BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP Ở "ĐÔI BÀN TAY" NGƯỜI NỘI TRỢ

Cập nhật lúc:   15:14:40 - 26/09/2017 Số lượt xem:   1387 Người đăng:   Admin
"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - là truyền thống lâu đời của gia đình Việt Nam và người phụ nữ
"Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - là truyền thống lâu đời của gia đình Việt Nam và người phụ nữ Việt Nam luôn xem việc chăm sóc gia đình là niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Dẫu cho cuộc sống hiện đại tất bật của đô thị có ảnh hưởng sâu sắc đến từng gia đình người Việt, khiến cho bữa cơm gia đình có phần bị giảm bớt đi về số lần, nhưng trong mỗi gia đình đều lưu dấu sự chăm chút bữa ăn của “đôi bàn tay” người phụ nữ nội trợ. Nhưng chính những người “xây tổ ấm” ấy lại hay gặp những bệnh lý “nho nhỏ” trên bàn tay. Tuy là “nho nhỏ” nhưng nếu các bệnh lý này không được xử lý sớm sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng mà đôi khi tàn phế đôi bàn tay xinh đẹp của chị em". 

 

Khó chịu với bệnh lý “ngón tay bật”

Đây là tình trạng viêm bao gân gập ngón tay mà các ngón hay gặp là ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn và thường phối hợp với tình trạng chấn thương lặp đi lặp lại. Thường gặp ở bệnh nhân trên 40 tuổi, có tiền căn tiểu đường, viêm khớp dạng thấp.

Các sợi gân bình thường sẽ trượt tới lui bên dưới các ròng rọc. Khi có một nốt phát triển trong gân (do viêm), nốt này có thể chui qua ròng rọc khi gân gập nhưng không thể chui lại khi gân duỗi và gây ra “kẹt” ở chỗ ròng rọc làm ngón tay khó duỗi ra, khi cố gắng duỗi ngón tay sẽ gây ra tình trạng ngón tay không cử động nhẹ nhàng mà bị bật.

Triệu chứng lâm sàng điển hình là bệnh nhân sẽ than đau, đặc biệt vùng nếp gấp xa của gan bàn tay và ngón tay bị kẹt khi duỗi ra, có bệnh nhân mô tả sự chuyển động bật của ngón tay khi duỗi giống như đầu con bửa củi cử động. Cơn đau thường vào sáng sớm lúc thức dậy và giảm dần trong ngày. Khi khám sẽ thấy có nốt gây đau có thể sờ được ở vùng nếp gấp xa gan bàn tay (tức là ở đường chỉ tay gần ngón tay). Càng về sau khi nốt phát triển bệnh nhân sẽ khó khăn khi cử động ngón tay và đôi khi nặng tới mức không thể gập ngón tay vào được.

Điều trị bắt đầu bằng cách nẹp cho khớp bàn đốt duỗi trong 10 - 14 ngày và dùng thuốc kháng viêm giảm đau, không corticoid hoặc chích corticoid vào màng gân. Nếu không bớt có thể chích lại sau 3 - 4 tuần. Nếu không bớt nữa có thể phải dùng đến phẫu thuật giải phóng gân khỏi ròng rọc bằng cách cắt một phần hay hoàn toàn ròng rọc.

Đây là bệnh lý chẩn đoán dựa trên hỏi bệnh sử và khám lâm sàng, không cần thiết phải siêu âm hay chụp hình gì.

Viêm màng gân duỗi - dạng ngón cái hay bệnh Dequervain: bệnh để lâu gây đau mạn tính

Dequervain là loại bệnh lý hay gặp ở phụ nữ. Bệnh có tên là viêm màng gân cổ tay hay là viêm hẹp màng gân, hay tên gọi phổ biến hơn trong giới chấn thương chỉnh hình là viêm màng gân của Dequervain (Dequervain’s tenosynovitis). Bệnh này do tình trạng kích thích hay sưng gân bên phía ngón cái của cổ tay. Việc viêm dày của bao màng gân làm hẹp đường đi của gân dạng dài và duỗi ngắn ngón tay cái khi các gân trượt trong màng bao gân phía cổ tay. Bệnh điển hình hay gặp ở nhóm gân duỗi và dạng ngón cái có lẽ là do động tác dạng và duỗi ngón cái là động tác hay làm trong sinh hoạt.

Bệnh nhân thường cảm thấy tình trạng sưng và đau phía mặt ngoài cổ tay, nhất là khi cử động ngón cái hoặc khi nắm bàn tay lại. Một số người bị sưng to khiến bệnh nhân cứ tưởng là u xương vì sờ thấy cưng cứng. Số người bị dính ngón cái khi co duỗi ít hơn so với bệnh lý ngón tay cò súng (ngón tay bậ).

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân gấp ngón tay cái trong các ngón tay còn lại và bẻ cổ tay về phía bên trong (tức là bên xương trụ) sẽ gây cơn đau ngay tại chỗ sưng. Thường với các triệu chứng và khám lâm sàng như trên đã đủ để chẩn đoán bệnh, nhưng đôi khi bạn sẽ được chỉ định đi chụp phim X-quang cổ tay để loại trừ các nguyên nhân khác như bệnh lý xương, calci hóa gân bị viêm…

Những bệnh khác có thể có triệu chứng giống như vậy như viêm khớp bàn cổ tay ngón cái, nang hoạt dịch cổ tay, gãy xương thuyền (nhất là khi bệnh nhân có té chống bàn tay), thoái hóa khớp cổ tay như khớp quay - thuyền... Bệnh để lâu sẽ gây đau mạn tính, mất lực ngón cái vì không dạng và duỗi ngón cái được, như vậy sẽ hạn chế trong việc sử dụng bàn tay.

Về điều trị bao gồm uống thuốc, cho ngón cái nghỉ ngơi đôi khi phải làm nẹp bột bất động ngón cái và cổ tay. Tiếp theo có thể là tiêm corticoid tại chỗ nếu biện pháp đầu thất bại. Có thể tiêm tối đa là 3 lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu 7 - 10 ngày. Nếu không giải quyết được vấn đề thì có thể dùng đến biện pháp phẫu thuật. Theo kinh nghiệm, việc phẫu thuật sẽ đem lại lợi ích cho bệnh nhân nếu hai biện pháp uống thuốc và chích đã thất bại. Hiện chưa gặp trường hợp tái phát sau khi mổ ở bệnh lý này.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 41
accessibility Hôm qua: 74
account_circle Trong tháng: 258.903
account_box Trong năm: 1.236
supervisor_account Tổng truy cập: 3.185.608