Sử dụng chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ vi sinh: Lợi ích nhiều mặt

Cập nhật lúc:   15:33:15 - 02/03/2020 Số lượt xem:   2039 Người đăng:   Administrator
Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ tập huấn cho người dân xã Hòa Thắng cách ủ phân vi sinh bằng chế phẩm sinh học PYMIC. Ảnh: THÁI HÀ Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ tập huấn cho người dân xã Hòa Thắng cách ủ phân vi sinh bằng chế phẩm sinh học PYMIC. Ảnh: THÁI HÀ
Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN) vừa hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm PYMIC, và tập huấn cho người dân cách sử dụng chế phẩm này để ủ phế thải nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm; đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, phế thải nông nghiệp là nguồn hữu cơ rất lớn nhưng chưa được sử dụng hợp lý. Thông thường, lượng phế thải này bị đốt hoặc đổ bừa bãi sau thu hoạch, vừa lãng phí nguồn hữu cơ vừa gây ô nhiễm môi trường. Xử lý phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp thành phân ủ hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất là vấn đề được nhiều người dân quan tâm.
 
Giảm thiểu ô nhiễm môi trường
 
Phân hữu cơ vi sinh có rất nhiều ưu điểm: cải tạo đất tốt, có tác dụng lâu dài, giúp đất giữ ẩm tốt, giúp cây chống chịu bệnh tốt, giá thành thấp. Đặc biệt, việc dùng chế phẩm vi sinh để ủ phân phế thải nông nghiệp sẽ được tận dụng triệt để nên hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
Chỉ vào khu chăn nuôi bò, heo ngay sát nhà dưới, bà Nguyễn Thị Quỳnh Như ở thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), chia sẻ: “Vì đất chật nên gia đình tôi nuôi bò, heo tại nhà. Tuy nhiên, chất thải chăn nuôi gây mùi hôi là vấn đề chúng tôi chưa có cách xử lý. Để giảm mùi hôi, hai ngày một lần, tôi thu phân tươi rồi chuyển đến bón trực tiếp cho đám cỏ trước nhà. Cũng may, khu này đất trống, ít nhà cửa nên không ảnh hưởng đến nhiều người. Còn những nhà có đất ở xa, di chuyển phân khó khăn thì phải để đống gần nhà, gây mùi hôi thối, ruồi nhặng tập trung, rất mất vệ sinh”.
 
Ông Lê Xuân Út ở thôn Mỹ Hòa (xã Hòa Thắng), cho biết: Các gia đình ở nông thôn hầu hết đều trồng trọt, chăn nuôi nên phụ phẩm từ các hoạt động này khá lớn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, vì dân số tăng, diện tích sản xuất thu hẹp; thêm vào đó, nếu để khu chăn nuôi xa nhà ở thì việc quản lý sẽ khó khăn, dễ bị mất cắp nên người dân phải xây chuồng trại cạnh nhà, gây ô nhiễm môi trường sống. Người dân dù thấy khó chịu với không khí nặng mùi nhưng chưa có giải pháp nào cải thiện.
 
Theo bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ, hiện nay người chăn nuôi chưa biết cách xử lý nước thải và phân thải nên hầu hết đều thải trực tiếp ra ngoài, làm ô nhiễm không khí và nước. Trước thực tế đó, trung tâm đã nghiên cứu, chế tạo một loại chế phẩm sinh học có tên là PYMIC. Dùng chế phẩm này, người dân có thể ủ thành phân hữu cơ vi sinh hoặc pha chế thành dung dịch khử mùi. Phân hữu cơ có chứa chất mùn làm đất tơi xốp, tăng dung lượng hấp thu khoáng của đất, đồng thời không gây ảnh hưởng xấu đến người, động vật và môi trường sinh thái.
 
Nâng cao hiệu quả canh tác
 
Hiện một số người dân đã tiên phong tự ủ phân vi sinh từ phế phẩm nông nghiệp để chủ động tạo nguồn phân bón, từ đó tiết kiệm chi phí mua phân bón, làm tăng độ phì cho đất, tăng năng suất cây trồng.
 
Theo ông Đào Viết Hận, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Hòa, trước đây phân hóa học được sử dụng nhiều trong trồng trọt vì khi bón, cây sử dụng được ngay chất dinh dưỡng trong phân nên có tác dụng nhanh. Đã có một thời gian, người dân Phú Yên không sử dụng phân bò mà đóng thành bao bán cho vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên hay vùng trồng thanh long ở Bình Thuận. Tuy nhiên, qua thời gian dài sử dụng phân hóa học, người dân nhận thấy đất bị bạc màu trong khi chi phí cho phân hóa học tốn kém làm tăng chi phí canh tác.
 
Nhận thấy những mặt trái của việc dùng phân hóa học lâu dài, ông Đặng Hữu Cúc ở xã Hòa Thắng, đã tìm hiểu thông tin, tự ủ phân vi sinh để bón cho cây trồng và xử lý mùi hôi. Ông Cúc cho biết, ban đầu ông ủ thử nghiệm một lượng nhỏ, rồi dùng phân này trộn vào đất trồng gừng, khoai mài, khoai tím và các loại rau la ghim. Kết quả cho thấy, trong quá trình trồng, các loại cây phát triển tốt, không bị sâu bệnh; năng suất, chất lượng tăng lên rõ rệt. Hiện tại, ông Cúc vẫn duy trì việc ủ phân vi sinh để sử dụng. Thấy ông Cúc làm có hiệu quả, nhiều người dân sống gần đó đến nhà ông học hỏi.
 
Bà Đặng Thị Thủy cho biết, thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ đã phối hợp với một số đơn vị liên quan nghiên cứu, tạo ra chế phẩm vi sinh PYMIC. Qua sử dụng thử nghiệm tại trung tâm, PYMIC cho thấy hiệu quả rõ rệt. Để phổ biến cho người dân cách ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm PYMIC, trung tâm đã tổ chức 7 lớp tập huấn, mỗi lớp khoảng 30 người. Dự kiến, sắp tới trung tâm sẽ tổ chức tập huấn cho khoảng 300 hộ ở Tuy An, Sông Hinh, Phú Hòa giúp người dân thay đổi thói quen canh tác, tăng hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 383
accessibility Hôm qua: 107
account_circle Trong tháng: 277.051
account_box Trong năm: 43.320
supervisor_account Tổng truy cập: 3.183.640