Trong gia tài âm nhạc gần 400 tác phẩm của ông có gần 20 ca khúc về Trường Sa, trong đó có nhiều ca khúc giàu cảm xúc, lay động lòng người bằng nhiều ca từ, giai điệu thiết tha, sâu lắng....
Cập nhật ngày: 28/08/2014
Phan Thế Hữu Toàn
Trong gia tài âm nhạc gần 400 tác phẩm của ông có gần 20 ca khúc về Trường Sa, trong đó có nhiều ca khúc giàu cảm xúc, lay động lòng người bằng nhiều ca từ, giai điệu thiết tha, sâu lắng, được những người yêu biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đặc biệt quan tâm. Ông là nhạc sĩ (NS) Hình Phước Long, Hội viên Hội NS Việt Nam - Tác giả ca khúc nổi tiếng “Gần lắm Trường Sa”.
Giữa buổi sáng dịu mát trong lành, tôi tìm đến nhà ông trong con hẻm nhỏ ở TP Nha Trang đầy nắng gió. Ông tiếp tôi bằng nụ cười hiền lành, phúc hậu, và câu chuyện khởi đầu từ ca khúc “Gần lắm Trường Sa”. Sau giây phút trầm tư, NS Hình Phước Long lấy ra bản thảo bài hát, rồi tâm sự “Tôi viết ca khúc này khi chưa đến Trường Sa”. Ngừng một lát ông kể tiếp “Cách đây 34 năm, khi tôi còn là cán bộ Phòng VHTT huyện Cam Ranh, tỉnh Phú Khánh - nay là TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Lữ đoàn hải quân 146 nhờ cơ quan tôi hỗ trợ xây dựng chương trình văn nghệ để tham dự Hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Khánh. Tình cờ tôi gặp những người lính hải quân vừa trở về từ Trường Sa, nghe họ kể lại cuộc sống nơi đảo xa, chia sẻ tình cảm và những nỗi niềm trăn trở, tôi mường tượng hình ảnh người lính đang ngày đêm đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng vẫn kiên cường bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sau đó, tôi được Lữ đoàn trưởng Cao Phi Đăng mời xem phim tài liệu “Tổ quốc trên một vùng đảo nhỏ” của Xưởng phim Quân đội. Hình ảnh về đời sống sinh hoạt thường nhật, huấn luyện sẵn sàng chiến đầu của những người lính trong mỗi thước phim đã khơi gợi trong tôi ý tưởng sáng tác nhạc về Trường Sa…”. Thế nhưng gần hai năm sau, NS Hình Phước Long mới trả được “món nợ” đã hứa với lòng mình khi tham dự trại sáng tác âm nhạc do Sở VHTT Phú Khánh tổ chức tại TP Nha Trang. Ông nhớ lại “Một buổi chiều, tôi đang đạp xe trên đường Trần Phú, tình cờ nhìn thấy một cô gái đang nhìn ra phía biển xa xăm, bất chợt tôi liên tưởng người phụ nữ đó trông đợi người yêu đang ngày đêm canh giữ Trường Sa ”. Như một cơ duyên, câu ca dao “Khi xa sát vách cũng xa. Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần” mà người mẹ ruột NS Hình Phước Long thường hát ru lại vọng về trong tâm thức ông, khiến những ca từ đầu tiên về Trường Sa bật lên nghe đến nao lòng “Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…”. Ông dừng xe, viết lại những giai điệu vừa tìm thấy. Tối hôm đó về đến nhà mẹ ruột ở thị xã Ninh Hòa, NS Hình Phước Long ngồi trước sân nhẩm lại hai câu đã viết, cảm xúc dâng trào giúp ông viết một mạch trọn vẹn ca khúc “Gần lắm Trường Sa” mà không hề chỉnh sửa nốt nhạc hay ca từ nào. “Trường Sa ơi, biên đảo quê hương, đôi mắt biên cương vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng, bão giật. Đảo quê hương. Anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi. Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi…”. Giai điệu bài hát mượt mà, tha thiết, không chỉ đưa người nghe đến với Trường Sa bằng âm nhạc mà còn gây xúc động bởi tình cảm thân thương sâu lắng giữa người lính nơi biển đảo tiền tiêu Tổ quốc và người thân ở đất liền. Lần đầu tiên bài hát được ca sĩ Anh Đào - Đoàn ca nhạc Hải Đăng thể hiện trên Đài phát thanh Phú Khánh bằng chất giọng ngọt ngào, sâu lắng, rung động trái tim người nghe. Có thể nói Anh Đào là người hát ca khúc này hay nhất, cảm xúc nhất. 6 lần ra Trường Sa, lần nào chị cũng được bộ đội trên các đảo đề nghị hát ca khúc “Gần lắm Trường Sa”, thậm chí nhiều lần chị phải hát lại đến hai, ba lần. Những cung bậc tình cảm được tác giả thể hiện trong ca khúc đã cuốn hút hàng triệu khán thính giả trong cả nước qua các phương tiện nghe nhìn.
NS Hình Phước Long tâm sự “Bất kỳ nhạc sĩ nào cũng cảm nhận hạnh phúc khi tác phẩm của mình sống được trong lòng thính giả. 32 năm qua, “Gần lắm Trường Sa” vẫn được nhiều người yêu thích khiến tôi thật sự hạnh phúc”. Một năm sau khi ca khúc ra đời, quần đảo Trường Sa chuyển giao từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về tỉnh Khánh Hòa. Theo lời động viên của ông Cung Giũ Phú - Giám đốc Sở VHTT Phú Khánh, NS Hình Phước Long sáng tác ca khúc “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn” với những ca từ “Vượt trùng sóng biển khơi, em gặp anh giữa đảo. Biết nói sao cho vơi, vẫn bên anh là đảo Sinh Tồn”. Viết xong, ông chuyển ngay cho ca sĩ Anh Đào tập hát trong ba ngày để theo đoàn công tác tiếp nhận Trường Sa. Năm 1984, lần đầu tiên NS Hình Phước Long ra Trường Sa trong chuyến đi gần một tháng, khi quần đảo còn rất hoang sơ, thiếu thốn từ cọng rau đến giọt nước ngọt. Gặp tác giả “Gần lắm Trường Sa”, cánh lính trên đảo Song Tử Tây ùa tới vây quanh. Phấn khích, ông ôm đàn ghita cất tiếng hát “Chiều Nha Trang sao bỗng bâng khuâng như thấy anh đang sừng sững kiên trung giữa pháo đài giữ đảo…”. Chuyến đi qua các đảo Thuyền Chài, An Bang, Nam Yết, Sinh Tồn, Sơn Ca, Song Tử Tây…, đã bồi đắp kiến thức thực tế để ông lần lượt cho ra đời thêm nhiều ca khúc về Trường Sa như “Tiếng hát đảo Sơn Ca”, “Vầng trăng nơi đảo xa”, “Tâm tình người lính Trường Sa”, “Lung linh hồn biển”, Đêm trên đảo Thuyền Chài”... Mỗi bài hát đều có hoàn cảnh, cấu tứ, ca từ, giai điệu và cảm xúc riêng biệt, nhưng tất cả đều hướng về biển đảo thiêng liêng bằng tình yêu Tổ quốc, về những người lính kiên cường trước bão tố phong ba. NS Hình Phước Long nhớ lại “Trên con tàu ra Trường Sa, tôi đã tìm được giai điệu cho “Tiếng hát đảo Sơn Ca” với những ca từ “Đảo Sơn Ca vắng tiếng Sơn Ca. Chỉ có tiếng hát của những người chiến sĩ. Anh bỗng trở thành loài chim quý. Hát giữa đảo ngàn thay tiếng hát Sơn Ca”. Buổi hoàng hôn, không gian trên đảo trầm lắng, dịu êm. Những người lính lặng lẽ trông về phía Tây, chừng như gửi nỗi nhớ quê nhà theo ánh chiều buông xuống. Tôi viết “Là anh lính Trường Sa, đời giông tố đã quen, vẫn khát khao yêu và yêu tha thiết. Dù xa nghìn trùng xa thì người lính vẫn nhớ hàng tre em về qua một chiều nắng xỏa tóc…” trong bài hát “Nhớ thầm”.
Đến Trường Sa, NS Hình Phước Long cảm nhận vẻ đẹp đêm trăng bằng cảm xúc trong trẻo, ngọt lành bằng ca khúc “Vầng trăng nơi đảo xa” với những ca từ “Đêm nay nơi Trường Sa. Có một vầng trăng sáng. Trăng sáng đến lạ thường. Ngồi đọc thư người thương. Dát vàng khuông nét chữ. Đồng đội không ai ngủ. Mỗi người một vầng trăng”. Những ca khúc về Trường Sa của NS Hình Phước Long luôn hiện hữu rõ nét bóng dáng hào hùng người lính. Ông bồi hồi nhớ lại “Một chiều cách đây hơn 26 năm, tình cờ tôi gặp người quen là Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn hải quân 146 đang đi xe máy trên phố Lê Thành Phương, TP Nha Trang. Anh ấy từ chối lời mời uống nước của tôi, vì đang tất bật mua sắm tư trang cho chuyến đi Trường Sa. Không ngờ ba ngày sau đó, Trung tá Thông cùng nhiều đồng đội trên tàu HQ-604 đã hy sinh anh dũng trong trận chiến trên vùng biển đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 và đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Nghĩ đến hình ảnh những con tàu ra Trường Sa thả vòng hoa tưởng niệm liệt sĩ xuống vùng biển Gạc Ma, tôi viết ca khúc “Lung linh hồn biển” với những ca từ “Tàu buông neo khơi xa. Giữa một vùng biển sóng. Thả một vòng hoa trắng. Nhớ đồng đội hy sinh. Cả Trường Sa lung linh. Sắng ngời lên sắc biển. Phải anh vừa hiển hiện. Cánh chim đảo nghiêng mình…”. Nói tới đó, giọng ông trở nên nghẹn ngào, đôi mắt ngấn lệ.
Chia tay NS Hình Phước Long, tôi biết ông đang ấp ủ nhiều ca khúc mới về biển đảo và Trường Sa, Hoàng Sa - Nơi ông luôn trăn trở, hướng tới bằng những giai điệu của trái tim, tấm lòng và tình yêu Tổ quốc.
NS Hình Phước Long - sinh năm 1950, tại phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ngoài Huân chương lao động hạng ba vì đã có những thành tích xuất sắc trong sáng tạo nghệ thuật, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được Chủ tịch Nước trao tặng năm 2012, trước đó ông đã nhận giải nhì - không có giải nhất với ca khúc “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn” trong Cuộc thi sáng tác ca khúc của Hội nhạc sĩ Việt Nam 1984; giải nhì - không có giải nhất, ca khúc “Đêm Xoang Tây Nguyên” của Hội nhạc sĩ Việt Nam 1990; giải nhất Cuộc thi sáng tác về Trường Sa năm 1997 của Nhà văn hóa thanh niên TP Hồ Chí Minh với ca khúc “Vầng trăng nơi đảo xa”. Cũng trong năm 1997 Hình Phước Long nhận tặng thưởng giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.