Trong mùa nắng nóng, trẻ em có thể mắc một vài bệnh thông thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Trong mùa nắng nóng, trẻ em có thể mắc một vài bệnh thông thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, một số bệnh có thể gây những biến chứng nặng nề. BS. Trương Hữu Khanh, Bệnh viện nhi đồng 1 TP-Hồ Chí Minh, khuyến cáo một số việc cần tránh để giúp trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh.
Trời nắng nóng, một số phụ huynh muốn giảm nhiệt cho trẻ nên cho trẻ đi bơi, tắm nhiều và lâu, nằm quạt, máy lạnh liên tục nhất là khi thời tiết nóng nhất trong ngày (giữa trưa) hay trước khi đi ngủ sẽ dễ bị cảm gây ho, sổ mũi, sốt. Từ cảm có thể bị biến chứng viêm phế quản, viêm phổi.
Để phòng ngừa bệnh cảm, tốt nhất là tránh cho trẻ tiếp xúc quá nhiều với các yếu tố trên, không cho trẻ tắm đêm, không nên bơi quá lâu hay bơi vào lúc trời nắng gắt. Không nên cho trẻ đi ngoài trời, nhất là buổi trưa. Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. uống thêm nước trái cây như nước cam, chanh... Nếu cho trẻ nằm máy lạnh, nên để nhiệt độ từ 26 - 27 độ, đừng để nhiệt độ quá thấp, tránh chênh lệch nhiệt độ quá giữa nhiệt độ trong phòng lạnh và bên ngoài. Không nên cho trẻ nằm ngay luồng gió máy lạnh thổi ra. Trường hợp trẻ nằm quạt, không nên để quạt thổi liên tục thẳng vào người trẻ, nên cho quạt xoay và nên tắt khi nhiệt thay đổi.
Trời nắng nóng, dễ làm thức ăn mau ôi thiu hơn nên dễ gây ngộ độc thức ăn. Nếu ăn trúng thức ăn này bé sẽ tiêu phân lỏng hay nhầy trên ba lần trong ngày, có thể kèm nôn ói. Tiêu chảy, ói có thể làm mất nước và chất điện giải làm bệnh nặng hơn hay tử vong. Có thể điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn dễ tiêu. Đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ ói nhiều, không uống nước được, mắt thụt (mắt trũng), lừ đừ, co giật, trong phân có máu hay màu hồng lẫn trong phân. Tốt nhất, chỉ nên cho trẻ ăn những thức ăn do chính gia đình hay nhà trường nấu, không nên ăn uống hàng rong. Thức ăn nấu xong, nên dùng ngay, không để qua đêm.
H.D