Trò không thể học online, thầy vất vả dạy linh hoạt

Cập nhật lúc:   14:02:16 - 15/09/2021 Số lượt xem:   478 Người đăng:   Administrator
Học sinh học online tại nhà. Ảnh: HIẾU TRUNG Học sinh học online tại nhà. Ảnh: HIẾU TRUNG
Năm học 2021-2022 đã bắt đầu 10 ngày, nhưng tình hình dịch COVID-19 còn phức tạp nên các trường học phải tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học linh hoạt. Việc dạy học trực tuyến không mới, nhưng gặp không ít khó khăn khi học sinh thiếu phương tiện, thiết bị để học, còn những trường tổ chức dạy học linh hoạt thì giáo viên phải đến từng nhà học sinh để gửi bài học, phiếu bài tập mỗi tuần rất vất vả.
Thiếu cả thiết bị lẫn mạng internet 
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, các trường phải tổ chức dạy học trực tuyến để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, hiện nhiều học sinh ở các huyện miền núi thiếu phương tiện, thiết bị để học online. Thầy Dương Văn Thông, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Phước Tân (huyện Sơn Hòa) chia sẻ: “Nhà trường có 401 học sinh, trong đó khối tiểu học có 281 em, khối THCS có 120 em, 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình khó khăn không có thiết bị, phương tiện, mạng internet để học trực tuyến. Để theo kịp chương trình năm học, nhà trường bắt buộc phải tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh”. 
Tương tự, Trường tiểu học Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) có 341 em chia làm 23 lớp, nhưng từ đầu năm học đến nay, các em cũng chỉ học linh hoạt từ các bài giảng thầy cô gửi trực tiếp tại nhà. Thầy Trình Ngọc Vinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Việc học trực tuyến cho học sinh ở xã miền núi này thật sự khó. Các em không chỉ không có thiết bị đầu cuối mà mạng internet cũng không nên trường chỉ có thể áp dụng dạy học linh hoạt cho học sinh”. 
Theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân Phạm Trung Thành, toàn huyện có 8.371 học sinh khối tiểu học (5.092 em) và THCS (3.279 em), nhưng chỉ có 3.903 em có điều kiện học online. Số còn lại gia đình không có khả năng mua sắm máy tính xách tay, máy tính bảng để học. Ngoài thiếu thiết bị đầu cuối, hiện đường truyền internet một số thôn quá yếu, có thôn chưa có internet, chưa có cáp quang, học sinh muốn học phải dùng 3G, 4G mới học được. 
Không chỉ học sinh miền núi, nhiều học sinh ở vùng đồng bằng cũng gặp không ít khó khăn khi học trực tuyến, nhất là học sinh khối tiểu học. Chị Bùi Thị Nga ở phường 7 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Con tôi học lớp 2 Trường tiểu học Lạc Long Quân, mấy ngày qua nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến qua Google meet, kết hợp gửi bài tập qua website olm.vn của trường để các con làm bài tập. Mỗi ngày con học, tôi phải ngồi học chung để hướng dẫn. Nếu mình không kèm thì cháu không tự giác học, nhiều bài cháu viết không kịp”. 
Linh hoạt trong dạy học 
Để truyền tải kiến thức cho học sinh, những trường không tổ chức dạy học trực tuyến thì chọn dạy học linh hoạt. Theo thầy Dương Văn Thông, để dạy học cho 401 học sinh, mấy ngày qua nhà trường chỉ đạo các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn soạn bài giảng từng môn học theo hướng tinh gọn, dễ hiểu, sau đó photo ra nhiều bản. Mỗi tuần 2 lần, các thầy cô mang phiếu bài tập, bài giảng đến từng nhà học sinh để các em học, làm bài. “Công việc này thật sự vất vả cho thầy cô, đồng thời tốn kém giấy, mực in của nhà trường, nhưng đây là phương án tối ưu hiện nay của trường”, thầy Thông nói. 
Thầy Cao Xuân Ngọc, giáo viên dạy Âm nhạc - Mỹ thuật, Trường tiểu học và THCS Phước Tân, cho biết: “Để đi phát bài cho học sinh, mỗi giáo viên phụ trách một thôn, mỗi lần đi phát là kết hợp phát tất cả môn học cho các em. Mỗi tuần, vào ngày thứ ba, chúng tôi đi phát bài cho các em học, làm bài tập, đến thứ năm tiếp tục đi phát bài mới và thu lại bài cũ. Tuần đầu đi phát có em đi theo ba mẹ lên rẫy, có em đi chăn bò nên chúng tôi không thể gửi bài được, phải chờ đến chiều tối, các em về nhà thì mình mới phát bài và hướng dẫn các em học, làm bài; đồng thời thông báo lịch nhận bài hôm sau để các em ở nhà. Sau một tuần, các em đã quen với việc tự học, làm bài tại nhà”. 
Việc dạy học linh hoạt được tất cả trường học ở huyện Sông Hinh áp dụng. Theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sông Hinh Nguyễn Thanh Lam, toàn huyện có 11.072 học sinh, trong đó khối tiểu học 5.809 em, THCS có 3.207 em và mầm non có 2.056 em. Hiện đa phần các trường áp dụng dạy học linh hoạt bằng cách photo bài giảng, bài tập gửi đến từng nhà cho học sinh học. Việc dạy học linh hoạt là tạm thời, khi nào các em đến trường học trực tiếp, các trường sẽ tổ chức ôn tập kiến thức để các em nắm bài. 
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ, qua khảo sát, đánh giá việc tổ chức dạy học trực tuyến tại các trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, cấp THCS hiện có 37.136/53.410 gia đình sử dụng internet và 38.506/53.410 gia đình có thiết bị cho con em học trực tuyến. Cấp THPT có 26.482/30.394 gia đình sử dụng internet, 26.499/30.394 gia đình có thiết bị cho con em học trực tuyến. Việc học trực tuyến thống nhất trong toàn ngành sử dụng phần mềm Microsoft Team. Đối với bậc tiểu học, việc học trực tuyến còn rất hạn chế, chủ yếu dạy học linh hoạt, thầy cô phối hợp với phụ huynh hướng dẫn chủ yếu hai môn Toán, Tiếng Việt cho các em học.
Việc dạy học trực tuyến hay dạy học linh hoạt chỉ là phương án trong thời gian dịch bệnh chưa được kiểm soát. Khi các em đến trường học trở lại, giáo viên phải tổ chức ôn tập toàn bộ các bài học cho học sinh. 
Ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GD-ĐT
TRUNG HIẾU


 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 14
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 275.459
account_box Trong năm: 24.082
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.402