Tiến sỹ Đào Nhật Kim, một trí thức có nhiều đóng góp cho ngành khoa học lịch sử

Cập nhật lúc:   11:29:23 - 27/09/2017 Số lượt xem:   1638 Người đăng:   Administrator
Tiến sĩ Đào Nhật Kim Tiến sĩ Đào Nhật Kim
Hơn 20 năm giảng dạy và gắn bó với nghề giáo, “bộ sưu tập” của cá nhân TS Đào Nhật Kim -Trưởng phòng
Hơn 20 năm giảng dạy và gắn bó với nghề giáo, “bộ sưu tập” của cá nhân TS Đào Nhật Kim - Trưởng phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Phú Yên ngày một dày thêm với nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố. Chặng đường để đến với những công trình nghiên cứu như ngày hôm nay không dễ dàng chút nào, và cũng không phải “một sớm một chiều” có được. Ông đã lặng lẽ nghiên cứu, sáng tạo, từ những bài báo khoa học, những công trình nghiên cứu nhỏ, rồi đến lúc góp lại trở thành những đóng góp lớn cho ngành Sử học nước nhà. 

Ước mơ từ những ngày thơ ấu
 
Sinh ra và lớn lên tại xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, như bao đứa trẻ nông thôn khác, tuổi thơ của TS Đào Nhật Kim gắn liền với những công việc đồng áng để giúp đỡ gia đình như chăn bò, cắt cỏ, làm ruộng cùng các anh, chị em trong gia đình. Nhà đông anh em, có tới 8 người con, kinh tế gia đình không khá giả, nhưng cha mẹ ông vẫn cố gắng cho con đi học đến nơi đến chốn.
 
Dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nhưng ông vẫn học giỏi; niềm đam mê học tập và yêu thích bộ môn lịch sử từ thuở nhỏ như được nhân lên khi ông đỗ vào trường Đại học Quy Nhơn, chuyên ngành Lịch sử. Tốt nghiệp đại học năm 1993, ông được phân công giảng dạy môn Lịch sử tại trường cấp 2-3 Sơn Hòa, Phú Yên. Trong quá trình giảng dạy, ông luôn trăn trở làm thế nào để giúp các em hứng thú trong học tập? Từ ý nghĩ đó, cộng vốn kiến thức được học và lòng nhiệt huyết của một giáo viên trẻ, ông đã tìm tòi, sáng tạo những phương pháp dạy học tối ưu nhất để cung cấp tri thức, truyền cho các em niềm đam mê yêu thích môn Lịch sử. Với sự nỗ lực của mình, ông luôn được đồng nghiệp đánh giá cao và các em học sinh rất mực yêu quý, kính trọng.
 
Từ năm 1997 đến nay, ông trở thành giảng viên Lịch sử trường Đại học Phú Yên. Ông bảo vệ luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử năm 2004 và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ năm 2010 tại Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Với niềm đam mê ngày càng lớn đối với bộ môn Lịch sử, Tiến sỹ Đào Nhật Kim đã dành rất nhiều thời gian, công sức thâm nhập thực tế tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa miền đất Phú Yên; và ông đã trở thành nhà nghiên cứu lịch sử với nhiều công trình được xuất bản có giá trị lớn về khoa học và thực tiễn.
 
Mối lương duyên với nghiên cứu khoa học
 
Kể về mối lương duyên với nghiên cứu khoa học, TS Đào Nhật Kim nhớ lại lời của một người Thầy đã khuyên: “Muốn trở thành nhà nghiên cứu lịch sử thì cậu phải đi vào trong nhân dân, hãy đào xới những cứ liệu đã bị thời gian chôn vùi trong đó để thức tỉnh, làm cho nó sống lại. Nhà nghiên cứu không phải lúc nào cũng vùi đầu trong thư viện, kho lưu trữ mà phải đi điền dã, sục tìm trong dân gian. Có như vậy, những tư liệu lịch sử cậu tìm được, những phát hiện mới được công bố chính là đóng góp lớn lao của cậu cho lịch sử nước nhà”. Lời chỉ bảo của vị Giáo sư hướng dẫn Luận án Tiến sĩ đã cho ông thấy giá trị của thực tế trong nghiên cứu Lịch sử và coi đó như là phương pháp, hướng đi cho cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình. Bên cạnh việc nghiên cứu lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, TS Đào Nhật Kim còn chú trọng mảng nghiên cứu về văn hóa, danh nhân. Bởi để hiểu sâu sắc và thấu đáo lịch sử của một vùng đất thì nhà nghiên cứu phải nắm rõ về văn hóa, phong tục tập quán cùng con người nơi đó. Có như vậy, nhà nghiên cứu lịch sử mới làm sáng tỏ những nội dung của quá khứ, từ đó có những góp ý cho cuộc sống thực tại và tương lai.
 
Trong các bài giảng, các công trình khảo cứu, TS Đào Nhật Kim luôn trăn trở với việc bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử dân tộc. Với ông, việc nghiên cứu khoa học sẽ đánh thức những giá trị lịch sử và làm cho bài giảng thêm sinh động; nghiên cứu khoa học còn là để truyền cảm hứng, sự đam mê nghiên cứu cho sinh viên. Nghiên cứu khoa học còn giúp ông tự trau dồi, nâng cao kiến thức, làm phong phú về vốn sống, góp phần nâng cao bản lĩnh khoa học cho bản thân. Và quan trọng hơn, nghiên cứu khoa học chính là một niềm đam mê cháy bỏng trong ông, góp phần làm đẹp và tự hào về lịch sử, văn hóa vùng đất nơi ông đang sống.
 
Trong những năm qua, TS. Đào Nhật Kim đã có nhiều đóng góp quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học lịch sử. Ông đã tích cực tham gia nghiên cứu hơn 15 công trình khoa học các cấp. Ông là thành viên nghiên cứu của nhiều đề tài khoa học cấp Tỉnh đã được xuất bản, như đề tài “Lịch sử chính quyền nhân dân tỉnh Phú Yên”, “Làng, buôn, plei cổ ở Phú Yên”, “Lịch sử huyện Phú Hòa”; “Lịch sử dân vận tỉnh Phú Yên”, “Lịch sử xã Hòa Xuân”, “Lịch sử xã Hòa Mỹ”…. TS Đào Nhật Kim còn là chủ nhiệm đề tài cấp Tỉnh “Nhân vật chí Phú Yên” và các đề tài cấp ngành như “Lịch sử xã Hòa Trị”, “Lịch sử xã Bình Ngọc”,…
 
Ngoài ra, ông cũng đã công bố hơn 50 bài báo được đăng tải trên nhiều tờ báo, tạp chí khác nhau như Báo Phú Yên, Tạp chí Khoa học của Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, tạp chí Xưa và Nay của Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử của Viện sử học Việt Nam, Tạp chí Lịch sử Quân sự của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tạp chí Khoa học của trường Đại học Phú Yên, Tạp chí Trí thức Phú Yên của Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Phú Yên… và các Hội thảo khoa học khác.
 
Những công trình nghiên cứu tiêu biểu
 
Tiêu biểu trong số những công trình nghiên cứu thành công của TS Đào Nhật Kim có thể kể đến Luận án Tiến sĩ Phong trào Cần Vương Phú Yên (1885-1892). Nội dung Luận án phản ánh phong trào đấu tranh của nhân dân Phú Yên hưởng ứng lời kêu gọi Cần Vương của vua Hàm Nghi đứng lên chống  thực dân Pháp xâm lược và chính quyền Nam triều tay sai kéo dài từ năm 1885 đến năm 1892. Dưới sự lãnh đạo của hai thủ lĩnh là Lê Thành Phương và Nguyễn Bá Sự, phong trào Cần Vương ở Phú Yên phát triển mạnh mẽ; nghĩa quân không chỉ lật đổ chính quyền tay sai thân Pháp trong tỉnh, mà còn hỗ trợ cho phong trào các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận nổi dậy làm chủ tỉnh thành. Do đó, Phú Yên trở thành trung tâm kháng chiến mạnh mẽ nhất của phong trào chống Pháp ở Nam Trung kỳ lúc bấy giờ.
 
Luận án khắc họa sâu sắc hình ảnh nghĩa quân Cần Vương Phú Yên chiến đấu dũng cảm, gan dạ và mưu trí trong cuộc đối đầu không cân sức với quân Pháp xâm lược và đội quân tay sai khét tiếng tàn bạo do Trần Bá Lộc chỉ huy đàn áp. Các thủ lĩnh Lê Thành Phương và Nguyễn Bá Sự khi rơi vào tay giặc đã khẳng khái nhận lấy cái chết để giữ vững khí tiết của người nghĩa quân.
 
Luận án cũng làm rõ đặc điểm nổi bật của phong trào Cần Vương Phú là tồn tại trong thời gian khá dài so với các tỉnh khác ở Nam Trung kỳ. Nếu như phong trào Cần Vương các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận chỉ tồn tại đến năm 1887 thì tan rã trước sự đàn áp của kẻ thù, còn ở Phú Yên cuộc chiến đấu kéo dài đến năm 1892 mới kết thúc. Sự tồn tại kéo dài của phong trào Cần Vương ở Phú Yên góp phần làm chậm quá trình “bình định” của thực dân Pháp, gây khó khăn cho chúng trong việc thiết lập chính quyền cai trị và triển khai chính sách khai thác ở Phú Yên và các tỉnh Nam Trung kỳ. Thắng lợi của phong trào Cần Vương Phú Yên còn góp phần đập tan âm mưu của giới thực dân hiếu chiến Pháp muốn sáp nhập các tỉnh Nam Trung kỳ (Bình-Phú-Khánh-Thuận) vào Nam kỳ trực trị.
 
Công trình Đào Tấn Ngoạn-Kôn Meo -Ama Lộc, từ quê lúa Tuy Hòa đến đại ngàn Trường Sơn là tập ký chân dung viết về đồng chí Đào Tấn Ngoạn có bí danh là Ama Lộc, Kôn Meo do ông chủ biên, được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản năm 2013. Để hoàn thành tập sách này, tác giả phải làm việc với hàng chục cơ quan, tổ chức, gặp gỡ gần 100 người từng là đồng chí, đồng đội của Đào Tấn Ngoạn để tìm kiếm tư liệu, tái hiện về cuộc đời chiến đấu của ông trải rộng từ Tuy Hòa đến Đắc Lắc, Huế-Trị Thiên, Quảng Nam; xuyên suốt từ 1945-1980, khi ông nghỉ hưu và từ nghỉ hưu đến lúc ông mất (2001). Phải nói là việc sưu tầm điền dã gần 1 năm, không chỉ tìm kiếm tư liệu trong lưu trữ mà còn đến các buôn làng xa xôi hẻo lánh của núi rừng Tây Nguyên, gặp gỡ các già làng trưởng bản để ghi chép tư liệu, hoàn thành tập sách.
 
Công trình “Địa đạo Gò Thì Thùng – vùng đất thép của nhân dân Phú Yên thời chống Mỹ” được in trong tập sách Việt Nam 1954-2005 (21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và 30 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc) của Nhà xuất bản Giáo dục. Nội dung công trình tái hiện địa đạo Gò Thì Thùng của nhân dân Phú Yên được đào trong những năm thập kỷ 1960. Tại đây vào tháng 6 năm 1966, quân dân Phú Yên đã tổ chức chiến đấu chống lại các cuộc càn quét của quân đội Mỹ trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Công trình được công bố tại Hội thảo khoa học tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh năm 2005, sau đó được xuất bản trong tập sách nói trên là lần công bố đầu tiên được cả nước biết đến địa đạo độc đáo tại Phú Yên. Để có tư liệu, tác giả đã đến thực địa tại công trình địa đạo, chui xuống lòng địa đạo, vạch tìm từng ngóc ngách địa đạo để cảm nhận “hơi thở, sự ác liệt của cuộc chiến đấu” của quân dân Phú Yên trong lòng địa đạo cách đây gần 40 năm. Kỷ niệm nhớ nhất là lúc này địa đạo bị “bỏ hoang” nên cây cối um tùm, lối vào địa đạo chật hẹp, khi chui xuống còn suýt chút nữa bị rắn cắn. Ngày nay địa đạo đã được tu sửa cho du khách đến tham quan và được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.
 
Bài viết “Võ Trứ và cuộc khởi nghĩa năm Canh Tý (1900) ở Phú Yên” đăng trên Tạp chí Lịch sử Quân sự, Tạp chí Khoa học của Trường Đại học Phú Yên được tác giả sử dụng các nguồn tư liệu mới nhất từ các kho lưu trữ quốc gia, tư liệu thư tịch Hán-Nôm từ châu bản triều Nguyễn, tư liệu gia phả, tư liệu điền dã trong dân gian để tái hiện một cách sinh động và trung thực nhất về cuộc khởi nghĩa Võ Trứ năm 1900 ở Phú Yên. Cuộc khởi nghĩa Võ Trứ bùng nổ năm 1900 ở Phú Yên đánh dấu phong trào yêu nước ở Việt Nam chuyển sang khuynh hướng mang màu sắc tôn giáo, đồng thời cuộc khởi nghĩa này là gạch nối của sự chuyển tiếp từ đấu tranh vũ trang cuối thế kỷ XIX sang cuộc đấu tranh dưới hình thức cải cách, duy tân theo hệ ý thức tư sản vào đầu thế kỷ XX ở Phú Yên nói riêng cũng như cả nước nói chung. Bài viết cung cấp nguồn tư liệu mới về cuộc khởi nghĩa Võ Trứ. Đóng góp lớn nhất của bài viết này về giá trị khoa học là đính chính một số sai sót của những nhà nghiên cứu trước về thời gian diễn ra cuộc khởi nghĩa, địa điểm, thành phần tham gia, qui mô cuộc khởi nghĩa, việc đàn áp của thực dân Pháp,…bằng những tư liệu mới, thuyết phục.
 
Các bài báo viết về di sản Hán Nôm như Di sản văn hóa Hán Nôm ở Phú Yên trong bối cảnh phát triển và hội nhập, Di sản văn hóa Hán-Nôm ở Phú Yên với việc bảo tồn và phát huy, Di sản Hán Nôm ở huyện Phú Hòa, Đình An Tịnh và các sắc phong thời Nguyễn, Đình Mỹ Thành và các đạo sắc phong Thành hoàng, Sắc phong đình làng Qui Hậu,... là những bài viết mà tác giả tâm huyết trước thực trạng di sản Hán Nôm trên địa bàn Phú Yên đang có nguy cơ bị mất mát, hư hỏng do các cơ quan chức năng chưa có giải pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy trong giai đoạn hiện nay.
 
Chia sẻ về quan điểm trong nghiên cứu khoa học, TS Đào Nhật Kim trải lòng: “ Nghiên cứu là niềm đam mê cháy bỏng của mình đối với khoa học. Trong nghiên cứu phải luôn tìm kiếm tư liệu để làm sáng tỏ thêm các vấn đề lịch sử, văn hóa của đất nước. Nhà nghiên cứu nếu lấp dần những “khoảng trống” ấy tức là đã đóng góp vào sự phát triển của khoa học cho đất nước và góp phần làm đẹp vùng đất mình đang sống”.
Ở độ tuổi 45, ông đã và đang say mê nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc, lịch sử địa phương bằng sự nhiệt tình, lòng say mê của mình. Chính lòng nhiệt huyết, ông đã làm sáng tỏ thêm những trang sử nước nhà. Một mùa xuân nữa lại về, mong rằng, trên bước đường nghiên cứu khoa học, Ông lại tiếp tục nghiên cứu thêm về lĩnh vực văn hóa, danh nhân như ông đã chia sẻ. Bởi với ông để hiểu sâu sắc, thấu đáo lịch sử của một vùng đất thì cần phải nắm rõ văn hóa, phong tục tập quán của con người nơi đó. Có như vậy, nhà nghiên cứu lịch sử như ông mới có thể làm sáng tỏ những nội dung của quá khứ, từ đó có những đóng góp cho cuộc sống thực tại và tương lai. Với những tâm huyết đó, người viết bài này luôn tin tưởng TS. Đào Nhật Kim sẽ có thêm những công trình nghiên cứu giá trị đóng góp cho khoa học và quê hương ■
GIANG HẠ
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 3
accessibility Hôm qua: 77
account_circle Trong tháng: 277.706
account_box Trong năm: 43.975
supervisor_account Tổng truy cập: 3.184.295