Tranh Thủy mặc Đậm chất triết học Đông phương

Cập nhật lúc:   15:16:03 - 26/09/2017 Số lượt xem:   10203 Người đăng:   Administrator
Tháp Bút bên hồ Gươm (Tranh thủy mặc: Trương Hán Minh). Ảnh: Tư liệu Tháp Bút bên hồ Gươm (Tranh thủy mặc: Trương Hán Minh). Ảnh: Tư liệu
Thủy mặc là loại hình hội họa nảy sinh và phát triển ở Trung Hoa cùng với nghệ thuật thư pháp
Thủy mặc là loại hình hội họa nảy sinh và phát triển ở Trung Hoa cùng với nghệ thuật thư pháp. Một số họa sĩ tranh thủy mặc nổi tiếng của Trung Hoa: Vương Duy, Tô Đông Pha, Lý Đường, Hạ Vĩnh, Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng...

Tranh Thủy mặc sử dụng chất liệu khá đơn giản đúng như tên gọi của nó. Thủy: Là nước; Mặc: Là mực. Có thể kết hợp ít nhiều màu nước (aquarelle/water color). Nhưng khi dịch qua tiếng Anh sẽ là: ink and wash painting. Các chủ đề chính của thể loại tranh này chủ yếu là thiên nhiên thường là: Phong cảnh, cây cối, hoa, chim thú.... và đi theo với tranh là thơ chữ Hán. Đây là một phong cách cổ điển của hội họa phương Đông mà ta dễ dàng nhận thấy được. 

Trường phái tranh của triết học

Trường phái tranh này mang đậm chất triết học Đông phương bao gồm triết học Phật giáo, một tư tưởng lấy căn bản trên sự khai ngộ về Đạo. Hiểu được tất cả ý nghĩa của Đạo tức là hiểu được những gì có tính chất tinh hoa nhất của truyền thống tư tưởng Đông phương, lấy liên kết ba yếu tố Thiên-Địa-Nhân thành một thực thể, đó cũng là một “trường thống nhất” (champs de l’Unité , thuật ngữ của Einstein). Và đi vào thế giới vật chất hữu hình, nó tự biểu hiện thành hai yếu tố đối lập, nhưng lại bổ sung cho nhau đó là âm và dương. Chủ trương dùng phương pháp tư duy trực giác, sự tĩnh lặng của tâm thức để lấy bản ngã hòa đồng, giống quan niệm vô vi của Lão Tử có một ảnh hưởng hết sức sâu sắc và tạo nên một trong những đặc trưng quan trọng nhất của nghệ thuật hội họa cổ điển Trung Hoa. Cho nên trong nghệ thuật hội họa này triết học và họa gắn bó chặt chẽ với nhau. Là linh hồn của bức tranh và ngược lại đường nét, hình thể, màu sắc, bố cục của tranh là những phương tiện dùng để thể hiện tâm. Với những quan niệm này, chỉ có những họa sĩ nào biết quan sát sự vật bằng sự minh triết của đôi mắt (sagesse de L’oeil) thì mới có khả năng thể hiện ra đường nét, màu sắc bố cục một cách cảm giác tuôn trào mãnh liệt. Ở đây, hoàn toàn không có ranh giới giữa người vẽ và bức tranh, mọi tiểu xảo về kỹ thuật cũng nằm trong tiềm thức của họa sĩ. Cho nên chỉ có hội họa mới có khả năng dùng cái hữu hạn nhỏ bé của mình để vươn tới cái vô hạn của vũ trụ, chỉ bằng một vài đường nét thô sơ, người họa sĩ có thể ôm trọn cả bầu trời bao la, và chỉ với một cây bút vẽ mong manh, mà cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông có thể được tái hiện một cách sinh động, đạt đến giai đoạn quên đi bản ngã để hòa vào sáng tác, giống sự tu tập trong Thiền định, họa sĩ được đồng nhất chủ thể với đối tượng, tâm thức và thể xác kết lại thành một khối... Người nghệ sĩ sống trọn vẹn với kinh nghiệm đó, và sáng tạo được với những sảng khoái của kinh nghiệm xuất thần khi họ “sáng tác nghệ thuật”. Ở đây, chúng ta nhận thấy khía cạnh tâm lý và vật lý mà thôi, đã có sự khác biệt lớn.

Khi Phật giáo Thiền tông được truyền qua Trung Hoa từ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma), ảnh hưởng của Thiền (zen) đối với hội họa càng thêm sâu sắc, giữa Thiền tông và Lão giáo có nhiều điểm tương đồng và cả hai đều trở thành nền tảng triết lý của hội họa cổ điển Trung Hoa, tạo thành một trường phái tranh Đạo đặc biệt của phương Đông. Cũng giống như tranh Thánh ở hội họa phương Tây.

Bút pháp

Văn phòng tứ bảo: Bút, mực, giấy và nghiên, là bốn thứ cần thiết cho nghệ thuật này. Kỹ thuật cầm bút, đòi hỏi họa sĩ phải có đôi bàn tay điêu luyện, uyển chuyển nhất là xử lý màu sắc đậm nhạt theo cảm xúc cũng như ý tưởng sáng tác, đường nét bay bướm để tạo cho bức tranh sống động phóng khoáng. Nếu cảm nhận hình ảnh không gian, với bút pháp điêu luyện sẽ cho một hiệu quả ấn tượng hết sức sinh động. Ví như tác giả không hề vẽ nước, nhưng người thưởng ngoạn vẫn thấy nước đang chảy, thấy mây bay, thác gầm và hoa đang nở...

Phải biết “Đắc ý nhi vong ngôn” của Trang Tử, mới có thể thưởng thức được những tác phẩm thuần túy của Đông phương. Bởi vì nghệ thuật Đông phương nhất là Phật giáo chịu ảnh hưởng rất nặng tư tưởng hư vô, cho nên có khuynh hướng biểu diễn cái vô cùng của vũ trụ và ngay trong cái nhỏ bé của cái hữu hạn trong thế giới nhị nguyên. Nó khác với luật viễn cận của hội họa phương Tây cần phân biệt rõ cái gần với xa. Trái lại đối với các họa sĩ dòng tranh thủy mặc họ muốn thủ tiêu qui luật ấy, nghĩa là thủ tiêu quan niệm về không gian và thời gian tương đối chủ quan mà người ta tưởng là có thật. Điều quan trọng với họa sĩ là cốt tìm nắm lấy cái căn bản của vũ trụ, tức là cái hư vô ẩn trong từng sự vật hữu hạn, hư không trong hội họa Đông phương cũng được tượng trưng bằng những nét bút mạnh mẽ và thẳng, và cũng có thể phớt nhẹ trên mặt giấy mà ta cảm thấy như nó đang bay đi vun vút và mất dạng trên không trung, một cảm giác bàng bạc mênh mông như không đọng lại trên mặt giấy, những nét bút vừa mạnh mẽ vừa nhẹ nhàng, màu sắc khi đậm khi nhạt, đạt đến sự điêu luyện còn gọi là “thần bút”, muốn nhận thấy cái “thần” trong chữ viết hoặc trong bức họa, người ta nhìn ở nét bút của họa sĩ, nét nào đã phóng ra, không bao giờ đồ lại, nét đồ lại là nét chết.

Bố cục

Bố cục loại tranh này hết sức chặt chẽ, công phu và điêu luyện. Mức độ chặt chẽ tạo hồn cho tranh còn gọi là “tụ thư” (nhiều, ít) giữa chủ cảnh và phối cảnh phải phân bố thật khéo léo, thẩm mỹ, bố trí phù hợp tạo cho cảm giác tổng quan cảnh vật trong tranh được cân bằng không quá dày sẽ bị rối hoặc quá thưa. Việc trình bày một bài thơ bằng thư pháp bên cạnh tranh cũng cần cân nhắc, thơ cũng có thể bằng chữ Hán hoặc thư pháp Việt, nó tăng hiệu quả thẩm mỹ. Sau cùng “lạc khoản” (đề ngày tháng, tên họ) và dấu ấn được bố trí khéo léo, làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho tranh thủy mặc.

Tranh Thủy mặc đồng hành với “thơ, thư, họa, ấn” là một loại tranh của Đông phương trong họa có thơ. Tác giả cũng là một nhà thơ biết tạo ra một bài thơ cho tranh thổi hồn cho người thưởng ngoạn thấy được cái đẹp của tranh “thơ là ý của tranh, thư pháp là cốt của tranh”. Qua thơ, thư và dấu ấn sẽ thấy kỹ thuật nhuần nhuyễn và cao siêu của tác giả.

Thưởng thức tranh Thủy mặc

Vấn đề thưởng thức và đánh giá một bức tranh Thủy mặc, đòi hỏi người thưởng ngoạn cùng hòa vào bức tranh, thấy được màu sắc và cảnh vật trong tranh, bằng trực giác để nhận thấy kỹ xảo của tác giả thể hiện sao cho vẽ cái gì giống cái đó theo phép tả thực, ví dụ như núi cao trùng điệp hùng vĩ, con vật sinh động khả ái, cây cỏ hoa lá thì tươi đẹp... cũng bằng trực giác cảm thụ được bút pháp của họa sĩ lột tả được thần thái của cảnh vật và con vật, giúp người xem thấy được tinh khí thần sâu lắng trong nội tại của bức tranh. Thường thì tranh thủy mặc có sức hấp dẫn thuyết phục lòng người, ngụ ý sâu xa phản ánh hiện thực khách quan của tự nhiên và cuộc sống một cách tinh tế, nếu hiểu được nội dung của bài thơ thư pháp của tác giả phóng bút trên tranh, thì tăng thêm ý nghĩa thưởng ngoạn lên gấp bội. Thủy mặc có sức hấp dẫn thuyết phục lòng người vì nó làm đẹp cuộc đời ngụ ý sâu xa, phản ánh hiện thực khách quan của tự nhiên và cuộc đời một cách tinh tế, từ xa xưa nó đã đi vào đời sống và bản thân nó đã thể hiện những cảm xúc của thi nhân mặc khách những cảm xúc yêu quí thiên nhiên, phản ánh tâm trạng vui buồn của cuộc đời chân thật, nhất là tác phẩm có tính triết lý nhân sinh và thiên nhiên, thì dù đó là phong cảnh 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông, bầy ngựa, tùng, hạc, hoa cúc, hoa hồng hay mẫu đơn... cũng trở nên sinh động xuất thần, thu hút và cả động lòng người khi thưởng thức tác phẩm.

Trong cuộc sống bề bộn chất chứa bao lo toan, nếu ta định tâm ngắm dòng tranh Thủy mặc này sẽ có được những giây phút thoải mái đầy thi vị.

Các trường phái hiện nay

Qua những phân tích trên ta thấy tranh Thủy mặc đã có từ xa xưa, và có liên hệ mật thiết với các quốc gia đồng văn: Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Trong sự hấp thu vào một nước có một quan điểm tư tưởng dung dị văn hóa của từng quốc gia. Nhưng dòng tranh này vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ ở nền tảng căn bản của nó trong cách thể hiện trên cơ sở vẫn là “văn phòng tứ bảo” để làm truyền thống. Ở Việt Nam mặc dù trải qua một thời kỳ phong kiến rất dài, qua các triều đại nhưng hội họa của chúng ta không phát triển. Phải đầu thế kỷ XX các trào lưu hội họa châu Âu tràn vào châu Á, trường Mỹ Thuật Đông Dương được thành lập, từ đây lớp họa sĩ đầu tiên đã được đào tạo bài bản. Hội họa Việt Nam đã có những bước tiến bài bản và làm nên được sắc thái. Chính dòng tranh Thủy mặc tự thân nó cũng hòa nhập vào văn hóa Việt Nam và đã được thể hiện riêng một trường phái Thủy mặc, xuất phát từ dòng tranh thủy mặc Sài Gòn và lan tỏa khắp vùng miền. Được các họa sĩ tâm huyết thể hiện hết sức sinh động phong cảnh của Việt Nam, nhờ vào bút pháp điêu luyện và ứng dụng các loại mực tàu nhiều màu sắc phong phú hiện nay. Và điều này đã được thể hiện qua các cuộc triễn lãm rất nhộn nhịp trong những năm gần đây.

Thị trường tranh Thủy mặc hôm nay và lời kết.

Giá tranh Thủy mặc, hiện nay cũng có những dao động khó đoán: Từ vài trăm đến hàng ngàn Đô la, cũng tùy tác phẩm và tác giả. Năm 1992, trong cuộc triển lãm tại Huế, tranh của họa sĩ Trương Hán Minh trưng bày đều được bán hết, riêng họa sĩ này năm 2014 tại TP, Hồ Chí Minh trong một buổi biểu diễn vẽ tranh Thủy mặc vẽ trong vòng 15 phút vẽ xong tác phẩm “Hân hân hướng vinh” hoàn thành và được bán tại chỗ với giá 108 triệu đồng và cùng hai bức tại đây đã được bán với số tiền tổng cộng 494 triệu đồng. 50% số tiền được làm từ thiện.

Qua phần trên của bài viết, chúng ta thấy được tranh Thủy mặc rất sinh động và đậm tính triết học, ngắm tranh Thủy mặc cảm thấy vừa thực vừa hư, càng ngắm càng mê. Đây là kỹ thuật bút pháp điêu luyện của họa sĩ phải trau dồi khổ luyện kỹ năng thuần thục trong những thao tác, dù nhỏ nhất như việc điểm mực nhiều hay ít, sự linh hoạt của các ngón tay trên bàn tay để đưa cho cánh tay lên xuống nhanh chậm, tạo cho bức tranh có những đường nét đậm nhạt uyển chuyển, cấu trúc hình khối đa dạng, biến hóa. Nói chung là điêu luyện như trong trạng thái thiền định. Đây là thứ bút pháp gọn gàng, không có tái bút hay sửa chữa. Nó khác với hội họa phương Tây mà ở đó không gian thường được quan niệm như một phạm trù vật chất thuần túy, có thể phân tích, chia cắt thành những mảnh vụn rời rạc. Trái lại ở phương Đông trong những kiệt tác hội họa cổ điển chất liệu tinh thần (une matiere spirituelle) giúp cho người nghệ sĩ phản ánh được nội tâm của mình, chính sự hài hòa giữa “mảng trắng” và “mảng đen” trong tranh Thủy mặc đã tạo nên một ý nghĩa có tính chất triết lý tiềm ẩn, tất cả đều toát lên một vẻ đẹp tâm linh, u trầm, tịch mịch và siêu thoát. Người thưởng ngoạn có thể đối thoại “vô ngôn” với sự im lặng vô cùng của vũ trụ.
Họa sĩ: Chấn Hưng
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 91
accessibility Hôm qua: 92
account_circle Trong tháng: 275.337
account_box Trong năm: 23.960
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.280