Quan điểm nghề nghiệp của ông rất giản dị: Là thầy thuốc thì phải nghĩ mọi cách để chữa bệnh
Quan điểm nghề nghiệp của ông rất giản dị: Là thầy thuốc thì phải nghĩ mọi cách để chữa bệnh cứu người và chia sẻ với cộng đồng. Chính vì vậy, cả cuộc đời y nghiệp của mình, ông sẵn sàng rẽ ngang sang lĩnh vực khác nếu nó hữu ích cho công việc chữa bệnh cứu người. Suy nghĩ ấy cùng với niềm đam mê khoa học, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Lê Bá Thính là đầu tàu trong công tác nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ công tác điều trị bệnh ở Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên. Vậy nhưng khi nói về mình, vị bác sĩ ở tuổi gần về hưu này hết sức giản dị, khiêm tốn: “Có gì nhiều đâu”!
Từ một bác sĩ tây y, ông quyết định học thêm đông y để vận hành cho được nguyên lý đông – tây y kết hợp mà điều trị những bệnh mà một trong hai ngành không thể chữa khỏi. Và rồi từ một người không hề biết một câu lệnh, thủ thuật lập trình về tin học ông đã tự học lấy để thiết kế những phần mềm đông y phục vụ cộng đồng. Bởi vậy, khi nói về ông, các đồng nghiệp luôn bày tỏ tình cảm và sự kính trọng, còn những bệnh nhân thì xem ông như người nhà bởi sự ân cần mỗi khi được ông thăm, khám chữa bệnh.
PHÚ YÊN – QUÊ HƯƠNG THỨ HAI
Lê Bá Thính Tốt nghiệp Y khoa Huế năm 1982, được tăng cường về Phú Khánh (Phú Yên-Khánh Hòa), làm bác sĩ điều trị tại Viện Điều dưỡng II của Bộ Lâm nghiệp đóng tại thị xã Tuy Hòa. Với nhiều người, việc phân bổ ấy là một sự thiệt thòi, nhưng Lê Bá Thính tâm niệm: “Đã là thầy thuốc thì ở đâu cũng chữa bệnh cứu người”. Từ giã đất cố đô Huế, bác sĩ Thính cùng vợ con vào làm con xứ Nẫu- quê hương thứ hai
Năm 1989 tách tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa, ông được điều về làm công tác Bệnh Y học cổ truyền Phú Yên. Từ bác sĩ tây y, bác sĩ Thính rẽ ngang sang đông y theo sự phân công và cũng là niềm đam mê của vị bác sĩ gốc Huế. Ít bác sĩ nào muốn chuyển từ tây y sang y học cổ truyền vì tâm lý xã hội luôn xem trọng tây y và bác sĩ tây y cũng dễ kiếm tiền hơn. Bác sĩ Lê Bá Thính thì không nghĩ vậy. Sau vài năm công tác, bác sĩ Lê Bá Thính nhận thấy còn nhiều hạn chế trong điều trị bệnh bằng tây y, nhất là với những căn bệnh mãn tính. Ông quyết định học tiếp chuyên ngành Y học cổ truyền. Như vậy, vừa có thể chữa trị đông – tây y kết hợp, vừa tận dụng nguồn dược liệu phong phú sẵn có và những bài thuốc cổ phương của cha ông để lại. Hơn thế, bác sĩ Lê Bá Thính được xuất thân trong một gia đình gia giáo, cha từng làm quan triều đình Huế, sau về ở ẩn làm thầy thuốc đông y, điều đó càng làm ông có “tình cảm đặc biệt” với Y học cổ truyền. Từ đây, ông say mê nghiên cứu những nguyên lý âm dương vận hành, những huyệt đạo, bài thuốc, cây thuốc...
Dù ở lĩnh vực nào, ông luôn là một thầy thuốc đầy trách nhiệm, thương yêu bệnh nhân. Khi đã là lãnh đạo bệnh viện, công tác quản lý khá bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian để làm chuyên môn. Ông xuống tận giường bệnh để thăm khám, và mỗi khi như vậy ông đều nhớ từng bệnh nhân. Với ông, những phần thưởng hay các danh hiệu thi đua chưa phải là quan trọng nhất, mà điều có ý nghĩa lớn nhất là được làm một thầy thuốc chân chính cứu người.
Và đã từ lâu, ông đã xem Phú Yên là quê hương thứ hai của mình sau mảnh đất cố đô lịch sử thân yêu đã sinh ra và nuôi dưỡng ông trưởng thành.
CÔNG TRÌNH KHOA HỌC “MADE IN LÊ BÁ THÍNH”
Đầu tiên phải kể đến công trình điều trị bệnh trĩ bằng phương pháp châm tê. Sau một thời gian ứng dụng lâm sàng, công trình của ông đã được ứng dụng một cách rộng rãi trong bệnh viện. Hay bài thuốc hữu hiệu trị rắn cắn của Bệnh viện Y học Cổ truyền Phú Yên được mọi người truyền tụng. Phương thuốc ấy là kết quả của sự mày mò nghiên cứu và thử nghiệm của bác sĩ Thính. Chưa hết, ông còn là đồng tác giả của nhiều nghiên cứu cho ra các biệt dược đông y điều trị tại bệnh viện đạt hiệu quả lâm sàng tốt, được Hội đồng khoa học cấp tỉnh, ngành đánh giá cao.
Không dừng lại, bác sĩ Lê Bá Thính tiếp tục có những ý tưởng táo bạo mà động lực duy nhất là phục vụ nhân dân. Đó là đưa những cây thuốc, phương thuốc đông y đến mọi người dân là ước mơ lớn của ông. "Dân mình còn nghèo, sử dụng những bài thuốc đông y ít tốn kém lại hiệu quả". Ý nghĩ ấy luôn ám ảnh ông. Cuối cùng thành công cũng đến với người có chí. Sau gần 5 năm vừa làm công tác sưu tầm, chọn lọc, bổ khuyết nội dung cùng cộng sự Lê Văn Phước và mày mò thể hiện bằng ngôn ngữ lập trình phần mềm “Tra cứu Đông dược” đã ra đời trong sự vui mừng khôn tả của hai tác giả và sự hoan hỉ của mọi người. Đó là một CD room có dung lượng 25 MB gồm 38 thư mục và 2341 tập tin với những nội dung: Giới thiệu, danh mục thuốc, phân loại thuốc từ điển Đông dược, phương dược học và hướng dẫn sử dụng.
Phần mềm có thể xem như một vị “sư phụ”, một quyển bách khoa điện tử về đông dược. Với 250 bài thuốc, hàng ngàn tên đông dược, bất kỳ người dân bình thường chỉ cần vài động tác nhấp chuột trên máy vi tính đã có thể tự chữa được bệnh của mình nếu sử dụng đúng chỉ dẫn.
Việc bác sĩ Thính viết phần mềm cũng là một chuyện lạ, mà không phải ai cũng có thể làm được. Không được đào tạo một chút gì về tin học nhưng điều đó không làm khó bác sĩ Lê Bá Thính. Ông đã mày mò, mua sách về tự học. “Ngày làm, đêm học”, là phương châm lúc bấy giờ của bác sĩ Lê Bá Thính. Ba chiếc máy vi tính phải “ra đi” để đổi lại là những kiến thức về lập trình, viết phần mềm.
Không dừng lại ở đó, Bác sĩ Lê Bá Thính tiếp tục ra đời phần mềm “Tra cứu, điều trị các loại bệnh bằng Y học cổ truyền”.
Ở cái tuổi sắp nghỉ hưu, ông lại cho ra đời phần mềm thứ 3 “Tra cứu website y tế”. Phần mềm này đạt giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V (2012-2013); được giới chuyên môn, người dùng đánh giá cao.
“Ở lĩnh vực y tế, y dược, số lượng địa chỉ website còn ít, lại tản mạn khó tìm kiếm. Các hình thức cung cấp các địa chỉ website về ngành Y tế chưa phong phú, chưa có hệ thống, nên việc tra cứu gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian” – Bác sĩ Thính tự kiểm nghiệm, rồi trăn trở. Năm 2009, bác sĩ Lê Bá Thính lên ý tưởng viết một phần mềm trong đó tập hợp, hệ thống lại các website y tế, y dược để người dùng có thể tìm kiếm một cách dễ dàng, thuận tiện nhất và một năm sau, phần mềm “Tra cứu websites y tế” ra đời trong niềm hân hoan của tác giả và đồng nghiệp.
Phần mềm “Tra cứu website y tế” gồm 2 phần. Phần thứ nhất trình bày theo cột dọc bên trái gồm các đề mục chuyên ngành Y tế (các website y tế trong nước, nước ngoài, quốc tế, y dược hiện đại, y học sức khỏe, đông y châm cứu, báo chí y dược, thư viện, liên hệ). Chỉ cần thao tác kích chọn, người dùng có thể tra tìm các website có nội dung mong muốn và khai thác thông tin cần thiết. Phần thứ hai được trình bày theo thanh tiêu đề ngang gồm các đề mục chứa các website cần biết ở Việt Nam, quốc tế và phần phụ lục với nhiều công cụ tìm kiếm.
Ngoài tra cứu các website y tế, phần mềm này còn tạo thuận lợi cho người dùng khi cung cấp hàng loạt các website cần biết, các website của báo chí trong nước, các tổ chức chính trị - xã hội trong nước và nước ngoài có liên quan đến Việt Nam giúp người dùng tham khảo nhiều thông tin và cũng được phân nhóm để dễ tra cứu.
Phiên bản phần mềm “Tra cứu website y tế” đầu tiên được hoàn thành với việc cập nhật hơn 6.000 địa chỉ. Nhưng như thế cũng là chưa đủ, bác sĩ Lê Bá Thính lại tiếp tục sưu tầm và bổ sung một số chức năng, tiện ích hỗ trợ người dùng. Năm 2013, ông cho ra đời phiên bản 2.1, phần mềm chứa 10.050 websites trong nước và quốc tế, trong đó có 6.794 websites chuyên ngành Y tế và những tiện ích như liên kết với trang tìm kiếm Google, liên hệ với tác giả bằng ý kiến phản hồi, email… Phần mềm được thiết kế và lập trình bằng ngôn ngữ HTML và JavaScript, lập trang web. Khi sử dụng trên máy vi tính, người dùng có thể kích hoạt tập tin autorun.exe, trên điện thoại di động hệ 3G kích hoạt tập tin dienthoai.htm để chạy phần mềm dễ dàng. Bác sĩ Thính bộc bạch: “Tôi mong muốn ứng dụng công nghệ để phục vụ cho chuyên môn, giúp mọi người thuận tiện hơn trong công việc và điều quan trọng nhất là khơi nguồn đam mê sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cán bộ ngành Y tế”.
Phần mềm này được bác sĩ Thính chia sẻ miễn phí cho các bệnh viện và những đồng nghiệp ngành y có nhu cầu và được mọi người đón nhận, sử dụng rộng rãi như “bí kiếp” nghề nghiệp.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất tặng quà, hoa chúc mừng bác sĩ Lê Bá Thính nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2
KHƠI NIỀM ĐAM MÊ KHOA HỌC
Sự cần mẫn, đam mê khoa học mang lại niềm vui lớn cho bác sĩ Lê Bá Thính khi những sản phẩm của ông được người dùng đón nhận và mang lại hiệu quả xã hội. Thêm niềm vui và ý nghĩa hơn nữa đó là việc khơi được niềm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật trong cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, nơi mà ông đang là “thuyền trưởng”.
Với một lãnh đạo đam mê nghiên cứu khoa học như vậy, nên phong trào nghiên cứu khoa học (NCKH) được phát triển và đơm hoa kết trái ở cấp toàn bệnh viện, trở thành một trong những chỉ tiêu thi đua quan trọng của mọi cán bộ, y, bác sĩ. Hàng năm, nhiều y, bác sĩ, tập thể khoa, phòng của Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên đều có đề tài NCKH được nghiệm thu, áp dụng rộng rãi, như: “Xây dựng quy trình sản xuất cồn xoa bóp” của dược sĩ Ma Thị Yên; “Máy đếm thuốc và dụng cụ súc rửa chai” của tập thể khoa Dược. Gần đây nhất là sản phẩm khoa học Giải pháp “Hệ thống kéo dãn cột sống Model M-01”, của cử nhân Lê Phạm Bá Khánh giành giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ V, giải khuyết khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc Vifotec lần thứ XII…
Bác sĩ Vũ Thị Phượng, Phó giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, cho hay, tinh thần đam mê sáng tạo khoa học cũng như vì bệnh nhân phục vụ, y đức của bác sĩ Lê Bá Thính như ngọn lửa nhiệt huyết đã truyền sang cho tất cả mọi người trong bệnh viện. Sự sáng tạo của các y, bác sĩ mà bệnh viện có những bài thuốc đặc hiệu, dễ sử dụng, mang lại hiệu quả cho bệnh nhân khi điều trị tại đây.
Với những nỗ lực không ngừng, cá nhân bác sĩ Lê Bá Thính nhận được nhiều bằng khen, phần thưởng cao quý của Nhà nước, ngành Y tế và các ngành, các cấp. Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên nhiều năm liền được công nhận danh hiệu Bệnh viện xuất sắc toàn diện, được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh Phú Yên tặng nhiều bằng khen và cờ thi đua xuất sắc… trong đó có sự đóng góp thầm lặng nhưng không hề nhỏ của giám đốc bệnh viện, Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Lê Bá Thính.
Không chỉ thổi vào đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học cho đồng nghiệp, ông còn truyền tình yêu y học cổ truyền vào những bác sĩ tây y và các em sinh viên Khoa Y học cổ truyền Trường cao đẳng Y tế Phú Yên. Đến nay, gần 10 bác sĩ tây y đi học chuyên khoa 1 về Y học cổ truyền và về công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên ■
THÙY THẢO