TÁC DỤNG CỦA CÂY CHUỐI HỘT VÀ MÃ ĐỀ

Cập nhật lúc:   15:15:28 - 26/09/2017 Số lượt xem:   3014 Người đăng:   Admin
ảnh minh họa ảnh minh họa
1. Cây Chuối hột: Chuối hột, còn gọi là chuối chát, là cây mọc hoang và cũng trồng nhiều, tỉnh nào cũng có
1. Cây Chuối hột:
Chuối hột, còn gọi là chuối chát, là cây mọc hoang và cũng trồng nhiều, tỉnh nào cũng có. Quả chuối hột lành, khi chín ăn ngọt, nhưng có nhiều hột. Trong nhân dân, người ta thường dùng chuối hột chữa được nhiều bệnh có kết quả tốt, mọi người có thể áp dụng:

Chữa sỏi thận: Chọn chuối thật chín, lấy hột phơi khô, tán nhỏ nấu lấy nước uống; cho 7 thìa nhỏ (thìa cà phê) bột hột chuối vào 2 lít nước đun nhỏ lửa, khi còn 2/3 nước là được; uống hằng ngày như nước trà, uống liền 2-3 tháng, cho kết quả khá tốt. Hoặc quả chuối hột đem thái mỏng, sao vàng, hạ thổ 7 ngày; mỗi ngày lấy một vốc tay (chừng một quả) sắc với 3-4 bát nước uống vào lúc no.
Chữa bệnh tiểu đường: Đào lấy củ cây chuối hột, rửa sạch, giã nát ép lấy nước uống, dùng thường xuyên và lâu dài có tác dụng ổn định đường huyết. Vì củ chuối không nhiều và đào củ phức tạp, có thầy thuốc đã cải tiến làm cách sau cũng thu được hết quả tốt, chọn cây chuối hột có bắp đang nhú, cắt ngang cây (cách mặt đất 20-25cm) và khoét một lỗ rỗng to ở thân chuối, để một đêm, sáng hôm sau múc nước từ lỗ rỗng (do gốc thân cây chuối tiết ra) mà uống. Dùng thường xuyên sẽ ổn định được đường huyết.
Chữa cảm nóng sốt cao phát cuồng: Đào lấy củ chuối hột, rửa sạch, giã nát, vắt lấy một bát nước cho người bệnh uống sẽ giảm sốt và không nói mê.
Chữa hắc lào: Lấy một quả chuối hột còn xanh tươi nhiều nhựa, cắt đôi, cầm xát trực tiếp vào nơi hắc lào, bệnh đỡ nhanh, dùng liên tục 7-8 ngày là khỏi.
Trẻ em táo bón: Lấy 1-2 quả chuối chín đem vùi vào bếp lửa, khi vỏ quả ngả màu đen, ruột chín nhũn lấy ra để nguội, cho trẻ ăn, khoảng mươi phút sau là đi đại tiện được.
Ngoài ra, lá và vỏ quả chuối khô còn được sắc uống làm thuốc lợi tiểu và chữa được chứng phù thũng; nước sắc quả chuối hột chữa đái rắt. Rễ cây chuối hột sắc uống chữa cảm mạo.
2. Cây mã đề:
Các thử nghiệm cho thấy, mã đề (đặc biệt là phần lá) có tác dụng lợi tiểu, tăng thải trừ urê, axit uric và muối trong nước tiểu. Do đó, có thể dùng nó để hỗ trợ điều trị chứng tăng huyết áp bên cạnh các thuốc đặc hiệu. Hạt mã đề được sử dụng trong một số bài thuốc hiệu quả chữa sỏi đường tiết niệu.
Mã đề cũng có tác dụng long đờm và trị ho. Thuốc viên bào chế từ cao mã đề và terpin đã được áp dụng trên lâm sàng, điều trị hiệu quả các bệnh viêm cấp tính đường hô hấp trên, làm nhẹ quá trình cương tụ niêm mạc hô hấp, chữa ho và phục hồi tiếng nói ở bệnh nhân viêm thanh quản cấp. Cao nước mã đề đã được áp dụng cho hơn 200 bệnh nhân viêm amiđan cấp, kết quả 92% khỏi bệnh, 8% đỡ. Tác dụng hạ sốt, phục hồi số lượng bạch cầu và làm hết các triệu chứng tại chỗ của mã đề được đánh giá là tương đương các thuốc kháng khuẩn thường dùng.
Mã đề cũng được sử dụng trong các dược phẩm trị mụn nhọt và bỏng. Thuốc dạng dầu chế từ bột mã đề khi đắp lên mụn nhọt có thể làm mụn đỡ nung mủ và viêm tấy. Còn thuốc mỡ bào chế từ cao đặc mã đề đã được sử dụng để điều trị các ca bỏng 2-45% diện tích da, đạt kết quả tốt. Bệnh nhân cảm thấy mát, dễ chịu, không xót, không nhức buốt, dễ thay bông và bóc gạc. Vết bỏng đỡ nhiễm trùng, ít mủ, giảm mùi hôi thối, lên da non tốt, thịt phát triển đều, không sần sùi. Bệnh nhân giảm được lượng thuốc kháng sinh dùng toàn thân.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, chất polysacharid trong hạt mã đề có tác dụng nhuận tràng, trị táo bón mạn tính.
Trong y học cổ truyền, mã đề được dùng làm thuốc lợi tiểu, chữa một số bệnh về tiết niệu, cầm máu, phù thũng, ho lâu ngày, tiêu chảy, chảy máu cam... Liều dùng mỗi ngày là 10-20g toàn cây hoặc 6-12g hạt, sắc nước uống. Phụ nữ có thai cần thận trọng khi sử dụng loại thuốc này. Đối với người cao tuổi hay đi tiểu đêm, tránh dùng mã đề vào buổi chiều tối.
Sau đây là một số bài thuốc cụ thể:
- Lợi tiểu: Hạt mã đề 10g, cam thảo 2g, sắc lấy nước, chia 3 lần uống trong ngày.
- Chữa tiểu ra máu: Lá mã đề, ích mẫu, mỗi vị 12g; giã nát, vắt lấy nước cốt uống.
- Chữa viêm cầu thận cấp tính: Mã đề 16g, thạch cao 20g, ma hoàng, bạch truật, đại táo, mỗi vị 12g; mộc thông 8g, gừng, cam thảo, quế chi, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa viêm cầu thận mạn tính: Mã đề 20g, ý dĩ 16g, thương truật, phục linh, trạch tả, mỗi vị 12g; quế chi, hậu phác, mỗi vị 6g; xuyên tiêu 4g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa sỏi niệu: Hạt mã đề 12-40g, kim tiền thảo 40g, thạch vĩ 20-40g, hoạt thạch 20-40g, tam lăng, ý dĩ, ngưu tất, nga truật, mỗi vị 20g; chỉ xác, hậu phác, gai bồ kết, hạ khô thảo, bạch chỉ, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa viêm bàng quang cấp tính: Mã đề 16g, hoàng bá, hoàng liên, phục linh, rễ cỏ tranh, mỗi vị 12g; trư linh, mộc thông, hoạt thạch, bán hạ chế, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa ho, tiêu đờm: Mã đề 10g, cát cánh, cam thảo mỗi vị 2g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa lỵ: Mã đề, dây mơ lông, cỏ seo gà mỗi vị 20g. Sắc uống ngày một thang.
- Chữa tiêu chảy: Mã đề tươi 1-2 nắm, rau má tươi 1 nắm, cỏ nhọ nồi tươi 1 nắm. Sắc đặc, uống ngày một thang.
- Chữa tiêu chảy mạn tính: Hạt mã đề 8g, cát căn, rau má, đẳng sâm, cam thảo dây mỗi vị 12g, cúc hoa 8g. Sắc uống ngày một thang../
                                                                                                                                                    Lương y: Trần Ngọc Quý
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 41
accessibility Hôm qua: 74
account_circle Trong tháng: 258.903
account_box Trong năm: 1.236
supervisor_account Tổng truy cập: 3.185.608