Hội nghị quốc tế về y học cơ hội và thách thức cho các nhà khoa học Việt Nam

Cập nhật lúc:   14:25:03 - 05/06/2019 Số lượt xem:   388 Người đăng:   Administrator
Toàn cảnh hội thảo quốc tế GIN-Nobel Toàn cảnh hội thảo quốc tế GIN-Nobel
Sáng ngày 1/6, Hội nghị Quốc tế Sức khỏe Toàn cầu và Công nghệ với chủ đề "Công nghệ 4.0 trong Y học, Y tế và Giáo dục Đại học" và Diễn đàn Nobel do Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Việt Nam chủ trì phối hợp với Đại học Y Hà Nội, Đại học Tartu (Estonia) và các nhà khoa học từ ÚC, Vương quốc Anh, Đức Estonia, Thụy Điển,... đã điễn ra tại Hà Nội.

Đây là một trong những sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động với tên gọi GIN- Nobel 2019 được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển (1969-2019).

Chuỗi sự kiện GIN-Nobel 2019 sẽ được tổ chức từ ngày 1-3/6 tại Hà Nội tập trung vào 03 mục tiêu chính: Kết nối, xây dựng một mạng lưới các nhà đổi mới toàn cầu và các tổ chức đổi mới tiên phong vì sức khỏe bền vững và một cuộc sống tốt hơn; Tạo nền tảng thuận lợi cho các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế cùng làm việc hướng tới nghiên cứu đột phá có tính ứng dụng cao trong cuộc sống thực; Kết nối giữa Chính phủ, Đại học và Doanh nghiệp.

Tham dự hội thảo có TSKH. Nghiêm Vũ Khải - Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIV; ông Phùng Bảo Thạch, Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Johan Alvin - Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội; GS Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội; Ông Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng - Nguyên thứ trưởng bộ Khoa học & Công nghệ; GS Lars Olson, Viện Karolinska, Thụy Điển - Chủ tịch hội đồng xét duyệt giải Nobel năm 2018; Ông Triin Jagomagi - Trường Đại học Tartu, Estonia…cùng với sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực y học và phát triển.

Trong lời phát biểu, ông Phùng Bảo Thạch nhấn mạnh đến sự nỗ lực kết nối giữa các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng mà cụ thể là TS Nguyễn Thị Thanh Hương - đại sứ toàn cầu Karolinska trong việc kết nối thành công với Viện Karolinska để có văn bản ký kết hợp tác giữa Bộ Khoa học Công nghệ và các đối tác Thụy Điển. Sự kiện này sẽ mở ra một giai đoạn mới, hợp tác trong nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Thụy Điển. Sự kiện này sẽ mở ra cơ hội và mở thách thức rất lớn của cuộc công nghệ 4.0 đối với các quốc gia trên toàn cầu và nhất là một đất nước đang phát triển như ở Việt Nam. Ông Phùng Bảo Thạch khẳng định hội thảo, các diễn đàn khoa học chính là cơ hội để cho Việt Nam có cơ hội tiếp cận với những đóng góp từ các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế trong việc tiếp cận sâu hơn nữa vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong lời phát biểu của mình, ngài Johan Alvin - Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội khẳng định Việt Nam có cơ hội cạnh tranh để nhận giải thưởng Nobel nếu có sự cam kết với tiêu chuẩn của giải thưởng Nobel đặt ra, đảm bảo được nghiên cứu trong quá trình thực hiện được đầu tư một cách xứng đáng.

Cũng tại Hội thảo, TSKH Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh đến ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội thảo nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển, một mối quan hệ mang tính chất lịch sử. TSKH. Nghiêm Vũ Khải cũng biểu dương về những hoạt động, sự nỗ lực, đóng góp và lan tỏa của Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng. Đồng thời đặt kỳ vọng về sự đóng góp của các tổ chức Khoa học Công nghệ trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong cuộc các mạng công nghệ 4.0.

Trong khuôn khổ của GIN - Nobel 2019 và chương trình Hội thảo quốc tế diễn ra vào ngày 1/6, các đại biểu tham sự sẽ được tham gia diễn đàn thảo luận về Giải thưởng Nobel Y học - Tài năng cá nhân hay chiến lược quốc gia", từ đó hiểu thêm về ý nghĩa giải thưởng Nobel, những tiêu chí, các quy tắc xét duyệt và trao giải thưởng Nobel trong Y học đối với những công bố quốc tế của các nhà khoa học. Đây là một cơ hội để các công trình nghiên cứu có tính giá trị lớn của các nhà khoa học Việt Nam tiến gần hơn với một trong những giải thưởng danh giá trên thế giới về lĩnh vực Y học. Từ đó, các nhà khoa học cần nỗ lực hơn nữa trong việc nghiên cứu và có những phát hiện mới. Đồng thời, các chính phủ cần có những chiến lược lâu dài để khuyến khích các nhà khoa học, đặc biệt là nữ giới có cơ hội tham gia nghiên cứu và nỗ lực để dành giải thưởng Nobel.
 
2
Diễn đàn thảo luận về giải thưởng Nobel Y học
 
Ngoài phiên hội nghị toàn thể, hội thảo còn tổ chức song song 2 phiên lần lượt với các chủ đề là: "Y học chính xác và ngân hàng gen"; ''Công nghệ mới trong hỗ trợ sinh sản & Bệnh lây nhiễm". Trong các phiên hội thảo, đại biểu tham dự được nghe các báo cáo và thảo luận sôi nổi về các chủ đề liên quan đến y học, các bệnh lý y học như: Bệnh lý thần kinh, bệnh Parkinson, bệnh tự kỷ, bệnh lý tự miễn, HIV, các bệnh lý về đường sinh sản và đặc biệt trong việc tiếp cận ngân hàng gen. Cũng tại hội thảo, các đại biểu được nghe giải đáp trực tiếp từ các chuyên gia trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội giao lưu, hiểu biết trong lĩnh vực y học.
 
Các phiên thảo luận tại hội thảo
Các phiên thảo luận tại Hội thảo
Các phiên thảo luận tại Hội thảo
 
Bên cạnh hội thảo, trong khuôn khổ của sự kiện GIN-Nobel, các hoạt động bên lề khác cũng được tổ chức như: Lễ hội thể thao, âm nhạc; đi bộ kết hợp với triển lãm công nghệ và thông tin du học tại phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng, quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm được diễn ra vào ngày 2/6. Lễ hội được tổ chức nhằm góp phần lan tỏa phong cách sống tích cực, khỏe mạnh, tạo ra những phong trào có sức ảnh hưởng sâu rộng, bền vững trong cộng đồng.
     
Thông qua những sự kiện như chuỗi hoạt động GIN-Nobel, các nhà khoa học Việt Nam, các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực y học sẽ có điều kiện để kết nối thông tin, trao đổi phương pháp nghiên cứu, thiết lập mạng lưới nghiên cứu. Từ đó sẽ có cơ hội tiếp cận với những dự án quốc tế về y học, có được nhiều công trình nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực và được áp dụng trong thực tiễn cộng đồng và tiến gần hơn với giải thưởng Nobel về y học trong tương lai.
 
Tác giả bài viết: Thu Phương
Nguồn: www.vusta.vn ngày 01/06/2019
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 8
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 275.453
account_box Trong năm: 24.076
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.396