nghiệm sản xuất… Giúp đỡ kiên trì, tâm huyết, nhưng không tạo ỷ lại.
Kinh tế hộ của đồng bào dân tộc ít người phải được chú trọng và tạo điều kiện giúp đỡ để phát triển lên. Vai trò của các doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp là con em đồng bào dân tộc ít người sẽ rất quan trọng. Cần phải có chính sách riêng để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế hộ và kinh tế doanh nghiệp này ở Tây Nguyên. Yêu cầu các dự án vào Tây Nguyên phải giải quyết, giúp đỡ cho sự phát triển của đồng bào Tây Nguyên, bắt buộc các dự án phải trình bày cho được giải pháp cụ thể và theo sát để kiểm tra thực hiện, còn nếu không nói rõ, không giải quyết được thì đề nghị với chính quyền không chấp nhận dự án. Cố gắng nhận và giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Ở Tây Nguyên cán bộ là dân tộc thiểu số ở tỉnh và huyện quá ít trong khi có nhiều cơ quan, có Ban dân tộc, có cơ quan văn hóa nhưng cũng chưa có người dân tộc. Phải giải quyết cho con em dân tộc ít người có việc làm và đồng thời là đào tạo cán bộ để có đội ngũ nòng cốt, từ đó mà lan tỏa dần sự phát triển của đồng bào. Chúng ta đã nghe có chương trình chuyển đất của rừng nghèo kiệt sang làm cao su nhưng quản lý thực hiện chưa tốt, nhiều diện tích rừng bị phá do lợi dụng chương trình này. Tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nắm chắc lại tình hình và báo cáo với Chính phủ nếu đúng vậy thì dừng sớm và nghiên cứu lại để số rừng còn lại không bị chặt phá thêm nữa. Những mô hình làm ăn tốt nên tổng kết và nhân ra.
9. Tiếp tục công việc nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên: Các cơ quan liên quan nên đưa vào nghiên cứu một số chương trình trọng điểm. Tổng kết phát hiện các giá trị nhân văn để lưu giữ và truyền bá, tìm ra cách làm tốt nhất để phát triển đối với các dân tộc ít người, để giảm nghèo, phát triển cho được năng lực cá nhân và năng lực cộng đồng – điều này rất cơ bản.
Viện nghiên cứu thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam có bộ phận nghiên cứu ở Tây Nguyên, đề nghị tập trung cho chương trình nghiên cứu phát triển, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Đề nghị chương trình nghiên cứu Tây Nguyên 3 phải thiết thực; Đại học Tây Nguyên, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, các trường Đại học miền Trung và Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông nên có chương trình nghiên cứu Tây Nguyên và sử dụng tối đa lực lượng trí thức người Tây Nguyên, con em của bà con các dân tộc thiểu số, những người đã sinh sống cả đời với đồng bào bằng máu thịt kể từ ngày sinh ra, văn hóa đã thấm sâu vào họ nên họ nhìn vấn đề có thể thuận lợi hơn nhiều người từ nơi khác đến.
Các cơ quan nghiên cứu về Tây Nguyên, các Ban Dân tộc, Ban Văn hóa ở địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn phải chú ý sử dụng những người có hiểu biết sâu về văn hóa Tây Nguyên, con em dân tộc Tây Nguyên.
Xin cảm ơn Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, tỉnh Đắc Lắk và các anh chị đã tham gia ý kiến cho hội thảo này.
-------------
* Tiêu đề do Ban Biên tập đặt