LỄ HỘI ĐÂM TRÂU DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA

Cập nhật lúc:   10:23:52 - 12/12/2017 Số lượt xem:   26534 Người đăng:   Administrator
LỄ HỘI ĐÂM TRÂU DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA LỄ HỘI ĐÂM TRÂU DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA
Lễ hội đâm trâu (hay còn gọi là lễ hội chém Trâu, ăn trâu, đâm trâu xoây cột…) mang đậm bản sắc văn hóa của một số tộc người thiểu số được xem là cư dân tại chỗ có quá trình định cư dài
Cập nhật ngày: 14/11/2014

Hương - Thao - Trúc

Lễ hội đâm trâu (hay còn gọi là lễ hội chém Trâu, ăn trâu, đâm trâu xoây cột…) mang đậm bản sắc văn hóa của một số tộc người thiểu số được xem là cư dân tại chỗ có quá trình định cư dài lâu ở Tây Nguyên và miền núi một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung. Người Ba Na gọi Lễ hội đâm trâu là x'trǎng, người Cor gọi là xa-ố-piêu, người Gia Lai gọi là mnăm thu, người Lạch gọi là sa rơpu… Lễ hội đâm trâu được tổ chức khi có những sự kiện lớn liên quan đến cộng đồng buôn làng. Lễ hội nhằm mục đích tế thần linh hoặc những người đã có công chủ trì thành lập buôn làng, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu hay ăn mừng các sự kiện quan trọng khác của buôn làng, quê hương, đất nước…  

Lễ hội đâm trâu đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa phản ánh dưới nhiều giác độ về tính nhân văn, tính cố kết cộng đồng của các dân tộc thiểu số. Ngoài những giá trị đã trở thành bản sắc văn hóa tộc người thì còn có nhiều ý kiến khác nhau về Lễ hội đâm trâu. Một số người cho rằng Lễ hội đâm trâu cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống đương đại, người khác lại lên án đây là một tập quán dã man phải dẹp bỏ… Quả thật không dễ tìm lời giải ngắn gọn cho các ý kiến khác nhau đó, nếu không tìm ra những yếu tố chung, xung quanh bản chất của lễ hội đâm trâu, những nghi thức, nghi vật, nghi trượng,... được bày biện tạo một không gian thiêng; được con người sử dụng để biểu thị và mục đích xã hội trong sáng tạo và sử dụng các sản phẩm nghệ thuật. Có một tác giả chủ bút một tờ báo văn nghệ viết “…Có lần, một cộng tác viên gửi bài và ảnh minh họa về lễ hội đâm trâu. Tôi đã xem trước đó phóng sự này trên truyền hình. Nó đúng như vậy. Một đám đông vây quanh con trâu đã câu cọc đang bị roi vọt hành hạ và nó cứ phải chạy quanh vòng này đến vòng khác. Khi cơn hứng thú giết chóc nổi lên thì người ta đua nhau la ó phóng lao vào con vật đáng thương cho đến chết rồi hả hê reo hò xẻo thịt nó. Có một thứ trò tiêu khiển được mệnh danh là văn hóa truyền thống man rợ đến vậy sao? Tôi bần thần như lòng trắc ẩn bị thương tổn và từ chối in bài báo đó”. Tác giả của một bài báo khác lại viết “…Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên cũng thế, phải dẹp bỏ ngay. Con trâu là đầu cơ nghiệp, hiền lành, cần mẫn làm những việc rất nặng nhọc để nuôi người, suốt đời nhai rơm gặm cỏ. Nó là bạn hiền của người Việt với nền văn minh lúa nước 4000 năm nay. Tôi rất kinh hãi trò chơi rùng rợn này. Nó giáo dục cái ác, biến việc giết chóc vô nhân đạo thành nghi lễ, dù đó không phải là ý muốn của người tổ chức lễ hội…”. Là một người có gần 30 năm công tác trong ngành văn hóa, lại tham dự và có nghiên cứu về lễ hội đâm trâu ở một số tỉnh Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, tôi nhận thấy những nhận định như dẫn chứng trên là chưa thỏa đáng và thiếu tính thuyết phục. Thật quan ngại khi phải nói ra những điều đó. Chúng tôi rất trân trọng quan niệm trái chiều của các cá nhân khi xem xét và nhận định về lễ hội đâm trâu, không hề phản bác, không hề khẳng định việc đúng sai mà chỉ qua thực tế nói lên cảm nhận của mình. Hy vọng rằng một vài kiến giải sau đây của người viết bài này sẽ góp phần làm rõ thêm tính nhân văn, những giá trị văn hóa đặc sắc trong lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên.
 
Trước nhất, con trâu trong tâm thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên khác hẳn với con trâu trong tâm thức của người Việt (kinh) hoặc một số tộc người khác. Trong xã hội truyền thống và cả đương đại phần lớn cư dân người Việt (kinh) ở vùng nông thôn với nền văn minh lúa nước; ruộng đất manh mún chưa có hoặc không có điều kiện cơ giới hóa thì con trâu vẫn là công cụ sản xuất chủ yếu của người nông dân. Hơn thế nó cũng đồng thời là tài sản lớn của họ. Do vậy nói con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp cũng là điều dễ hiểu. Khác với người kinh, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và miền núi một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung, điều kiện canh tác chủ yếu là nương rẫy, hái lượm và săn bắt nên con trâu không phải là vật nuôi để kéo cày. Vì vậy con trâu không phải là vật nuôi và tài sản chính của họ. Con trâu ở Tây Nguyên gắn liền với tín ngưỡng đa thần của cư dân bản địa. Theo thần thoại của một số tộc người Tây Nguyên, con trâu còn là “Vật tổ” (một số tộc người có tục cưa răng cho giống tổ). Do đó, người ta nuôi trâu chỉ để làm lễ hiến sinh trong các lễ cúng quan trọng, hoặc để trao đổi những vật dụng quý như ching (chiêng), ché, voi…Chứ hoàn toàn không sử dụng để cày bừa hay kéo xe như ở miền xuôi.
 
Thứ hai, Ăn trâu là tên gọi chính thức của tục hiến sinh trong các lễ thức cúng Yang, còn đâm trâu là cách gọi của người miền xuôi. Xưa kia do sự hiểu biết về khoa học kỹ thuật, về chăm sóc sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh của đồng bào có những hạn chế nhất định. Và để chống chọi với bệnh tật, rủi ro, hoạn nạn, thời tiết hạn hán, lũ lụt…Làm thiệt hại đến mùa màng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân buôn làng,...với mong muốn tai qua nạn khỏi và cầu mong cho mưa thuận gió hoà để cuộc sống của cộng đồng được may mắn hơn, tốt hơn thì phải nhờ đến sự phù hộ, cứu giúp của thần linh (Yàng). Để tạ ơn thần linh, hằng năm buôn làng thường tổ chức lễ hội ăn trâu. Tùy theo mục đích, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế và phong tục, tập quán của từng dân tộc mà lễ hội đâm trâu được tổ chức trong những thời điểm, khoảng thời gian và không gian khác nhau; Song lễ hội thường được tổ chức bên cạnh những ngôi nhà chung của buôn làng như nhà dài, nhà rông... Người chủ lễ thường là một già làng. Ngày mở hội, dân làng chọn một con trâu khỏe mạnh đưa đi tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống no nê rồi đem buộc cổ trâu bằng dây mây vào một cây cột cao trên 5m. Đây là một cây cột gỗ hoặc tre đặc biệt được trang trí bằng các líp lát tre nứa có hoa văn, họa tiết màu sắc sặc sỡ. Trên đỉnh cột thường đặt một biểu trưng chẳng hạn như chim phượng hoàng tạc bằng gỗ. Người Ba Na gọi cây cột này là gưng sakapô, người Gia Rai gọi là ging ga, người gọi Ê Đê gọi là blang kbâo. Chủ lễ đọc lời khấn cầu xin hay tạ ơn thần linh và mời thần linh xuống ăn thịt trâu, uống rượu cần. Chủ lễ khấn xong thì các đội cồng chiêng và những người tham gia lễ hội trong sắc phục đặc trưng của tộc người mình bắt đầu diễn tấu, uống rượu, múa hát theo nhịp cồng chiêng. Nghi lễ đâm trâu là phần quan trọng bậc nhất của lễ hội. Người được buôn làng phân công đâm trâu là một chàng trai lực lưỡng, trang bị một chiếc lao dài để phóng lao giết trâu, vừa phóng lao vừa biểu diễn các bài võ thuật. Con trâu bị giết được đem xẻ thịt, chia nhỏ từng phần cho các nhà trong buôn làng cùng liên hoan… Tuy nhiên đâm trâu chỉ là một trong những nghi thức nằm trong các Lễ-Hội, chứ không hề tồn tại một “lễ hội đâm trâu” riêng như có người vẫn nhầm gọi.


Người dân huyện A Lưới (Huế) tổ chức Lễ hội đâm trâu để mừng ngày nhập làng mới - Ảnh: Tư liệu
Thứ ba, quan niệm “sinh vật dưỡng nhân” trong lễ hội đâm trâu có giá trị nghệ thuật và mang tính nhân văn sâu sắc. Trong tâm thức của thầy cúng, khi giết những con vật vô tội thì mình trở thành người có tội. Nhưng đây là những việc chính đáng, những việc phải làm vì lợi ích của cộng đồng buôn làng, với quan niệm “sinh vật dưỡng nhân”. Vì thế trước lúc giết con trâu, người cúng phải thực hiện nhiều nghi lễ, nói rõ với con vật hiến sinh lý do cũng như ý nghĩa việc mình phải làm, nó là vật hiến tế linh thiêng để tạ ơn các Yang và “cha trời, mẹ đất”. Mong Yàng, các vị thần linh phù hộ cho buôn làng mọi chuyện được suôn sẻ, hanh thông trong cuộc sống. Bài khấn khóc trâu trong lễ Ăn trâu của người M’Nông ở Tây Nguyên đã nói lên được tính nhân văn rất sâu sắc của lễ hội này: “…Ta thương trâu đã mười năm nay/ Ta chăn trâu vào đủ trăm ngày/ Mời trâu ăn nắm cỏ lần cuối/ Mời trâu ăn lá cây lần cuối/ Trâu hãy ăn lá Râng(1) lần cuối/ Trâu hãy kêu nghé ọ lần cuối/ Người ta đã cột trâu vào cọc rồi/ Khách mời “ăn trâu” đã đến đầy nhà/ Chờ sáng mai họ sẽ vào ngày hội/ Ta thương tiếc trâu lắm trâu ơi!/ Ta không thể giúp gì cho trâu được/ Trâu hãy rung cho ngã cọc nêu/ Trâu vùng vẫy cho đứt chùm dây/ Người ta sắp xẻ thịt trâu rồi đấy!/ Nơi vũng nước trâu dẫm vẫn còn/ Chân trâu cào mặt đất còn dấu/ Bãi cỏ nơi trâu còn đó/ Ngọn núi kia trâu đi với cái/ Bụi tre kia trâu vỗ nghé ngủ/ Cây to kia trâu thường cọ khi ngứa/ Đôi mắt tròn trâu tìm đường đi/ Dòng suối nơi trâu tắm vẫn còn/ Ta gặp trâu đêm nay nữa thôi/ Người ta đã cột dây đầy cổ trâu/ Người ta cột trâu nhiều dây chắc lắm/ Người ta đã cho trâu đeo xâu cườm/ Ta đành chịu không cứu được trâu/ Người chặt vào lưng xin trâu đừng khóc/ Người đâm vào hông trâu chớ kêu la/ Người chặt vào đuôi trâu đừng quất nữa/ Nếu trâu quất e trúng lũ trẻ/ Có bề gì ta phải chịu đền/ Trâu chết đi bỏ lại vũng nước/ Trâu chết đi bỏ lại cỏ non/ Trâu chết đi bỏ lại vợ con/ Trâu chết đi cho buôn làng vui/ Cho thần lúa xuống ở trong nia/ Cho thần lúa xuống ở trong thùng/ Ta trao bột máu dê cho trâu/ Ta cho trâu ăn bột củ nghệ/ Ta cho trâu uống rượu ống nứa/ Trâu uống đi trước khi trâu chết!/ Ta tiếc thương trâu lắm trâu ơi!/ Thôi ta từ giã trâu ta từ đây/ Trâu hãy ăn nắm cỏ này lần cuối/ Trâu hãy ăn trước khi trâu chết/ Để trâu về giữ con thần lúa…”.
 
Bài khấn “Khóc trâu” là một trong những bài ca có giá trị nghệ thuật và mang tính nhân văn sâu sắc. Nội dung bài khóc trâu đã thể hiện được nỗi lòng, mối quan hệ gắn bó, thân thiết, sự yêu thương của bà con buôn làng với con vật mà họ yêu quý như chính thành viên trong gia đình mình. Đó còn là lời từ biệt, cám ơn con vật đã vì sự tồn tại sống còn của cả cộng đồng buôn làng mà chịu làm vật hiến sinh. Khi nghe trọn vẹn và hiểu cặn kẽ về nội dung bài khấn khóc trâu ta thấy rằng hành vi đâm trâu trong lễ hội là một nghi thức rất linh thiêng, sự hiến sinh của con trâu thật là cao cả, nghĩa khí, vì nó đã đem đến cho thế giới thần linh tất cả ước vọng của cộng đồng. Các giá trị văn hóa tinh thần được thăng hoa, kết tinh vào chính sự hiến sinh đó nên lễ hội ăn trâu thật sự cần thiết trong tín ngưỡng của đồng bào. Có lẽ vì thấu hiểu được giá trị của sự hiến sinh mà chủ thể của lễ hội đâm trâu nhận thấy không có gì đáng “kinh hãi trò chơi rùng rợn này…”. Và đó cũng không phải là “…giáo dục cái ác, biến việc giết chóc vô nhân đạo thành nghi lễ. …” hay “Khi cơn hứng thú giết chóc nổi lên thì người ta đua nhau la ó phóng lao vào con vật đáng thương cho đến chết rồi hả hê reo hò xẻo thịt nó. Có một thứ trò tiêu khiển được mệnh danh là văn hóa truyền thống man rợ đến vậy sao? …”  như nhận định của một số tác giả qua cảm nhận trực quan, không phản ánh đúng bản chất và tính nhân văn của lễ hội đâm trâu. Và sau nữa riêng tôi, tôi hoàn toàn đồng cảm với GS.TS Ngô Đức Thịnh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khi Ông nhận định: “Theo tôi, không có bất cứ một lễ hội nào là lễ hội “man rợ” cả. Bởi lễ hội xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng, những lễ hội hiến tế đối với họ cũng mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, với mục đích tế thần để cầu mong may mắn, mùa màng bội thu. Chỉ có những người không hiểu gì về lễ hội, hay về những ý nghĩa của nó mới cho rằng đó là những lễ hội “man rợ””…“Những hình ảnh được cho là phản cảm, man rợ hay đầy bạo lực đều xuất phát từ cảm nhận của những “người ngoài”, tức là những người chưa thực sự hiểu về ý nghĩa của từng lễ hội. Đúng là nếu ở ngoài nhìn vào, sẽ thấy những hình ảnh chém lợn, đâm trâu đáng sợ thật, nhưng những người dân địa phương, những chủ thể văn hóa của các lễ hội này lại không thấy như thế. Trong khi đó, họ mới là người quyết định có nên bỏ hay không các lễ hội đó, còn không một ai có quyền phán xét việc tổ chức các lễ hội này là đúng hay sai ”.
 
 
 Tài liệu tham khảo:
1- Nguyễn Thị Thọ - Nét văn hóa trong lễ hội Đâm Trâu của người M’Nông
2- Có nên duy trì lễ hội đâm trâu? (Báo Đăk Lăk)
3- Tư liệu điền dã
4- Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở)
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 6
accessibility Hôm qua: 74
account_circle Trong tháng: 244.214
account_box Trong năm: 24.436
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.756