CÁC BÀI THUỐC TỪ CÂY RAU MÁ

Cập nhật lúc:   09:55:44 - 12/12/2017 Số lượt xem:   1611 Người đăng:   Administrator
cây rau má cây rau má
Mô tả: Cây cỏ, sống nhiều năm. Thân mảnh mọc bò, bén rễ ở các mấu. Lá mọc so le hoặc tụ tập nhiều lá ở một mấu. Phiến lá hình thận hoặc gần tròn, mép khía tai bèo.
Cập nhật ngày: 11/10/2011

Mô tả: Cây cỏ, sống nhiều năm. Thân mảnh mọc bò, bén rễ ở các mấu. Lá mọc so le hoặc tụ tập nhiều lá ở một mấu. Phiến lá hình thận hoặc gần tròn, mép khía tai bèo. Cụm hoa hình tán đơn mang 1-5 hoa nhỏ không cuống, màu trắng hoặc phớt đỏ. Quả dẹt.

Thành phần hoá học: Cả cây chứa tinh dầu, dầu béo gồm glycerid của các acid : oleic, linolic, linolenic, lignoceric, palmitic và stearic; alcaloid hydrocotylin; chất đắng vellarin; glucosid asiaticosid thuỷ phân cho acid asiatic và glucosa, rhamnosa ; vitamin C.

Công dụng: Chữa sốt, sởi, nôn ra máu, chảy máu cam, lỵ, ỉa chảy, táo bón, vàng da , đái dắt buốt, thống kinh, bạch đới, giãn tĩnh mạch, mụn nhọt. Ngày 30-40g cây tươi giã thêm nước uống hoặc sắc. Đắp ngoài chữa tổn thương do ngã, gãy xương, bong gân, ung nhọt.

Công dụng và cách dùng:

Chữa trúng thử, say nắng, say nóng: Lấy khoảng 100g rau má tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước, thêm chút muối ăn, quấy đều cho uống. Có thể kết hợp rau má với lá sen tươi, cỏ nhọ nồi tươi, mỗi thứ 100g, rửa sạch, thái nhỏ, giã nát, vắt lấy dịch, thêm chút muối ăn, quấy đều cho uống. Ngoài ra có thể dùng rau má dưới dạng chè để giải nhiệt hàng ngày: rau má, vỏ đậu xanh, đậu ván trắng, mạch môn, mỗi vị 12g, sinh địa 10 g, sa sâm, lá tre (tươi) mỗi vị 8 g, cam thảo 4 g, ngày 1 thang, dưới dạng hãm.

Chữa rôm sẩy, mẩn ngứa: Hàng ngày ăn rau má tươi, hoặc giã nát vắt lấy nước uống, nếu trẻ nhỏ, có thể thêm chút đường hoặc mật ong cho dễ uống.

Chữa ho khan, ho lâu ngày, ho thể nhiệt: Rau má tươi 100g, rửa sạch vắt lấy dịch cho uống; có thể dùng 40g rau má (khô) phối hợp với bạc hà, cóc mẳn, mỗi vị 16g, bách bộ, mạch môn, mỗi vị 12g, cam thảo 8g. Sắc uống, ngày một thang. Uống liền 1-2 tuần.

Chữa đau bụng tiêu chảy, rau má khô: (sao vàng) 10g, bạch biển đậu 12g, hoắc hương, hương phụ, hạt mã đề, mỗi vị 8g, sa nhân 3g, gừng tươi 2g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Chữa viêm loét dạ day, tá tràng, rau má (khô) 12g, đảng sâm 16g, hoài sơn, ý dĩ, kê huyết đằng, cam thảo dây, hà thủ ô đỏ, đỗ đen (sao), mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Chữa viêm bàng quang cấp, rau má 10g, bồ công anh 20g, mã đề 16g, thài lài tía, chi tử, râu ngô, mộc thông, cam thảo dây, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Chữa viêm gan vàng da, rau má (tươi) 100g, nhân trần 30g, chi tử 12g, vàng đắng 6g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Cầm máu khi chảy máu chân răng, chảy máu cam, thổ huyết, đi tiểu ra máu, đi tiêu ra máu vì bệnh kiết lỵ, phụ nữ bị băng huyết. Thường dùng 30g rau má, 15g cỏ nhọ nồi, lá trắc bá, sao sắc nước uống.

Trị khí hư bạch đới, phụ nữ đau bụng lúc có kinh, dùng rau má phơi khô tán thành bột uống; mỗi sáng dùng 2 thìa cà phê bột.

Trị đái buốt, đái dắt, dùng rau má tươi giã nhuyễn, chắt nước cốt uống.

Làm thuốc lợi sữa: có thể ăn rau má tươi hoặc luộc, nếu luộc thì phải dùng cả nước luộc mới có tác dụng.

Tuy nhiên, với những người tì vị hư hàn, thường đi đại tiện lỏng, không nên dùng nhiều vì rau má có tính lạnh...

Người ta đã chế biến rau má thành những dạng cao làm vết thương sớm lành da, liền sẹo (vết thương phần mềm).Gần đây rau má được bào chế dưới dạng thuốc mỡ để chữa bỏng có hiệu quả tốt, giúp cho vết thương phát triển tổ chức hạt và lên da non nhanh chóng.

Khi sử dụng, cần phân biệt một số dược liệu mang tên Rau má, sau đây:

- Rau má lông (Glechoma hederacea L.), họ bạc hà (Lamiaceae), mọc hoang ở vùng núi Tam Đảo, Lào Cai, Lạng Sơn... Cây có thân vuông, cao độ 10-30 cm. Lá tròn, có răng cưa giống lá rau má. Khi vò có mùi thơm. Rau má lông được dùng chủ yếu để chữa sỏi niệu quản, sỏi mật, sỏi ống dẫn mật, viêm thận, phù thũng, hoặc các trường hợp khí hư bạch đới, chữa kinh nguyệt không đều, ngày 12- 16g, dưới dạng thuốc sắc

- Rau má lá to (Hydrocotyle nepalensis Hook.). Cây có lá giống lá rau má, cao độ 20-30 cm, hoa nhỏ, mầu trắng. Cây dùng làm dược liệu trị ho, hen, khí hư bạch đới, viêm gan.

- Rau má mỡ (Hydrocotyle sibthorpioides Lam.). Lá giống lá rau má, song có kích thước nhỏ hơn. Mặt trên lá nhẵn bóng, giống như láng một lớp mỡ. Hiện được sử dụng toàn cây để trị viêm gan vàng da, viêm gan virut, xơ gan, viêm họng, cảm sốt, ngày 20 - 40g, dưới dạng nước sắc.

Ngoài các loài rau má nói trên, còn có một số cây khác cũng mang tên rau má: Cây rau má lá rau muống trị ngứa lở, ung nhọt, đau mắt đỏ, đau họng... rau má núi trị tiêu thũng, hút mủ. Rau má nước trị đau bụng, tê thấp, rau má ngọ trị mụn nhọt, rắn cắn, rau má vĩ (rong mơ) trị bướu cổ, thủy thũng.

Trên đây là tác dụng của rau má mà bản thân tôi đã siêu tầm, nghiên cứu và apa dụng trên thưc tế rất hiệu quả.
[TRẦN NGỌC QUÝ-PCT HỘI CHÂM CỨU TỈNH PHÚ YÊN]
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 0
accessibility Hôm qua: 386
account_circle Trong tháng: 277.054
account_box Trong năm: 43.323
supervisor_account Tổng truy cập: 3.183.643