Khỉ cũng như người đều thuộc bộ linh chưởng. Bộ này bao gồm những động vật ở thềm tiến hóa cao nhất của lớp có vú.
Khỉ cũng như người đều thuộc bộ linh chưởng. Bộ này bao gồm những động vật ở thềm tiến hóa cao nhất của lớp có vú. Linh chưởng chuyên sống ở miền khí hậu nhiệt đới và Á nhiệt đới các Châu lục (trừ châu Đại dương).
Ở Việt Nam, theo điều tra của Trường Đại học quốc gia Hà Nội. có 19 loài linh chưởng (2 loài culi, 7 loài vọoc, 5 loài khỉ và 5 loài vượn). Nếu ở châu Á là cái nôi ra đời của khỉ ở giữa kỷ đệ tam và đệ tứ thì khoảng 3,5 triệu năm trước công nguyên khỉ mở rộng địa bàn sinh sống và phát triển ra khắp thế giới. Cho đến nay, các nhà khoa học tìm thấy ở châu Á có 63 loài khỉ, châu Phi 65 loài, châu Mỹ Latinh 46 loài. Ở Việt Nam khỉ có 5 loài: khỉ đuôi lợn, khỉ mốc, khỉ đuôi dài, khỉ cộc và khỉ vàng. Khỉ là loài linh chưởng thông minh và có nhiều đặc tính lạ; về trọng lượng khỉ thường nặng từ 3-5kg. Con to nhất không quá 15 kg. Khỉ di chuyển nhanh, leo trèo giỏi. Người ta gọi khỉ là “vua chuyền cành” với khả năng di chuyển siêu tốc, một đôi khỉ có thể bảo vệ được 25 ha rừng để cung cấp hoa quả quanh năm cho chúng.
Các cơ quan khứu giác, thính giác, vị giác ... của khỉ rất phát triển. Khỉ có khả năng đánh mùi cách xa cả 1 cây số. Ăn uống đối với khỉ là cả một nghệ thuật, khỉ ăn thức ăn có nguồn gốc là thực vật như: chồi, lá non, hoa quả và hạt. Đôi khi chúng ăn cả côn trùng, trứng chim hay bắt cá nhờ khả năng lặn sâu của chúng. Nếu nuôi nhân tạo cho khỉ ăn cơm gồm: gạo tẻ nấu với lạc (đậu phộng), đậu đen. Khỉ “nghiện” chuối, mía, ổi, cam, dưa hấu ...
Theo các nhà khoa học, khả năng hoạt động tình dục của khỉ đực “tuyệt vời” nó có thể giao phối 20-25 lần trong ngày. Các nhà khoa học đang nghiên cứu để tìm ra loại Hormon kỳ diệu đó của khỉ đực để phục vụ cho con người.
Vòng đời của khỉ không quá 30 năm, trước khi chết khỉ rất khát nước. Khỉ có thể bị mắc một số chứng bệnh trong đó nguy hiểm nhất là bệnh tiêu chảy.
Khỉ là đối tượng thí nghiệm phần lớn các loại thuốc chữa bệnh trước khi đưa ra phổ biến, trong đời sống do chúng có nhiều đặc điểm sinh lý gần gũi với con người. Một con khỉ trưởng thành ở tuổi thứ hai nặng từ 2-3kg, có thể sản xuất văc-xin. Óc, Tủy và Thận của khỉ dùng để chế Văc-xin bại liệt cho trẻ. Mỗi năm thế giới sử dụng hàng ngàn con khỉ để sản xuất văc-xin bại liệt. Giờ đây, khỉ dùng để sản xuất văc-xin viêm gan A, văc-xin ỉa chảy do virus ...Những thí nghiệm về y học trên khỉ thường mang lại kết quả tương đối chính xác, có thể áp dụng ngay cho người.
Ở Trung Quốc, các nhà bào chế đông y còn dùng khỉ như một vị thuốc Bắc linh nghiệm. Chỉ riêng thân khỉ sau cao lượng hoàn tán cho 49 vị thuốc Bắc. Một con khỉ có thể cho 214 vị thuốc Bắc khác nhau: thịt khỉ trị sốt rét lâu ngày; da khô nấu cao: trị chứng ngứa; mật khỉ: trị kinh giản, đau mắt; xương khỉ: bổ can thận, ích cốt tủy, trị mọi chứng phong lao, bổ phòng sự; cao khỉ toàn tính có vị chua, mặn, tính bình vào 2 kinh can và thận có tác dụng bổ thận, cường dương, mạnh gân cốt. Còn dùng thuốc bổ máu, bổ toàn thân. Dùng cho phụ nữ trong trường hợp kém ăn, kém ngủ, thiếu máu xanh xao hay đổ mồ hôi trộm. Theo các nhà khoa học cao khỉ tốt vì do khỉ ăn những hoa quả tốt nhất trong thiên nhiên, lại leo trèo nên xương cốt khỉ luôn vận động ở mức tối đa, tích lũy nhiều calci, chất sắt, các nguyên tố vi lượng ...Khỉ lại thích ăn lá chút chít, quả mâm xôi, mộc nhĩ, mộc ong...là những đặc sản của rừng nhiệt đới và Á nhiệt đới. Những con khỉ sống càng lâu, nấu cao càng có giá.
Ngoài ra, Đông y sử dụng các vị thuốc của khỉ để phối hợp các bài thuốc Đông y có giá trị phòng và chữa bệnh rất tốt.
BS Phan Kỳ Nam