Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: Tập trung thảo luận về phòng, chống tội phạm

Cập nhật lúc:   15:00:10 - 27/10/2020 Số lượt xem:   291 Người đăng:   Administrator
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền thảo luận trực tuyến trong phiên họp Quốc hội ngày 26/10. Ảnh: XUÂN HIẾU ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền thảo luận trực tuyến trong phiên họp Quốc hội ngày 26/10. Ảnh: XUÂN HIẾU
Ngày 26/10, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục diễn ra bằng hình thức trực tuyến, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020. Theo báo cáo, hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm, một số loại tội phạm tăng như giết người, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, tội phạm liên quan đến cờ bạc... Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế, tuy nhiên vẫn hoạt động biến tướng cho vay qua mạng internet; tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản (lừa đảo, trộm cắp, cướp, cướp giật) diễn ra phức tạp... 
Quốc hội cũng đã nghe Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2020 của Viện trưởng Viện KSND Tối cao; Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2020 của Chánh án TAND Tối cao; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2020; Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Đồng thời nghe các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. 
Tiếp đó, trong phần thảo luận, các ĐBQH ghi nhận sự nỗ lực của các cơ quan tư pháp và những kết quả đạt được, đánh giá cao các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) tham gia thảo luận, đề cập đến nội dung được nhiều cử tri trong tỉnh quan tâm tại các hội nghị tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua. Đó là, tình trạng cho vay “tín dụng đen”, về sự lộng hành của các nhóm đòi nợ thuê đang ngày càng diễn biến phức tạp. 
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền cho biết thời gian qua đã có nhiều bài viết phản ảnh trên báo chí lên án kiểu đòi nợ theo hình thức xã hội đen, đặt nghi vấn hành động đòi nợ này đã gián tiếp gây ra cái chết của một công dân nghèo yếu thế tại TP Hồ Chí Minh, đằng sau hợp đồng cho vay của một số công ty tài chính. 
“Không có điều khoản pháp luật nào lại cho phép cho một dịch vụ kinh doanh với hình thức mang tính bất nhân, bất lương như thế! Cũng không có pháp luật nào lại đi bảo hộ cho kiểu kinh doanh ăn lãi suất như cắt cổ người dân như vậy”, đại biểu khẳng định và cho rằng, các dịch vụ đòi nợ thuê chỉ là phần ngọn, mà vấn đề thật sự cần được các cơ quan chức năng chú ý, chuyên tâm giải quyết lại chính là phần gốc, là các công ty tài chính đứng sau dịch vụ này. 
Cũng theo ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, một vấn đề tương tự khác đang diễn ra hiện nay, chính là các dịch vụ tín dụng đen, kinh doanh đa cấp trái luật. Tiếp cận với người dân thông qua app điện thoại, internet hết sức dễ dàng, tưởng chừng như tín dụng đen hay kinh doanh đa cấp đã chủ động gõ cửa từng nhà, đặt dịch vụ vào tay từng người bằng hàng trăm loại app, không thể kể hết tên. 
Với thủ tục cho vay vô cùng đơn giản, với bao lời quảng cáo hứa hẹn đầy nhân ái, tốt đẹp như quăng một chiếc phao cứu người đuối nước, mà rồi chưa kịp bơi vào bờ thì lại trở thành nạn nhân từ chính chiếc phao cứu sinh này. Điều quan trọng là thực trạng này đã bị dư luận, báo chí lên án rất nhiều trong thời gian qua nhưng đến nay, vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có quy định, chế tài nào để quản lý, xử lý hiệu quả mà mới chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo người dân phải thận trọng, cảnh giác từ cơ quan chức năng. 
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, xử lý mạnh mẽ từ các cơ quan bảo vệ pháp luật; Quốc hội tham gia giám sát. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nhận diện các phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen nhằm cảnh tỉnh đối với người dân cần hết sức tỉnh táo khi tiếp cận với những dịch vụ cho vay nặng lãi một cách quá dễ dàng như hiện nay. 
Nếu để loại hình này tồn tại kéo dài và công tác điều tra, truy tố xét xử quá chậm trễ, sẽ càng khiến cho lòng tin của người dân suy giảm, tạo sự nghi ngờ trong dư luận xã hội về sự tiếp tay, bao che, có tập đoàn nào hay thế lực nào khác chống lưng. Đồng thời, nếu không dùng pháp luật để điều chỉnh thì sẽ còn rất nhiều gia đình rơi vào cảnh tan cửa nát nhà.
Cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, xử lý mạnh mẽ từ các cơ quan bảo vệ pháp luật; Quốc hội tham gia giám sát. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nhận diện các phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen nhằm cảnh tỉnh đối với người dân cần hết sức tỉnh táo khi tiếp cận với những dịch vụ cho vay nặng lãi một cách quá dễ dàng như hiện nay.
 
                                                       ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 72
accessibility Hôm qua: 106
account_circle Trong tháng: 275.424
account_box Trong năm: 24.047
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.367