Sáng tạo kỹ thuật Sáng tạo kỹ thuật

Nhiều sản phẩm sáng tạo của học sinh mang hơi thở cuộc sống

Cập nhật lúc:   09:12:32 - 02/11/2020 Số lượt xem:   1470 Người đăng:   Administrator
Các tác giả thuyết trình sản phẩm trước ban giám khảo. Ảnh: THÁI HÀ Các tác giả thuyết trình sản phẩm trước ban giám khảo. Ảnh: THÁI HÀ
Sau 5 năm tổ chức, cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng đã trở thành sân chơi trí tuệ hấp dẫn, khơi nguồn những đam mê sáng tạo trong học sinh. Các giải pháp, sản phẩm dự thi ngày càng có chiều sâu, tính ứng dụng thực tiễn cao và mang hơi thở cuộc sống.
Tăng số lượng, nâng tầm chất lượng
 
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Phú Yên lần thứ 5 thu hút hơn 100 mô hình, sản phẩm tham gia dự thi đến từ các địa phương trong tỉnh. Qua sơ loại, Ban tổ chức (BTC) cuộc thi lựa chọn 79 mô hình vào vòng chung khảo và chọn được 32 đề tài, sản phẩm tiêu biểu để trao giải. So với các năm, số lượng giải pháp cuộc thi lần thứ 5 nhiều hơn, trải đều trên 5 lĩnh vực dự thi; hàm lượng khoa học của các sản phẩm cũng cao hơn. 
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Trưởng BTC cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng của tỉnh, cuộc thi là một hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo định hướng phát triển năng lực học sinh, tạo điều kiện để các em được học đi đôi với hành. Ban giám khảo đã bám sát các tiêu chí cuộc thi, qua đó kiểm tra các ý tưởng sáng tạo và năng lực nghiên cứu khoa học, sự tìm tòi và đổi mới của học sinh, không khuyến khích những nghiên cứu chỉ mang tính minh họa. So với những ngày đầu cuộc thi được tổ chức, đến nay, các thí sinh đã biết cách hình thành và thực hiện ý tưởng sáng tạo. 
Điểm ấn tượng trong cuộc thi năm nay là ngoài việc tổ chức một sân chơi bổ ích để học sinh thi tài, BTC còn bố trí thời gian, địa điểm để các giáo viên hướng dẫn, học sinh được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm từ những dự án, sản phẩm với nhau. Các tác giả học sinh ứng trực bên dự án của mình để ban giám khảo phỏng vấn trực tiếp nhằm khẳng định được sản phẩm xuất phát từ ý tưởng của tác giả. Các em trả lời những thắc mắc và chia sẻ quy trình thực hiện dự án, sản phẩm để ban giám khảo có được góc nhìn, đánh giá công tâm, khách quan. 
Cảm nhận về cuộc thi, em Nguyễn Đặng Hoàng Việt, Trường THCS Triệu Thị Trinh, TX Sông Cầu (tác giả đạt giải ba với giải pháp Máy xăm gừng), cho biết: “Cuộc thi đã tạo điều kiện, cơ hội để chúng em được thực hành các môn học, thử sức hiện thực hóa các ý tưởng của mình. Trong suốt quá trình xây dựng, nghiên cứu, thực nghiệm dự án, chúng em được học thêm rất nhiều kiến thức bổ ích, được trau dồi thêm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình và tạo động lực để các em học tập tốt hơn”. 
Giải pháp mang hơi thở cuộc sống 
Cô giáo Hồ Thanh Trúc, giảng viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung, thành viên ban giám khảo cuộc thi, chia sẻ: “Điểm ấn tượng của cuộc thi năm nay là các dự án đều thể hiện được tính mới, sáng tạo. Từ mỗi dự án, mỗi sản phẩm các học sinh làm ra đều có hơi thở của cuộc sống”. 
Giải nhất năm nay thuộc về nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Anh Khôi và Phạm Nguyên Quỳnh với mô hình Nhà vệ sinh thông minh trong trường phổ thông. Với giải pháp này, nhóm tác giả đã thiết kế một mô hình nhà vệ sinh thông minh. Khi có người lại gần, hệ thống nhận diện, hoạt động tự động xả nước sau 3 giây người đó rời đi. Nếu bồn cầu không hoạt động, người đi vệ sinh phải tự xả mới có thể mở cửa ra ngoài. Khi có khói thuốc, nhà vệ sinh tự động đóng cửa và phát âm thanh đến phòng quản lý để giáo viên đến và xử lý… Giải pháp trên hoàn toàn có thể phát triển để áp dụng vào thực tiễn nhằm góp phần bảo vệ môi trường ở các nhà vệ sinh trường học. 
Các giải pháp “Robot hỗ trợ y tế” có chức năng vận chuyển hàng hóa, phun thuốc sát khuẩn hỗ trợ nhân viên y tế khi có dịch bệnh; giải pháp “Thùng rác đa năng” sử dụng năng lượng mặt trời, tự động mở và nhắc nhở người bỏ rác phân loại rác thải trước khi cho vào thùng; giải pháp “Hệ thống vệ sinh và chăm sóc tôm hùm thông minh” giúp người dân quan sát, theo dõi, chăm sóc tôm hùm một cách tiện lợi, hiệu quả, hạn chế nguy hiểm cho người nuôi tôm; giải pháp “Máy ấp trứng gia cầm” tái sử dụng các phế liệu tạo ra thiết bị có môi trường nhiệt độ, độ ẩm hợp lý có thể ấp trứng tự động đạt giải nhì cuộc thi năm nay đều là các giải pháp mang tính ứng dụng cao, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống… 
Em Nguyễn Như Quỳnh Chi (Trường THCS Hoàng Hoa Thám, TX Đông Hòa), tác giả giải pháp “Máy ấp trứng gia cầm”, chia sẻ: Ở nông thôn, thường gia đình nào cũng nuôi gà đẻ trứng. Tuy nhiên, vào mùa nắng nóng, gà mẹ ấp không hiệu quả nên trứng thường bị hỏng. Hiện nay, thị trường có sản phẩm máy ấp trứng nhưng chỉ sử dụng ở các trang trại quy mô lớn. Từ thực tế đó, nhóm chúng em đã chế tạo ra một thiết bị tự điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và tự đảo trứng trong thời gian hợp lý. Sản phẩm máy ấp trứng quy mô nhỏ này có thể được ứng dụng để ấp trứng gà, vịt ở các hộ gia đình”.
Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng là sân chơi giúp khơi dậy niềm say mê tìm tòi, khám phá khoa học của các em ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Ngày hôm nay các em còn nhỏ tuổi, tham gia cuộc thi sáng tạo với những ý tưởng, sản phẩm còn giản đơn nhưng mai này sẽ là chủ nhân của đất nước, có những sáng tạo hữu ích phục vụ cuộc sống. Để cuộc thi lan tỏa sâu rộng cần phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, các trường học; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức… để cuộc thi thực sự trở thành một sân chơi bổ ích, có ý nghĩa thiết thực dành cho lứa tuổi học sinh trong toàn tỉnh.
 
                                      Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 49
accessibility Hôm qua: 106
account_circle Trong tháng: 275.401
account_box Trong năm: 24.024
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.344