Kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt

Cập nhật lúc:   14:19:25 - 19/07/2018 Số lượt xem:   577 Người đăng:   Administrator
Đại diện các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm cho đối tác tại Hội nghị Kết nối cung cầu năm 2018 - Ảnh: VÕ PHÊ Đại diện các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm cho đối tác tại Hội nghị Kết nối cung cầu năm 2018 - Ảnh: VÕ PHÊ
Sở Công thương vừa phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2018. Đây được xem là một trong những sự kiện quan trọng góp phần thúc đẩy cung ứng và tiêu thụ hàng hóa.
Mở rộng thị trường
 
Năm nay, Hội nghị Kết nối cung cầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên có sự tham gia của 30 trung tâm khuyến công đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng 33 doanh nghiệp Phú Yên và 135 doanh nghiệp, nhà phân phối, đầu mối cung ứng hàng hóa đến từ 14 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, miền Bắc.
 
Đa số các doanh nghiệp tham gia là những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa lớn ở các tỉnh, thành phố. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Đá phong thủy Trúc Xanh (TP Đà Nẵng), cho biết: Chúng tôi là một trong những doanh nghiệp đầu tiên sản xuất sản phẩm lưu niệm về đá quý, đá phong thủy và được gắn logo sản phẩm độc quyền của Đà Nẵng.
 
Ngoài ra, chúng tôi còn làm các sản phẩm hương từ thiên nhiên. Hiện tại, công ty chưa có đối tác tại Phú Yên và sản phẩm của chúng tôi cũng chưa có đại lý trưng bày, giới thiệu tại đây. Tham gia chương trình kết nối cung cầu lần này, chúng tôi muốn giới thiệu sản phẩm của mình đến doanh nghiệp các tỉnh, nhất là Phú Yên. Theo tôi, nếu nhiều chương trình kết nối cung cầu có chất lượng được tổ chức thường xuyên thì các nhà sản xuất, thương mại trong cả nước sẽ tích cực tham gia.
 
Tham dự hội nghị lần này, Phú Yên có nhiều sản phẩm thu hút sự chú ý của các đối tác tỉnh bạn như cá ngừ đại dương, bò khô một nắng, hải sản khô… Theo ông Phan Văn Hổ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm A Lý, doanh nghiệp đã tham gia nhiều chương trình kết nối cung cầu ở các tỉnh, thậm chí là gần hết 63 tỉnh, thành. Qua đó, công ty có cơ hội quảng bá sản phẩm, gặp nhiều đối tác và ký kết được hợp đồng phân phối hàng hóa.
 
“Thực tế, doanh nghiệp Phú Yên cũng như một số tỉnh thành khác còn yếu về khâu quảng bá, chưa có đối tác làm ăn lớn, đầu mối tiêu thụ hàng hóa chưa nhiều, doanh nghiệp mong các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ nhiều hơn trong hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ phát huy hết khả năng trong việc tìm đối tác, thị trường”, ông Hổ nói.
 
Theo Sở Công thương, thực hiện đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tại tỉnh. Năm 2018, hoạt động này được thực hiện với quy mô lớn hơn, có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp các tỉnh.
 
Đây không chỉ là dịp để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh mình mà còn tạo điều kiện để họ gặp gỡ, trao đổi hợp tác kinh doanh. Tại đây, doanh nghiệp cũng có cơ hội liên kết để đưa sản phẩm vào hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối…, góp phần thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt, nâng cao khả năng cạnh tranh.
 
Vướng ở nhiều khâu
 
Giao thương, kết nối cung cầu là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, song cũng là “bàn tròn” để các ngành, doanh nghiệp ngồi lại cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, cung ứng và phân phối hàng hóa.
 
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Orgama (Thái Nguyên), bày tỏ: Trà của công ty tôi được sản xuất theo cách truyền thống, mang đặc trưng văn hóa trà Thái Nguyên. Hiện nay, không chỉ khó khăn về đầu ra, chúng tôi còn gặp vướng trong việc hợp tác với người trồng. Lâu nay, để thu mua được nguyên liệu an toàn về chế biến, doanh nghiệp phải tự liên kết với người trồng, nhưng hợp tác với nông dân là không dễ. Với mong muốn sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng, doanh nghiệp mong được địa phương và các ngành chức năng hỗ trợ trong việc liên kết với nông dân.
 
Về cung ứng hàng hóa, ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu bơ Tây Nguyên, cho biết: Chất lượng sản phẩm bơ Việt Nam cũng như một số sản phẩm nông nghiệp khác chưa đạt yêu cầu, trong khi khâu kiểm soát chất lượng, hậu kiểm của kênh bán lẻ trong nước khá chặt chẽ, nên tính từ thời gian thu hoạch cho đến tiêu thụ thì sản phẩm gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hao hụt lớn. Thêm vào đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP còn chưa rõ ràng. Doanh nghiệp phân phối cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, tạo thuận lợi hơn để việc cung ứng hàng hóa đạt hiệu quả cao, bảo đảm lợi ích 2 bên.
 
Còn theo bà Nguyễn Thị Hà, đại diện Công ty TNHH Sản xuất Chế biến và Thương mại Hà Trung, thì sản phẩm bò khô một nắng của doanh nghiệp luôn đảm bảo chất lượng. Để vào được hệ thống siêu thị, sản phẩm bò khô phải qua nhiều lần kiểm dịch, thực hiện đúng các quy trình, quy định của đơn vị thu mua. Khó khăn là nhà phân phối yêu cầu doanh nghiệp đi phân phát từng siêu thị nhỏ nên doanh nghiệp đành bỏ cuộc. Doanh nghiệp không thể hợp tác cung ứng cho hệ thống mà phải phân phát cho từng cơ sở trực thuộc.
 
Cũng gặp vướng mắc trong khâu cung ứng, tiêu thụ, ông Trần Lê Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tiến Anh (An Giang), nói: Làm trong ngành chế biến thực phẩm, chúng tôi tuân thủ định kỳ kiểm tra 6 tháng/lần các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm và các tiêu chí liên quan. Chúng tôi cũng chấp hành theo các tiêu chuẩn của Bộ Y tế đưa ra. Tuy nhiên, khi cung ứng cho các siêu thị hay đầu mối lớn thì họ yêu cầu thêm các tiêu chí khác. Điều này là bất hợp lý. Hơn nữa, giữa doanh nghiệp và đơn vị thu mua còn những khó khăn trong việc thanh toán và đổi trả hàng…
 
Theo ông Phạm Hoàng Hưng, Giám đốc Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, đối với hàng hóa đầu vào, đơn vị luôn tìm kiếm những nhà sản xuất có tiêu chuẩn cao, đạt chất lượng theo quy định của Nhà nước. Những năm qua, hệ thống Saigon Co.op có cải tiến trong công tác thu mua và thành lập phòng chuyên làm việc với các đối tác với mục đích là tư vấn, hỗ trợ cập nhật thông tin để nhà sản xuất tiếp cận, từ đó kết nối, đưa sản phẩm vào siêu thị. Siêu thị là kênh bán hàng hiện đại, khác với các kênh bán hàng khác nên yêu cầu cao. Hàng hóa vào siêu thị chắc chắn có những tiêu chuẩn riêng trên cơ sở tiêu chuẩn chung của Nhà nước….
 
* Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn:
 
Nhà sản xuất và bán lẻ phải hỗ trợ nhau
Thời gian qua, Bộ Công thương đã tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh trong việc tiếp cận, mở rộng thị trường. Trong năm 2018, Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan chủ trì đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiếp tục phát triển thị trường thương mại trong nước; xây dựng hệ thống phân phối đồng bộ và hiện đại; đẩy mạnh kết nối giữa nhà cung ứng, phân phối trên các vùng sản xuất nông sản.
 
Trong chuỗi cung ứng hiện đại, các doanh nghiệp phải quan tâm nghiên cứu thị trường; khai thác tiềm năng, nguồn lực sẵn có để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp; đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong cả nước. Nhà sản xuất và bán lẻ cần tìm ra những điểm chung để liên kết, hỗ trợ hiệu quả hơn.
 
Nhà phân phối cũng cần đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm đưa sản phẩm Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, ngành chức năng các địa phương cần tích cực theo dõi, nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nông dân; tăng cường nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.
 
* Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kim Bích:
 
Doanh nghiệp cần có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp
 
Để việc sản xuất, cung ứng, tiêu thụ hàng hóa thuận lợi hơn, trong thời gian tới, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần đầu tư đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì đóng gói, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
 
Đồng thời chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm, ổn định chất lượng sản phẩm, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ với các doanh nghiệp khác. Các đơn vị tiếp nhận hàng hóa cũng phải tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp về các quy trình, mô hình sản xuất, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, mẫu mã, bao bì đóng gói… để đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng của hệ thống, thị trường trong nước và quốc tế.
 
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 24
accessibility Hôm qua: 106
account_circle Trong tháng: 275.376
account_box Trong năm: 23.999
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.319