Bình Kiến là xã ngoại ô thành phố Tuy Hòa, có 04 thôn, gồm: Thôn Liên Trì I, Liên Trì II, Phú Vang và Thượng Phú
Bình Kiến là xã ngoại ô thành phố Tuy Hòa, có 04 thôn, gồm: Thôn Liên Trì I, Liên Trì II, Phú Vang và Thượng Phú. Tổng diện tích tự nhiên: 12,72 km2, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp 789,88 ha, đất phi nông nghiệp 374,95 ha, đất chưa sử dụng 107,20 ha. Địa hình có dạng xen kẽ giữa đồng bằng, đồi núi và cồn cát ven biển, trên địa bàn có núi Chóp Chài cao 391 m, khu đồng ruộng nằm ở phía Tây bắc, địa hình thấp trũng, cao độ từ - 2 m đến 0,7 m, thấp nhất là xứ đồng Bầu Cả; xứ đồng Liên Trì nằm về phía Đông của xã, kéo dài theo hướng Đông Nam, địa hình thấp, cao độ từ - 0,2 m đến 1,5 m. Toàn xã có 2.294 hộ với 8.294 nhân khẩu, trong đó 50% lao động là nông nghiệp.
Là xã có xuất phát điểm thấp, tình trạng sản xuất tự phát, quy mô nhỏ, thủ công, manh mún nên chất lượng, hiệu quả sản xuất còn thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, môi trường cảnh quan chưa đạt yêu cầu, hạ tầng, thiết chế văn hóa còn thiếu, yếu …
Trước thực trạng trên, để thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Xây dựng Nông thôn mới, Ban Phát triển Xây dựng Nông thôn mới ở 4 thôn. Trong đó; Ban Chỉ đạo có 26 thành viên do đ/c Bí thư Đảng uỷ làm Trưởng Ban; Ban Quản lý có 25 thành viên, đ/c Chủ tịch UBND Xã làm Trưởng Ban; Ban Phát triển Nông thôn mới ở 4 thôn, đ/c Trưởng thôn làm Trưởng Ban. Tổ chức họp, phân công các thành viên BCĐ, BQL xây dựng NTM phụ trách địa bàn thôn để đôn đốc triển khai thực hiện hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra. Phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tổ chức lễ ký kết giao ước thi đua “ Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới ” giữa các ban, ngành, đoàn thể, các thôn giai đoạn 2011 - 2015. Tập trung công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia, làm là để cho chính bản thân mình và cho con cháu mai sau. Đài Truyền thanh Xã tăng cường thời lượng tuyên truyền chương trình xây dựng nông thôn mới: 03 buổi/tuần gắn với cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ”, phong trào đã được nhân dân đồng lòng hưởng ứng mạnh mẽ.
Các ban, ngành, đoàn thể phấn đấu chung tay thực hiện nhiều công trình đạt kết quả tốt, bà con nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình trong việc xây dựng bê tông giao thông nông thôn. Các công trình này chủ yếu do người dân tự tổ chức thi công ( tuyến đường ở thôn nào thì dân cư ở thôn đó làm ). Các tuyến đường dài, chiều rộng dưới 2,5m và số hộ dân ít thì UBND Xã, các hội đoàn thể vận động hội viên và nhân dân hiến đất, tự phá bỏ hàng rào, cây xanh, cây ăn quả, các đoàn viên, thanh niên ủng hộ đóng góp ngày công để đảm bảo thi công đúng lộ trình và chất lượng công trình.
Đến nay toàn bộ trục giao thông thôn, xã đã được xây dựng khang trang, sạch, đẹp, không còn bị lầy lội như trước, cụ thể:
- Đường trục xã, liên xã đã thực hiện bê tông hóa là 6/6 km, đạt 100% ( các tuyến đã được cứng hóa gồm: 0,7 km đoạn đường Phú Vang đi Thọ Vức, 4 km đoạn đường Phú Vang đi Thượng Phú, tuyến đường Mậu thân thuộc xã Bình Kiến 1,3 km ).
- Đã xây dựng đường trục thôn, xóm được cứng hóa là 20,383/20,856 km, đạt 97,73 %.
- Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa: Đạt 100%.
- Đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện 7,681/7,681 km, đạt 100%.
Mô hình Kinh tế vườn ở xã Bình Kiến - Ảnh: Văn Vũ
Cùng với hoàn chỉnh hệ thống giao thông nông thôn thì phong trào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển sản xuất, định hướng chuyên canh lúa chất lượng kết hợp phát triển tổng hợp dịch vụ ngành nghề để phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn cũng được người dân đặc biệt quan tâm hưởng ứng.
Trong nhũng năm qua, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Phú Yên, Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính TP, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ Tỉnh, Trung tâm Dạy nghề Hội nông dân Tỉnh, Trạm Khuyến nông Khuyến ngư TP Tuy Hòa, UBND xã Bình Kiến, các Hợp tác xã ( HTX ) đã tích cực vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất vì đây chính là nền tảng để xây dựng thành công nông thôn mới, tiêu biểu như đã tổ chức các lớp tập huấn: Kỹ thuật sản xuất lúa giống, kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng, kỹ thuật phòng trừ chuột gây hại, phòng trừ sâu, bệnh hại rau, hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo, bò cái sinh sản, kỹ thuật trồng hoa cây cảnh, kỹ thuật trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật trồng nấm Linh chi, nấm Bào ngư … Sau các lớp tập huấn đã thực hiện nhiều mô hình khuyến nông để người dân trong vùng học tập làm theo, tiêu biểu như: Mô hình sản xuất lúa giống cấp xác nhận, mô hình cánh đồng mẫu lớn lúa chất lượng, mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, mô hình trồng rau sạch theo hướng GAP, mô hình trồng hoa cây cảnh, mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm đảm bảo an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm …
Trong năm qua, tổng diện tích gieo trồng lúa 2 vụ: 526 ha, đạt 100% kế hoạch, 100% so năm trước, năng suất bình quân 79,5 tạ/ha/vụ, đạt 112% kế hoạch, tăng 8,8 tạ/ha so năm trước; diện tích hoa màu các loại 166 ha, đạt 100% kế hoạch, 100% so năm trước, thu nhập bình quân 45 triệu đồng/ha/năm, đạt 112,5% kế hoạch, tăng 4,5% so năm trước; diện tích trồng hoa cây cảnh 40 ha, đạt 133% kế hoạch, 133% so năm trước, thu nhập bình quân 180 triệu đồng/ha/năm, đạt 138 % kế hoạch, tăng 13% so năm trước; trồng cây phân tán: 30.000 cây, đạt 100% kế hoạch, 100% so năm trước. Đàn gia súc, gia cầm: 33.170 con ( trong đó, đàn bò: 1.420 con, heo: 1.750 con. gia cầm: 30.000 con ) phát triển bình thường không bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt cao: 24.596.000 đồng/ năm, cá biệt có nhiều hộ sản xuất giỏi thu nhập rất cao, tiêu biểu như: Hộ Lê Văn Hưng thôn Liên Trì II, chuyên trồng “ mai ”, thu nhập 500 triệu đồng/năm; hộ Trần Văn Chín thôn Phú Vang, chuyên trồng “ quất ”, thu nhập 550 triệu đồng/năm; hộ Trương Chí Hạnh thôn Liên Trì II, chuyên trồng “ mai ”, thu nhập 400 triệu đồng/năm; hộ Nguyễn Thành Thuận thôn Liên Trì II, chuyên trồng “ mai ”, thu nhập 500 triệu đồng/năm; hộ Nguyễn Đông Thà thôn Liên Trì II, chuyên trồng “ mai, quất ”, thu nhập 300 triệu đồng/năm ...
Sự hoàn chỉnh của hệ thống giao thông, thủy lợi đã hỗ trợ tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, việc vận chuyển, trao đổi, mua bán sản phẩm cũng thuận lợi hơn. Sự đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng các dịch vụ ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thành phố đã giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Ông Đỗ Ẩn – Phó Chủ tịch UBND Xã cho biết: Đạt được 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới như ngày hôm nay đã tạo nên một diện mạo nông thôn tươi đẹp, sản xuất dịch vụ dần dần mang dáng dấp của một thành phố nông nghiệp. Nhưng để giữ vững, ngày càng nâng cao mức độ hoàn thành các tiêu chí đòi hỏi sự quan tâm giúp đỡ của chính quyến các cấp: Tỉnh, thành phố … sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn: Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Tỉnh, Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính TP, Trạm Khuyến nông Khuyến ngư TP Tuy Hòa …, sự nỗ lực, chung sức chung lòng của bà con nhân dân thì mới phát triển hiệu quả, bền vững chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng Bình Kiến ngày càng giàu đẹp, văn minh, trở thành điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở Phú Yên ■
KS. Huỳnh Văn Vũ