Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp, sáng 29/10, đại biểu Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tóm tắt về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.
Xử lý nghiêm hành vi gian lận, lừa đảo trong phát hành, chào bán chứng khoán
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, đối với Luật Chứng khoán, nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định như quy định về: Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; Chào bán chứng khoán ra công chúng; Chào bán chứng khoán riêng lẻ; Công ty đại chúng. Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung một số quy định về: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; Hủy bỏ đợt chào bán để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Đối với Luật Kế toán, nội dung sửa đổi, bổ sung hướng tới 2 nhóm mục tiêu chính: Một là áp dụng chuẩn mực quốc tế về kế toán; tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kế toán; đơn giản hóa nội dung công tác kế toán, chứng từ kế toán nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số; nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính của đơn vị kế toán. Hai là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người làm kế toán.
Đối với Luật Kiểm toán độc lập, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung hướng tới 3 nhóm mục tiêu chính: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước đối với Kiểm toán độc lập, góp phần ổn định và phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng Kiểm toán độc lập, tăng cường độ tin cậy các thông tin phục vụ quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế; mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và ra quyết định.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách cấp trên trực tiếp trên địa bàn, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ.
Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công; sửa một số quy định trong Luật Quản lý thuế để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế, tăng cường trách nhiệm công vụ. Đồng thời, đề xuất sửa đổi, bổ sung 2 nội dung tại Luật Dự trữ quốc gia, gồm bổ sung cơ chế cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước; sửa đổi, bổ sung các quy định về phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia.
Tránh phát sinh chi phí cho doanh nghiệp
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các cơ quan của Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế.
Theo ông Lê Quang Mạnh, đối với dự án Luật Chứng khoán, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Chính phủ quy định theo hướng nhà đầu tư được tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát điều kiện đối với doanh nghiệp phát hành phù hợp với tình hình thị trường, bảo đảm phát triển bền vững thị trường, bảo vệ nhà đầu tư cá nhân khi tham gia vào thị trường.
Cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí bổ sung thao túng thị trường chứng khoán là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Điều 12 của luật hiện hành. Quy định này thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 211 của Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị cần rà soát, bổ sung quy định các hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán khi được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền, tránh trường hợp quy định tại luật các dấu hiệu về hành vi bị nghiêm cấm có tính chất tương đồng với các hoạt động nghiệp vụ thông thường của các công ty chứng khoán, các thành viên thị trường, nhà đầu tư khi tham gia thị trường.
Về Luật Kiểm toán độc lập, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc mở rộng đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc theo hướng bổ sung khoản 5 Điều 37 là các doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn là cần thiết, tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng nghị định của Chính phủ cần xác định rõ phạm vi các đối tượng kiểm toán bắt buộc, tránh tình trạng có quá nhiều đối tượng phải kiểm toán, bảo đảm việc điều chỉnh đối tượng kiểm toán bắt buộc cần tương xứng với nguồn lực kiểm toán độc lập, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi và tránh phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Theo TTXVN/Vietnam+