Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Để khoa học - công nghệ “đánh thức” ngành Nông nghiệp

Cập nhật lúc:   15:54:50 - 13/05/2019 Số lượt xem:   1823 Người đăng:   Administrator
Trồng dưa lưới trong nhà màng tại Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên - Ảnh: THÁI HÀ Trồng dưa lưới trong nhà màng tại Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên - Ảnh: THÁI HÀ
Trong sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp tỉnh nhà, đội ngũ những người làm khoa học đã có đóng góp không nhỏ trong việc giúp tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng và giá trị cho nông sản.
Thời gian qua, hoạt động KH-CN của tỉnh đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nhiều thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi vào tất cả các lĩnh vực sản xuất và đời sống.
 
Đóng góp vào sự phát triển ngành Nông nghiệp
 
Ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN cho biết: Người làm công tác nghiên cứu khoa học thường làm việc thầm lặng và khi có kết quả thì chuyển giao cho các ngành khác tiếp tục phát triển. Vì vậy, không thể đánh giá đóng góp của ngành khoa học dưới góc độ hiệu quả kinh tế một cách rạch ròi.
 
“Tuy nhiên, có thể nói, chúng tôi đã nghiên cứu ứng dụng các thành tựu KH-CN ở hầu hết các khâu trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là với cây chủ lực lúa và sắn. Cụ thể, chúng tôi đã chọn tạo một số giống lúa lai F1 giúp năng suất tăng bình quân tăng 8 tạ/ha (từ 72 tấn/ha lên 80 tấn/ha); chọn giống sắn KM419 cho năng suất tăng từ 14-17 tấn/ha để dần thay thế giống KM94 đã thoái hóa và nhiễm bệnh”, ông Cựu nói.
 
Những năm qua, Sở KH-CN cũng là nơi triển khai, quản lý các mô hình sản xuất tiên tiến: nuôi tôm hùm trong bể trên bờ, nuôi tôm hùm lồng xa bờ theo công nghệ Na Uy; nuôi tôm thẻ theo công nghệ biofloc; nuôi cá chình trong lồng, nuôi hàu Thái Bình Dương theo hướng công nghiệp…
 
Ngoài ra, sở cũng đã nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi trồng đối với một số sản phẩm mới, đối tượng mới cho nông dân như: Rong nho, sá sùng, nuôi cá chình trong bể, chuối cấy mô, các loại dược liệu (sa nhân tím, ba kích tím, nấm ăn và dược liệu, nhân sâm Phú Yên), góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác.
 
Xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X (2008-2017) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn, Sở KH-CN đã tham mưu triển khai thực hiện 17 đề tài, dự án cấp quốc gia; 38 đề tài, dự án cấp tỉnh và 60 dự án cấp cơ sở về lĩnh vực nông nghiệp…
 
Từ đó góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm trên một số cây trồng, vật nuôi phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; hình thành một số nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn tỉnh Phú Yên, góp phần phát triển làng nghề ở nông thôn tỉnh Phú Yên.
 
Anh Đặng Đức Vàng (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) áp dụng mô hình trồng chuối cấy mô mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: THÁI HÀ
 
“Đánh thức” tiềm năng
 
Sở hữu những tiến bộ KH-CN hay những mô hình ứng dụng KH-CN có hiệu quả cao không chỉ là mong muốn của nông dân, mà còn là khát vọng của những người làm khoa học. Tuy nhiên, để KH-CN trở thành chìa khóa “đánh thức” những tiềm năng sẵn có của nền nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì cần sự liên kết mạnh mẽ từ 4 nhà: nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp.
 
Ông Trần Hữu Quyền, Giám đốc Công ty CP Công nghệ bưu chính viễn thông (VNPT Technology), nhà cung cấp hệ thống IoT cho Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên, cho biết IoT là nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Phú Yên là một trong những tỉnh tiên phong của cả nước ứng dụng giải pháp này trong nông nghiệp. Để có được điều đó là nhờ vào sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự năng động của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ.
 
Nhờ vậy chỉ trong một thời gian ngắn, công nghệ này đã được đưa vào áp dụng để sản xuất dưa lưới và sung magic theo hướng công nghệ cao. Đây là xu hướng mới tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, hướng đến giảm thiểu tác động canh tác nông nghiệp đến môi trường.
 
Nhấn mạnh việc liên kết nhà nông - doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả đôi bên, ông Đàm Ngọc Phi, Giám đốc Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học Phú Yên cho biết, trước đây việc trồng bắp manh mún, canh tác theo lối thông thường không mang lại lợi nhuận cho người trồng bắp.
 
Khi công ty phối hợp với Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ chuyển giao giống bắp tốt, hướng dẫn kỹ thuật canh tác hiện đại và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, diện tích trồng bắp tại huyện Tuy An không ngừng tăng. Việc hợp tác này có lợi cho đôi bên khi mà phía công ty không phải lo lắng về nguyên liệu, chất lượng bắp, còn người dân không lo bị ép giá hay khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm.
 
Hiện nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp do đô thị hóa cộng với tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp đặt người nông dân trước thử thách phải đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển nông nghiệp theo hướng áp dụng KH-CN tiên tiến, liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - doanh nghiệp thì nông nghiệp địa phương mới có sức cạnh tranh trên thị trường.
 
Vì vậy, theo ông Lê Văn Cựu, thời gian tới, sở sẽ tập trung vào các chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Phú Yên cũng như tìm kiếm các giải pháp bảo quản và chế biến nông sản… hướng đến tái cơ cấu lĩnh vực bảo quản, chế biến sau thu hoạch sản phẩm chủ lực.
 
Ông Cựu cũng khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình và cá nhân liên kết mạnh mẽ, chú trọng đầu tư KH-CN, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản sản phẩm, chế biến sâu, chế biến tinh nông sản để qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, khai thác thế mạnh của nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản của tỉnh trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 26
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 275.471
account_box Trong năm: 24.094
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.414