Cơ sở hạ tầng, nhân tố cần quan tâm đặc biệt để phát triển du lịch Phú Yên

Cập nhật lúc:   15:14:03 - 26/09/2017 Số lượt xem:   5445 Người đăng:   Administrator
Du khách khắp cả nước đổ về gành Đá Đĩa (Phú Yên) những ngày Tết Bính Thân 2016. Ảnh: CTV Du khách khắp cả nước đổ về gành Đá Đĩa (Phú Yên) những ngày Tết Bính Thân 2016. Ảnh: CTV
Phú Yên là một vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá, có vị thế quan trọng trong suốt diễn trình
Phú Yên là một vùng đất có bề dày lịch sử và văn hoá, có vị thế quan trọng trong suốt diễn trình tiến hóa của dân tộc. Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc tạo lập cuộc sống nên từ thời tiền sử mảnh đất này đã được con người chọn làm nơi cư trú. Trải qua thời gian miền đất này trở thành điểm hội tụ của nhiều tộc người cùng chung sống. Chính đặc điểm đan cài với sự hỗn dung văn hoá theo chiều lịch đại nên Phú Yên còn lưu giữ được nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá; mặt khác do cấu tạo địa chất Phú Yên có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đây là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên cần phải đầu tư kịp thời, đúng mức đến cơ sở hạ tầng du lịch. Đây được xem là tiền đề, là đòn bẩy để du lịch Phú Yên phát triển và hội nhập. 

I. Thực trạng cơ sở hạ tầng và CSVC – kỹ thuật của du lịch Phú Yên

Hiểu một cách khái quát nhất cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất –kỹ thuật của du lịch gồm: Mạng lưới và phương tiện giao thông vận tải; Mạng lưới thông tin liên lạc; các công trình cung cấp điện, nước; các phương tiện vật chất tham gia vào việc tạo ra và thực hiện dịch vụ, hàng hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. Từ những nội dung vừa nêu có thể đánh giá một cách chung nhất về thực trạng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật và một số kết quả đạt được của du lịch Phú Yên như sau:

1 - Kết quả đạt được

Thực hiện Nghị quyết số 36/ NQ -HĐND, ngày 16/11/2011 của Hội đồng Nhân dân Tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND Tỉnh phê duyệt, khi xây dựng đã dựa trên chiến lược và quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do các chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam làm tư vấn, nên hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy du lịch Phú Yên phát triển. Kết quả đạt được của du lịch Phú Yên thời gian qua tập trung vào một số mặt nổi bật như sau:

Thứ nhất, các cấp, các ngành đã quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa của các chính sách, quy định liên quan đến phát triển du lịch, giúp các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng môi trường du lịch thân thiện, hiếu khách, có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, danh thắng góp phần phát triển du lịch.

Thứ hai, các cấp chính quyền, các sở, ban ngành liên quan đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy hoạch của địa phương, của ngành gắn với chủ trương, chính sách của trung ương và tỉnh về quy hoạch phát triển du lịch. Tập trung triển khai thi công mới, sửa chữa một số kết cấu hạ tầng quan trọng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch.

Thứ ba, mạng lưới và các phương tiện giao thông vận tải của tỉnh phát triển rất mạnh. Về đường bộ đã nhựa hóa và bê tông hóa các tuyển đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và liên xã; các phương tiện giao thông cơ giới đã đến được 100% các trung tâm hành chính trong toàn tỉnh. Về đường thủy cảng biển Vũng Rô đã được đầu tư nâng cấp để đón các tàu trọng tải lớn; đường hàng không sân bay Tuy Hòa đã được đầu tư xây mới, tần suất bay các tuyến Tuy Hòa – Hà Nội –Tuy Hòa; Tuy Hòa- Thành phố Hồ Chí Minh – Tuy Hòa đã được nâng lên, đáp ứng được nhu cầu rút ngắn thời gian của du khách; Đường sắt ga Tuy Hòa trở thành ga chính đón tất cả các chuyến tàu Bắc – Nam và ngược lại cũng là điều kiện rất thuận lợi việc đi lại của du khách. Các tuyến giao thông chính nối Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên được đầu tư, nâng cấp tạo sự thông thương liên vùng rất thuận lợi cho phát triển kinh tế -xã hội và du lịch.

Thứ tư, Mạng lưới thông tin liên lạc phát triển mạnh; sóng phát thanh, truyền hình phủ kín toàn địa bàn tỉnh. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính; trong giao dịch, việc sử dụng Internet đã khá phổ biến trong nhân dân cũng là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch. Các công trình cung cấp điện thắp sáng, điện thoại, nước được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của các tầng lớp nhân dân.

Thứ năm, đầu tư tôn tạo, nâng cấp một số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh; tổ chức mở rộng, liên kết, phối hợp với các tỉnh trong khu vực để phát triển du lịch; hoàn thiện nhiều công trình có ý nghĩa chào mừng sự kiện 400 năm tỉnh Phú Yên hình thành và phát triển, góp phần làm phong phú, đa dạng các địa chỉ văn hóa hấp dẫn khách du lịch.

Thứ sáu, khai thác tiềm năng, thế mạnh các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, từng bước hình thành cơ bản về tuyến, điểm du lịch các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Với gần 600 di tích các loại trong đó có 19 di tích cấp quốc gia và 31 di tích cấp tỉnh được xếp hạng là những địa chỉ du lịch hấp dẫn để các địa phương khai thác. Cụ thể tại thành phố Tuy Hòa đã hình thành các tuyến du lịch như: Núi Nhạn, Sông Đà; Bảo tàng Phú Yên, địa điểm địch quản thúc và ta giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Mộ bà Dũ Ký, Đình Ngọc Lãng, chùa Khánh Sơn, bãi biển Long Thủy. Thị xã Sông Cầu hình thành những tuyến tham quan du lịch trong khu vực vịnh Xuân Đài, kè Tam Giang, kết nối với một số điểm du lịch của tỉnh Bình Định. Huyện Tuy An, nhiều cơ sở vật chất, hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội gắn với phát triển du lịch được đầu tư xây dựng kết nối các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng để hình thành các tuyến, điểm du lịch như: Tuyến đường đi các xã từ thành An Thổ đến chùa Từ Quang, xã An Dân, An Lĩnh, An Xuân; tuyến đường quanh đầm Ô Loan; tuyến quốc lộ 1 đi gành Đá Đĩa. Huyện Đông Hòa đã hình thành tuyến du lịch của tỉnh sau khi đường Hùng Vương đã được thông tuyến đường, Bãi Môn – Mũi Điện: Tuy Hòa – Bãi Môn, Mũi Điện - khu di tích tàu Không số Vũng Rô – Tháp Nhạn. Các huyện: Tây Hòa, Sông Hinh, Phú Hòa, Sơn Hòa, Đồng Xuân cũng đã từng bước hình thành cơ bản về tuyến, điểm du lịch các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống trong phạm vi địa bàn quản lý, thu hút khá đông khách tham quan du lịch, chủ yếu là khách trong tỉnh và một số tỉnh lân cận. Hiện tại tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư hạ tầng du lịch tuyến đường nối từ quốc lộ 1 đến Vũng La (vịnh Xuân Đài); tuyến đường vào bãi Bàng (bãi biển phía Nam gành Đá Đĩa); tuyến đường nối điểm đầu (giao nhau đường Lê Duẩn-Khu du lịch Bắc Âu) đến gành Đá Đĩa; nâng cấp đường lên di tích núi Đá Bia; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu di tích chùa Đá Trắng và di tích tàu Không Số Vũng Rô. Ngoài ra nhiều di tích lịch sử-văn hóa đã được trùng tu, tôn tạo đang phát huy giá trị, trở thành điểm tham quan du lịch.

Thứ bảy, huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển du lịch. Thời gian qua xã hội hoá hoạt động du lịch ở tỉnh ta bước đầu đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Một số doanh nghiệp, doanh nhân và người dân đầu tư vào xây dựng các cơ sở lưu trú và dịch vụ ăn uống (khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng) tập trung ở thành phố Tuy Hoà và trung tâm các huyện lỵ, thị xã. Đến tháng 12/2015, toàn tỉnh có 125 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, trong đó có 02 khách sạn 5 sao, 02 khách sạn 4 sao, 01 khách sạn 3 sao, 04 khách sạn 2 sao, 42 khách sạn 1 sao, 01 biệt thự đạt chuẩn và 58 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kinh doanh du lịch; ngoài ra còn một số cơ sở lưu trú đang làm thủ tục đăng ký thẩm định công nhận loại hạng theo quy định. Tổng số buồng du lịch hiện có là: 2.551 buồng, trong đó có 500 buồng đạt tiêu chuẩn 3-5 sao. Công ty Thuận Thảo, Công ty du lịch Sao Việt được xem là những cánh chim đầu đàn trong việc thực hiện xã hội hoá hoạt động du lịch ở Phú Yên. Riêng các địa bàn nông thôn, miền núi các huyện: Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp gắn với các di tích lịch sử, văn hoá, các căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, nơi trở về nguồn thì việc người dân biết làm du lịch còn nhiều hạn chế, khó khăn...Bước đầu phục hồi một số làng nghề, một số lễ hội phục vụ khách tham quan khi có yêu cầu của chính quyền hoặc ngành văn hóa..
 
2 - Một số hạn chế, tồn tại
 
Bên cạnh những kết quả đạt được thì cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật của du lịch trên địa bàn tỉnh còn hạn chế:
 
- Tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật cho du lịch còn chậm, thiếu tính bền vững, thể hiện mức tăng trưởng doanh thu từ du lịch, dịch vụ bình quân hằng năm tuy có tăng nhưng chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; lượng khách du lịch đến Phú Yên năm sau có cao hơn năm trước nhưng nhìn chung còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.
 
- Đường giao thông đi lại bằng xe ô tô trong không ít khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng của tỉnh còn khó khăn
 
- Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật ở hầu hết các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh còn thiếu đồng bộ. Các dịch vụ là ngành “sản xuất” sản phẩm du lịch và các loại dịch vụ hàng hóa: ăn, uống, vui chơi giải trí, mua sắm nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch còn thiếu thốn rất nhiều.
 
- Việc kêu gọi thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch, công tác quản lý bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng tại các địa phương trong tỉnh còn nhiều bất cập. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng có tiềm năng lớn về du lịch chưa được khai thác.
 
- Phú Yên có số lượng di tích lớn, có giá trị lịch sử, văn hóa nhưng việc lập hồ sơ khoa học đề nghị cấp thẩm quyền công nhận xếp hạng tiến hành còn chậm. Việc chậm trễ này có ảnh hưởng đến sự xuống cấp của các di tích vì thiếu cơ sở pháp lý để khoanh vùng bảo vệ di tích theo Luật di sản quy định. Và như vậy cũng không có cơ sở pháp lý để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật phát triển du lịch.
 
- Sự phân cấp trong công tác quản lý nhà nước các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng đã có quy định (trung ương, tỉnh, huyện) nhưng chưa có sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên giữa trung ương, tỉnh, huyện và cơ sở nên tình trạng lấn chiếm đất đai, xâm hại di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, chưa có biện pháp xử lý để chấm dứt tình trạng này.
 
II. Đề xuất giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kỹ thuật để phát triển du lịch
 
Trải qua thời gian năm tháng, với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, dù đã bị mất mát, nhưng đến nay Phú Yên vẫn còn gìn giữ được một kho tàng di sản văn hoá vật thể, phi vật thể và các danh lam thắng cảnh phong phú, đặc sắc. Những tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên xã hội nhân văn, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong tiêu dùng của khách du lịch. Việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch này đòi hỏi phải quan tâm kịp thời, đúng mức đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kỹ thuật để phát triển du lịch ở Phú Yên. Xuất phát từ mục tiêu trên, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số nội dung chính như sau:
 
1. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/NQ-HĐND, ngày 16/12/2011 của HĐND Tỉnh về phát triển du lịch Phú Yên, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND Tỉnh phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đề các cấp, các ngành chức năng và chính quyền địa phương có kế hoạch đầu tư kịp thời, đúng mức đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kỹ thuật, góp phần bảo tồn, tôn tạo, khai thác thế mạnh, tiềm năng của di tích, danh thắng cho phát triển du lịch. Định kỳ hàng năm và 5 năm phải sơ kết, tổng kết đánh giá, kiến nghị cấp thầm quyền kịp thời giải quyết, điều chỉnh những tồn tại, hạn chế, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị quyết 36 và Quy hoạch của UBND Tỉnh về phát triển du lịch tại địa phương, đơn vị.
 
2. Tăng cường công tác điều tra, khảo sát, lập hồ sơ khoa học các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đề nghị cấp thẩm quyền công nhận xếp hạng di tích. Khi các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng được xếp hạng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất – kỹ thuật, trong đó chú trọng: Hạ tầng giao thông, Hạ tầng kỹ thuật điện, nước, hạ tầng kỹ thuật viễn thông..., để quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường, quỹ đất, thu hút đầu tư đảm bảo phát triển du lịch bền vững trong quy hoạch phát triển KT-XH của vùng và từng địa phương.
 
3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử, văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng Phú Yên trên các phương tiện truyền thông lớn, các hội chợ, triển lãm du lịch lớn trong tỉnh, khu vực và toàn quốc. Các hoạt động quảng bá này phải đạt tính chuyên nghiệp.
 
4. Tập trung triển khai thi công mới, sửa chữa một số kết cấu hạ tầng quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch. Đầu tư tôn tạo, nâng cấp một số di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Triển khai thực hiện các văn bản quản lý nhà nước về công tác du lịch trên địa bàn tỉnh, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 12 CT/UB ngày 17/9/2015 của UBND Tỉnh về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh thân thiện; Quy chế phối hợp quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Yên; khắc phục những vấn nạn thường xảy ra tại các di tích, danh thắng như: Giao thông lộn xộn, không an toàn; vệ sinh an toàn thực phẩm; rác rưởi, bụi bặm, nhà vệ sinh bẩn, văn hóa bán hàng không hấp dẫn…
 
5. Từ thực tế quản lý và khai thác tiềm năng, thế mạnh các di tích lịch sử, văn hóa, các công trình kiến trúc tôn giáo, tâm linh, các danh thắng trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh thời gian qua; các cấp chính quyền địa phương và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục đề xuất cơ chế chính sách, kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất – kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, giải pháp bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan, môi trường, đặc biệt là thu hút những nhà đầu tư lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật tại các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng phát triển du lịch.

6. Tăng cường mở rộng hợp tác, thu hút vốn đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước. Chú trọng các tổ chức chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ tài trợ cho phát triển du lịch về quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực, cải cách hành chính, xây dựng văn bản qui phạm pháp luật du lịch. Chú trọng thu hút nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư, khai thác các tiềm năng lợi thế từ các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng phát triển các dịch vụ du lịch; tạo sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa địa phương và quảng bá du lịch. Khuyến khích phát triển mạnh các tour du lịch chuyên đề: Tham quan, nghỉ dưỡng biển; du lịch văn hóa, lễ hội tâm linh, ẩm thực, mua sắm; du lịch khám phá, mạo hiểm...Thực tiễn cho ta nhiều bài học kinh nghiệm quý, khi người dân thực sự hiểu biết được giá trị những nguồn tài nguyên mà họ đang nắm giữ và lợi ích do hoạt động du lịch mang lại thì người dân sẽ tự giác tham gia vào các hoạt động du lịch. Người dân ở Phố Cổ Hội An, đồng bào ở Buôn Đôn, các làng, bản ở SaPa, ở Cao nguyên Đá Đồng Văn, những người dân ở miệt vườn Nam Bộ...Là những địa chỉ rất tiêu biểu về hoạt động xã hội hoá du lịch. Xã hội hoá hoạt động du lịch ở Phú Yên là xu thế tất yếu, nhưng để hoạt động này có hiệu quả và được tiến hành nhanh chóng phải khơi dậy sức dân. Để nguồn lực trong xã hội trở thành hiện thực phải phổ biến rộng rãi việc quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; phải làm rõ giá trị nhiều mặt của các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng để nhân dân biết, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội về lợi ích phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tiếp đến là sự hướng dẫn và quản lý hoạt động du lịch của ngành chức năng phải xuất phát từ điều kiện cụ thể, hoàn cảnh cụ thể mà chế định các qui tắc rõ ràng, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh và điều kiện thực tế từng vùng, miền. Khuyến khích người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gìn giữ những lễ hội truyền thống, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng mang bản sắc văn hoá tộc người, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhiều đối tượng khách du lịch. Cần phải có chính sách ưu đãi, tôn vinh kịp thời, đúng mức những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động du lịch Phú Yên phát triển.
Th.S NGUYỄN HOÀI SƠN
 


 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 54
accessibility Hôm qua: 100
account_circle Trong tháng: 268.796
account_box Trong năm: 20.556
supervisor_account Tổng truy cập: 3.160.876