SINH VẬT CẢNH VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ -XÃ HỘI TỈNH PHÚ YÊN

Cập nhật lúc:   12:10:13 - 27/09/2017 Số lượt xem:   1151 Người đăng:   Administrator
Một góc vườn cây cảnh của ông Đặng Thái Hiền, hội viên Hội SVC Phú Yên - Ảnh: Đức Thế Một góc vườn cây cảnh của ông Đặng Thái Hiền, hội viên Hội SVC Phú Yên - Ảnh: Đức Thế
Hiện nay Sinh vật cảnh (SVC) là một ngành kinh tế sinh thái; đa dạng về chủng loại
Hiện nay Sinh vật cảnh (SVC) là một ngành kinh tế sinh thái; đa dạng về chủng loại, có giá trị về khoa học kỹ thuật, mỹ thuật và hàng năm đã đóng góp thị phần trong nước cũng như xuất khẩu. Sự ra đời và hoạt động có hiệu quả của Hội SVC Phú Yên đã góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng trong nông nghiệp.
 

Hội Sinh vật cảnh tỉnh Phú Yên được thành lập vào ngày 27/12/2004, đến nay đã phát triển được 6 hội cấp huyện, thành phố với 5.562 hội viên, trong đó có 3.656 người được cấp thẻ hội viên. Qua gần 9 năm hoạt động tuy còn khó khăn về nhiều mặt nhưng với sự nhiệt tình, đoàn kết của hội viên và tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo Hội nên đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên.

Một sản phẩm SVC có hàm lượng nghệ thuật cao, phải ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, cho nên giá trị của một tác phẩm SVC không thể tính toán theo cân đo. Để nâng cao lượng và chất sản phẩm cần đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng dạy nghề bổ túc kiến thức mới. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học (nhân giống hay lai tạo giống mới...) để tránh tụt hậu so với những đô thị lớn trong nước, từng bước theo kịp nước ngoài. Hội đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề hỗ trợ nông dân tỉnh và Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Nam Bộ để biên soạn giáo trình giảng dạy nhằm nâng cao hơn nội dung, đáp ứng nhu cầu mới của thị hiếu hiện nay. Đã đào tạo, bồi dưỡng được trên 1.500 hội viên và những đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ SVC, do đó nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sinh học được áp dụng, nhiều giống cây con mới được du nhập và phát triển.
Hội SVC Phú Yên: Tham gia 3 kỳ Festival hoa Đà Lạt vào những năm 2005, 2007, 2009; Festival Sinh vật cảnh TP Hồ Chí Minh năm 2007; Festival Tây Sơn – Bình Định năm 2008 và tham gia Lễ hội 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với chủ đề “Hội tụ và phát triển”.
Hội SVC Phú Yên đã vinh dự nhận được 25 giấy khen, 15 bằng khen, 28 huy chương vàng, 35 huy chương bạc, 46 kỷ niệm chương trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, SVC các huyện, thành phố còn tham gia thường xuyên vào Hội Hoa xuân để triển lãm phục vụ nhân dân.

Thế mạnh của SVC tỉnh Phú Yên hiện nay là cây Sam, cây Mai Chà, đặc biệt là cây Linh Sam (Ba Chia) xuất xứ từ huyện Sông Hinh được cả nước và Châu Á biết đến và ưa chuộng. Ngoài cây cảnh còn có gỗ hoá thạch, đá cảnh tự nhiên từ nguồn của dòng sông Ba Hạ được giới nghệ nhân SVC đánh giá rất cao.
Qua những kỳ tham gia lễ hội Festival, Hội Sinh vật cảnh Phú Yên đã tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp về SVC của tỉnh nhà, giới thiệu được những tác phẩm độc đáo của nhiều nghệ nhân, tạo điều kiện thuận lợi trong việc học tập kinh nghiệm và giao thương.

Đặc biệt, SVC tỉnh Phú Yên còn thu hút một lực lượng lao động lớn trực tiếp sản xuất và gián tiếp làm dịch vụ khoa học kỹ thuật góp phần giảm nghèo, tạo thêm việc làm cho nhiều tầng lớp lao động.

Đến nay trên toàn tỉnh có 1.200 hộ gia đình và 5.000 lao động tham gia ở Hội và các chi hội SVC. Việc sản xuất, kinh doanh từ cá nhân nhỏ lẻ đã đến tất cả các vùng miền đồng thời cũng hình thành nhiều làng chuyên canh, doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh SVC như: trồng mai ở Bình Kiến, bonsai ở Phước Hậu, hoa ở Ngọc Lãng, Phú Lâm, doanh nghiệp Sơn Phước..., giá trị mua bán hàng năm hàng chục tỷ đồng và đang có tốc độ phát triển mạnh hàng năm. Nhiều nhà vườn ở Phú Yên, nhất là thành phố Tuy Hoà, là vùng chuyên sản xuất hàng hoá cây cảnh cung cấp cho thị trường các tỉnh phía Bắc, phía Nam và Tây Nguyên, thu nhập từ SVC khoảng 100 - 300 triệu đồng hàng năm/ hộ. Sinh vật cảnh phát triển đã giúp nhiều vùng đất khô cằn như phường 9, Bình Kiến giờ trở thành những làng hoa, cây cảnh trù phú, người trồng hoa giàu lên nhanh chóng; các làng nghề mỹ nghệ, nuôi chim, đá cảnh giữ vững và phát triển.

Hội viên Hội SVC Phú Yên, giao lưu trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh - Ảnh: Đức Thế
 
Các hoạt động của Hội đều gắn liền với những dự án phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, các chương trình phát triển môi trường, du lịch sinh thái, cải tạo vườn tạp sang trồng cây có hoa quả, cây cảnh tạo; chương trình đền ơn đáp nghĩa đưa SVC vào khuôn viên nơi tưởng niệm, đài liệt sĩ, trường học, nhà chùa, nhà thờ ... tạo cảnh quan môi trường sinh thái, thẩm mỹ trong gia đình, cơ quan, nơi cộng đồng dân cư sinh sống.
Mới đây Hội SVC tỉnh Phú Yên vinh dự được Hội Sinh vật cảnh Việt Nam trao tặng 20 kỷ niệm chương “vì sự nghiệp phát triển sinh vật cảnh Việt Nam” cho các cán bộ, hội viên và cá nhân đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển sinh vật cảnh.

Theo ông Nguyễn Trọng Đoan – Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Phú Yên: Mục tiêu từ nay đến năm 2020 của Hội là xây dựng, quy hoạch phát triển SVC thành ngành kinh tế sinh thái nâng diện tích sản xuất sinh vật cảnh từ 50ha lên 100ha, giá trị từ 100 – 200 tỷ đồng, tạo việc làm từ 5.000 – 10.000 lao động. Thực hiện quy hoạch theo loại hình, theo vùng sản xuất tập trung làng nghề, xây dựng 50 làng nghề SVC, đó cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo của Hội SVC tỉnh./. 
 
KIM THOA
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 2
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 275.447
account_box Trong năm: 24.070
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.390