Mong ước của ông là để cho bà con buôn làng, cho thế hệ sau này tự hào về dân tộc mình có một kho tàng văn hóa
Mong ước của ông là để cho bà con buôn làng, cho thế hệ sau này tự hào về dân tộc mình có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc. Đó là ý nguyện cháy bỏng của ông Ka Sô Liễng (sinh năm 1936) dân tộc Chăm H’roi, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Phú Yên. Bằng tình yêu của mình ông đã sưu tầm, biên soạn những bản trường ca của các dân tộc Êđê, Chăm H’roi, Ba Na… Đây là di sản quí báu mà ông cha đã lưu truyền hàng trăm năm nay, luôn có một sức hấp đẫn, độc đáo riêng.
Hiện nay, ông Ka Sô Liễng ở buôn Ma Giỏ, thôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa ( Phú yên ). Nhà của ông nằm bên QL 25, trên một khu vườn rộng xấp xỉ 2 ha, có các loại cây ăn quả như xoài, mít, chuối, gần 4.000 cây xà cừ, keo lai và 100 mét vuông hồ nuôi cá nước ngọt với vài trăm con cá bống tượng, cá bống đầu bằng. Ông Ka Sô Liễng cho biết: “Sau khi tái lập tỉnh tháng 7 năm 1989 tôi được bổ nhiệm Phó Gíam đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Phú Yên, năm 1998 tôi đến tuổi nghỉ hưu. Sau đó tôi trở về lại núi rừng nơi mình đã cất tiếng khóc chào đời, vui thú cảnh điền viên. Và tôi mong muốn sẽ truyền lại những gì mình hiểu biết, để giúp cho bà con buôn làng đổi mới phương thức trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói giảm nghèo “.
Từ khi ông Ka Sô Liễng về đây sinh sống, khai hoang phục hóa, lập vườn cây ăn quả, lập vườn rừng… bà con học tập làm theo ông, đối với họ đây là mô hình nông nghiệp mới, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu. Nhiều hộ trước đây thiếu trước, hụt sau như Ma Blung, Mí Lang, Ma Dần nay đã vươn lên thoát dần sự túng thiếu. Ông Nay Khang – Phó Bí thư Đảng ủy xã Ea Chà Rang ( Sơn Hòa, Phú Yên ) cho chúng tôi biết như vậy. Không chỉ hướng dẫn cho bà con ở địa phương, mà ông Ka Sô Liễng còn đến tận vùng sâu, vùng xa xã Phước Tân ( Sơn Hòa ) “ cầm tay, chỉ việc “ cho các hộ Ma Lụt, Ma Đen, Ma Dĩnh trồng mía, gieo sạ lúa nước. Và hướng dẫn cho bà con ở buôn Suối Đá, Gia Trụ, xã Phước Tân ăn ở hợp vệ sinh, chuồng trâu, bò cất xa nhà. Già làng Ma Y ở xã Phước Tân nói về ông Ka Sô Liễng “ Oi ( ông ) Liễng hiền như cục đất, thương người như gà ấp trứng “ .
Ông Ka Sô Liễng tiếp chúng tôi thân thiện, chân tình, ngồi trên bộ phản làm bằng gỗ hương, đặt bên cửa sổ trông ra vườn cây ăn quả, gió từ con suối thổi lên làm dịu đi cái nắng đầu mùa hè. Uống vài tách trà rồi ông tâm sự với chúng tôi “Nguyên tôi là bộ đội Trung Đoàn 84 miền Tây Phú Yên, năm 1954 tôi được tập kết ra miền Bắc. Ở đơn vị tôi thường tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thấy tôi có “máu nghệ sĩ”, nên đơn vị cho tôi đi học tại Trường lý luận nghiệp vụ văn hóa Hà Nội, năm 1963 tốt nghiệp, tôi về công tác tại Ty Văn hóa Thông tin Quảng Ninh. Năm 1970 tôi thi đậu khoa đạo diễn Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, sau khi tốt nghiệp tôi ở lại trường này dạy văn hóa quần chúng và mỹ học. Một thời gian sau tôi trở về Nam công tác tại Đoàn văn công tổng hợp Ban Tuyên huấn Khu 5, với nhiệm vụ xây dựng trường văn hóa nghệ thuật Khu 5, tại căn cứ Đăk My, tỉnh Quảng Nam. Năm 1979, tôi chuyển về công tác tại tỉnh Phú Khánh ( Phú Yên – Khánh Hòa sáp nhập ), làm Trưởng đoàn dân ca kịch, cải lương kiêm đạo diễn. Trong 10 năm tôi dàn dựng gần 30 vở diễn như dân ca kịch bài chòi, cải lương, trong đó có nhiều vở được tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu khu vực toàn quốc như Hoa Plang, Rừng hận, A Nàng, Núi rừng thầm lặng… Các vở diễn được Hội đồng nghệ thuật nhận xét nội dung phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, đoàn đi biểu diễn ở các huyện được khán giả nồng nhiệt tán thưởng”.
Đã từ nhiều năm qua, ông Ka Sô Liễng luôn ấp ủ, trăn trở làm sao sống dậy những bản trường ca của các dân tộc Êđê, Chăm H’roi, Ba Na. Hiện nay, các huyện miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Yên, còn nhiều nghệ nhân dân gian có vốn sử thi vô cùng phong phú. Nhưng nay tuổi đã cao, một ngày nào đó họ sẽ về bên kia phía mặt trời lặn, về cõi mang lung, từ giả hẳn làng buôn, đem theo những bộ sử thi về với tổ tiên ông bà thật tiếc vô cùng. Từ những nghĩ suy ấy, ông Ka Sô Liễng đã cất công lặn lội về các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân và các buôn làng ở Tây Nguyên giáp ranh với Phú Yên, tìm các nghệ nhân kể khan để ghi chép những bản trường ca. Từ năm 1995 đến nay, ông đã có các tác phẩm đều đạt giải thưởng cao từ tỉnh đến Trung ương như trường ca : Xinh Chi Ôn, Giàng H’Lăk xấu bụng, Tìm lại chị em Jông Uốt, Anh em lạc nhau, Chi Pơ Nâm, Chăm Chi Lo Kok, Chi Đê … Trong cùng một năm 1999 ông gửi cho Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam những trường ca: Tiếng cồng ông bà Hbia LơĐă, H’bia Tơ Lúi, Ka Li Pu. Và gửi về Hội văn nghệ dân tộc thiểu số Việt Nam trường ca Anh em Chi BLơng, đều là những bản trường ca cổ Bâhnar Chăm Hroaih, mỗi tập dày hơn 300 trang, nếu tính cả tiếng dân tộc Chăm H’roi và tiếng phổ thông thì dày tới 700 trang/cuốn. Những bản trường ca đã khơi dậy tình yêu đồng bào, mái nhà sàn, ngọn núi, cái rẫy. Nếu ai có dịp về các xã Ea Trôn, Ea Bia (Sông Hinh), Xã Suối Trai, Krông Pa (Sơn Hòa) nghe các nghệ nhân kể khan thì hẳn sẽ không quên được cái ấn tượng của những đêm ở các buôn làng khi bếp lửa bập bùng và bên ché rượu cần giữa nhà sàn thơm nồng men rừng, nghệ nhân ngồi giữa gian nhà chính kể sử thi và xung quanh từ con cháu đến người cao tuổi ngồi nghe như nuốt từng lời, như hòa vào cái không gian huyền ảo, lung linh, lặng thầm cuộc sống. Trường ca (hát khan) là một câu chuyện kể tự sự khá dài, phản ảnh nhiều nội dung. Người hát khan tùy theo nội dung của từng chương, từng đoạn mà sử dụng những làn điệu thích hợp để diễn xướng. Những đoạn cao trào, sôi động thì hát điệu kanak, đoạn trữ tình thì hát điệu kza, đoạn đau thương, buồn tuổi thì hát điệu hari, đoạn não nùng đến rơi lệ thì hát điệu chok.
Một tác phẩm của Ka Sô Liễng - Ảnh: Lê Kha
Ông Ka Sô Liễng trao đổi với chúng tôi: “Trường ca Tiếng cồng ông bà Hbia LơĐă của xã Phước Tân (Sơn Hòa), có nhiều người biết lưu truyền rộng rãi trong dân tộc Chăm H’roi và dân tộc Ba Na, truyền cả dân tộc Ê đê vùng lân cận; nhưng mọi nơi kể khác nhau. Tập trường ca này tôi ghi từ ông Ây Săng ở làng Ma Hóa xã Phước Tân kể. Trường ca có nội dung: Ở làng ông bà Hbia LơĐă có một bộ chinh xưa do tổ tiên dòng tộc Chăm H’roi để lại cho đời con cháu. Sau này bộ chinh ấy được ông bà đưa cho vợ chồng Chi Lơ Kok và Hbia LơĐă giữ gìn. Bộ chinh đánh lên, nó vang đi xa, nó bay theo gió lồng vào mây, âm thanh của nó bò đi khắp lưng đất, len vào các làng”. Ông Ka Sô Liễng kể cho chúng tôi nghe một đoạn trường ca Tiếng cồng ông bà Hbia LơĐă “Tiếng cồng tiếng trống, tiếng ching/ Rầm rập ngày nối ngày/ Đêm liền đêm như sấm rền như thác đổ/ Tiếng cồng tiếng ching bay thẳng lẫn vào mây/ Lên cao trộn vào mây đen mây trắng/ Gặp gió đi qua, gió dẫn đến làng ông bà trời/ Tiếng cồng, tiếng ching làng cha mẹ Hbia LơĐă/ Đi thẳng vào nhà ông bà trời đang ngủ say/ Lạy ông bà trời thức dậy/ Tiếng cồng Hbia LơĐă ăn mừng lúa mới/ Họ đánh cồng, đánh ching/ Gọi hồn lúa, hồn bắp về nhà…”.
Hiện nay ông Ka Sô Liễng đang biên soạn trường ca Chi Lới. Trường ca này nói về chàng trai Chi Lới dân tộc Chăm H’roi sinh sống bên bờ sông T’Lúi đất đai trù phú, dân làng no đủ. Chàng là người tài giỏi, sức lực hơn người. Tiếng hú của Chi Lới truyền xa hơn 5 rựa (khoảng 5km), có thể làm vang động cả núi rừng đại ngàn, đến nỗi con cọp, con beo cũng phải cong đuôi chạy trốn trong rừng sâu, núi cao, con thỏ, con chồn phải chui vào bọng cây, đàn chim đang mãi mê tìm thức ăn ở đồng cỏ, bãi tranh phải táo tác bay vụt lên ngọn cây cao. Nhưng dần dần tiếng hú ấy ngày càng trở nên thân thuộc, bởi nó không đe dọa đến bất kỳ một con vật bé nhỏ nào, mà ngược lại còn giúp cho mọi loài thú trở nên gần gũi, thân thiện nhau hơn, không còn xảy ra cảnh cắn xé, tranh giành lãnh địa như trước kia, chung sống cùng một đàn, uống nước chung cùng dòng suối. Chi Lới có tài nghệ phóng lao diệt trừ hổ báo, khuân tảng đá bằng mái nhà ném xuống con suối, chàng trai này có sức mạnh vô thường, một mình nắm hai con voi cao to như núi đứng yên. Nhờ Chi Lới mà thú dữ được cảm hóa không bao giờ đến phá hoại hoa màu, đêm đêm không còn con beo, con cà đỗ rình bắt con gà, con heo của bà con làng buôn, các bộ tộc khác không bao giờ dám gây hấn tranh chiếm đất đai, rừng núi. Đến nay trường ca Chi Lới vẫn được truyền tụng khắp các buôn làng huyện Sơn Hòa, Đồng Xuân ( Phú Yên ) và các vùng Ea Ré, Chư Ngọc, Đất Bằng, và ngược dòng sông Ae Blá huyện Krông Pa ( Gia Lai ).
Ông Nay Y Blung – Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: “Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng là cán bộ lãnh đạo Sở Văn hóa Thông tin Phú Yên, tuy đã về hưu nhưng ông rất tâm huyết, say mê về công tác sưu tầm, biên dịch văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm vừa qua, ông đã biên soạn một số trường ca như Chi Liêu, Anh em Chi Blơng, Xinh Chi Ôn… cuốn nào cũng dày trên 700 trang. Nhờ đó mà mà đồng bào dân tộc thiểu số biết được họ có một di sản văn hóa dân gian vô cùng giá trị. Những trường ca mà ông Ka Sô Liễng sưu tầm được có tính giáo dục rất cao về truyền thống đoàn kết, chung tay xây dựng và bảo vệ buôn làng, phát huy và nêu cao tinh thần tình nghĩa đồng bào… Đây chính là tài sản vô giá của vùng đất miền núi tỉnh Phú Yên “.
Nhà văn Y Điêng trao đổi với chúng tôi :” Trường ca của các đồng bào dân tộc thiểu số là một bản anh hùng ca hùng tráng nhất là viên ngọc quí văn học dân gian của một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất để sinh tồn và phát triển. Trường ca của Tây Nguyên nói chung, và nói riêng của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên đã góp phần làm nên diện mạo của các dân tộc giàu bản sắc văn hóa ở một vùng đất huyền thoại nhiều tiềm năng. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng trong thời gian qua không quản ngại gian lao, canh cánh thức những đêm dài cùng với những người kể sử thi để sưu tầm, hệ thống, biên soạn các trường ca là việc làm hết sức có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Ông đã dày công kiếm tìm một số tác phẩm trường ca của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Yên với nguồn văn hóa dân gian phong phú kho tàng sử thi đồ sộ, vốn quí văn hóa dân tộc” ■
Trần Lê Kha