Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh: Giám sát sâu các vấn đề nổi cộm

Cập nhật lúc:   17:21:19 - 08/12/2017 Số lượt xem:   126 Người đăng:   Administrator
Thường trực HĐND tỉnh giám sát về tình hình phí và lệ phí tại xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) - Ảnh: V.TÀI Thường trực HĐND tỉnh giám sát về tình hình phí và lệ phí tại xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) - Ảnh: V.TÀI
Công khai, minh bạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát là đòi hỏi tất yếu trong đổi mới hoạt động của HĐND, cũng là đòi hỏi của cử tri đối với hoạt động quản lý nhà nước của chính qu
Cập nhật ngày: 09/11/2012

Công khai, minh bạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát là đòi hỏi tất yếu trong đổi mới hoạt động của HĐND, cũng là đòi hỏi của cử tri đối với hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; nhất là khi Phú Yên đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường.

Thời gian qua, HĐND tỉnh có nhiều hình thức hoạt động giám sát chủ động, tích cực mang lại hiệu quả đáng kể. Từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND, Thường trực HĐND, cũng như các ban của HĐND tỉnh đã xác định công tác giám sát là nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, xác định và lựa chọn các vấn đề nổi cộm để thực hiện giám sát sâu, có hiệu quả. Kết quả cuối cùng chính là những chính sách thiết thực của HĐND tỉnh đề ra và được thực hiện có hiệu quả trong cuộc sống.

NHIỀU VẤN ĐỀ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT

Lựa chọn nội dung giám sát và cách thức giám sát sao cho đạt hiệu quả cao nhất là vấn đề được Thường trực HĐND và các ban của HĐND tỉnh quan tâm. Từ đó đã có sự đổi mới như: Không tiến hành nhiều cuộc giám sát dàn trải như trước, mà thực hiện mỗi năm hai cuộc giám sát chuyên đề (Thường trực HĐND tỉnh giám sát hai chuyên đề, mỗi ban của HĐND giám sát hai chuyên đề), lựa chọn những vấn đề trọng tâm mà dư luận, cử tri đặc biệt quan tâm.

Có thể nói, các cuộc giám sát mà HĐND tỉnh tổ chức đã thực sự đem lại hiệu quả thực tế. Cụ thể, qua giám sát về phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân trên địa bàn tỉnh, đoàn giám sát đề nghị điều chỉnh một số loại phí như: Phí chợ, giữ xe đạp, vệ sinh đang ở mức thấp, không phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và đã được UBND tỉnh tiếp thu, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 39. Theo đó, các loại phí đều tăng, phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Kết quả giám sát cho thấy, công tác khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế xã còn nhiều bất cập vì nhân sự các trạm y tế do phòng y tế huyện quản lý nên công tác chỉ đạo, điều hành của bệnh viện trong khám chữa bệnh BHYT tại các trạm y tế còn hạn chế trong khi Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV quy định trạm y tế xã do sở y tế quản lý. Đoàn giám sát đã kiến nghị tỉnh kiện toàn hệ thống ngành y tế trong tỉnh theo mô hình thống nhất chung toàn quốc. Tỉnh đã tiếp thu và ban hành Quyết định 112/QĐ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Y tế và đã tổ chức bàn giao trạm y tế cấp xã về Sở Y tế…

Hay tại các đợt tiếp xúc cử tri, nhiều người dân bức xúc về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất, nhà ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Qua giám sát trực tiếp tại 3 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân; 6 xã thuộc 3 huyện miền núi và Ban Dân tộc tỉnh, đoàn giám sát thấy rằng: việc thực hiện chính sách theo Quyết định 1592/QĐ-TTg đã giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có được những điều kiện cơ bản để ổn định cuộc sống, có nơi ở ổn định lâu dài, phát triển sản xuất, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước. Đồng thời những tồn tại, hạn chế của địa phương được chỉ ra trong quá trình thực hiện, từ đó đoàn giám sát đã kiến nghị chính phủ tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn và kéo dài thời gian đến hết năm 2015, nâng mức hỗ trợ thu hồi đất sản xuất từ 5 triệu đồng/ha lên 50 triệu đồng, tăng mức hỗ trợ các công trình nước từ 1 tỉ đồng lên 5 tỉ đồng… 

NGÀY CÀNG ĐI VÀO CHIỀU SÂU

Căn cứ nội dung, lĩnh vực giám sát, Thường trực HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh đã trưng tập cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của các ngành chức năng liên quan tham gia thành phần đoàn giám sát; chủ động thông báo nội dung, kế hoạch, thành phần, thời hạn và thời gian giám sát, gửi kèm theo lịch làm việc và đề cương chi tiết cho cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát chuẩn bị trước khi tiến hành giám sát ít nhất một tháng. Cách thức tiến hành giám sát kết hợp chặt chẽ giữa hình thức nghe và xem xét các báo cáo; đồng thời, tham vấn ý kiến của cơ quan, đơn vị được giám sát để nắm thêm thông tin chi tiết nhằm làm rõ những vấn đề quan tâm hoặc những vấn đề chưa được đơn vị chịu sự giám sát báo cáo rõ.

Ông Nguyễn Văn Lãng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết: “Trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo và đào tạo nghề vẫn còn một số khó khăn, nhất là Chương trình 167 giai đoạn 2 vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt nên khả năng không hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm cho hộ nghèo năm 2012 theo Nghị quyết HĐND tỉnh và những kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương trong tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp; về dạy nghề dưới 3 tháng; hỗ trợ thêm biên chế… Tất cả các ý kiến, những khó khăn đã được đoàn giám sát tiếp thu nghiêm túc, đáp ứng đúng nguyện vọng của cử tri trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, thông qua giám sát, những nỗ lực tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh được khẳng định, góp phần vào sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh và cũng phát hiện nhiều vấn đề bất cập, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của các đơn vị, địa phương trong khi thực hiện nhiệm vụ; có kiến nghị với các cấp, các ngành giải quyết, khắc phục thiếu sót. Đồng thời, khi Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị, được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố tiếp thu, có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; tỉnh có những điều chỉnh và bổ sung một số cơ chế chính sách phù hợp.

Theo ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên, mục đích của việc giám sát là nhằm đánh giá, ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND. Từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thực hiện có hiệu quả hơn chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để nâng cao hiệu quả giám sát, những cuộc giám sát theo chuyên đề được HĐND tỉnh chủ động xây dựng chương trình chi tiết từ đầu năm và báo cáo Tỉnh ủy để tranh thủ sự chỉ đạo. “Giám sát là một trong những chức năng quan trọng của HĐND được quy định trong Luật Tổ chức HĐND và UBND. Thực hiện đúng chức năng hoạt động giám sát sẽ nâng cao được hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đồng thời góp phần bảo đảm cho việc thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND”, ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh. Hoạt động giám sát của HĐND từng bước nâng cao chất lượng, khẳng định rõ nét hơn vai trò, vị trí, chức năng, quyền hạn của cơ quan dân cử, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cử tri, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Với hơn 20 cuộc khảo sát và giám sát chuyên đề trong thời gian qua có thể khẳng định việc giám sát ngày càng đi vào sâu và có trọng tâm, trọng điểm. Qua đó, nghị quyết của HĐND được thực thi nghiêm túc. Cấp ủy, chính quyền và cử tri ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các đại biểu HĐND tỉnh, đặc biệt là các đại biểu hoạt động chuyên trách, Thường trực HĐND, các ban của HĐND tỉnh.

                                                                                                  Theo nguồn Báo Phú Yên điện tử ngày 09/11/2012
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 19
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 275.464
account_box Trong năm: 24.087
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.407