Huyện miền núi Sông Hinh là một phần của huyện Tây Sơn (tỉnh Phú Khánh) được tách ra từ tháng 2/1985,
Huyện miền núi Sông Hinh là một phần của huyện Tây Sơn (tỉnh Phú Khánh) được tách ra từ tháng 2/1985, bao gồm các xã bờ nam Sông Ba. Bây giờ là cửa ngõ phía Tây của tỉnh tiếp giáp với Tây Nguyên.
Lúc mới thành lập huyện chỉ có 6 xã , trong đó 4 xã là đồng bào dân tộc thiểu số ( DTTS ) chiếm 49,5% dân số toàn huyện, đa số là người Êđê, gồm các xã Ea Bá, Ea Bia, Ea Trol và Sông Hinh. Dù thời điểm đó đất nước đã được giải phóng 10 năm nhưng trong tình hình chung của cả nước, Nhà nước vừa khắc phục hậu quả chiến tranh vừa phải đối phó với các cuộc chiến tranh mới ở biên giới Tây Nam và phía Bắc nên đời sống bà con ở đây rất khó khăn; một nguyên nhân khác nữa là phần lớn người dân đều trở về từ các khu dồn dân của chế độ trước nên phải bắt tay xây dựng lại từ đầu trên cái nền hoang vu mấy mươi năm vắng chủ. Song song với thiếu cơm là mù chữ, ngành Giáo dục huyện Tây Sơn phải cố gắng cật lực trong mọi tình huống, lực lượng giáo viên xóa mù chữ được rải về tất cả các thôn buôn để làm công tác xóa mù chữ tiến đến phổ cập giáo dục tiểu học, Giáo viên phổ thông phải cố gắng hết mức không để học sinh bỏ lớp, nhiều thầy cô đã dùng thời gian được nghỉ của mình lên nương rẫy phụ giúp phụ huynh thu hoạch mùa màng đồng thời động viên bà con tạo điều kiện tốt cho con đi học đều đặn.
“Vạn sự khởi đầu nan”, huyện được thành lập từ con số không, cơ sở hạ tầng là những con đường mòn liên buôn xuyên rừng, bản làng chỉ toàn nhà sàn tre nứa lợp tranh với đời sống thuần nông du canh du cư lúa rẫy 1 vụ ăn nước trời. Nhưng nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của tỉnh cùng với quyết tâm cao độ của Đảng bộ và chính quyền huyện, Sông Hinh đã từng bước ổn định và đi lên với một tốc độ đáng kể. Trong cái buổi ban đầu ấy, thế hệ học sinh cấp 1 thật là tội nghiệp, cái bụng chưa no, áo quần chưa đủ, đường đi học nhiều trắc trở nhất là mùa mưa, đau bệnh luôn rình rập… nhưng các em đã cố gắng đến trường để có con chữ đi vào tương lai, trong số ấy có cậu bé Y Thông là một trong những học trò ngoan, chăm học tiêu biểu nhất, mỗi năm một lớp, hết trường làng rồi lên trường Dân tộc nội trú và cuối cùng là giảng đường Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng .
Y Thông thuộc dân tộc Ê đê, được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại buôn Keng xã Ea Bá - nơi có núi rừng hùng vĩ soi mình xuống dòng Sông Ba lúc thơ mộng lúc hùng hồn, Cha anh là chú A Ma Xanh, một cán bộ lãnh đạo trong kháng chiến rồi Bí thư Huyện ủy thời bình và cũng là ông vua lúa nước như một nhân vật huyền thoại bởi ông là người đầu tiên bỏ ra số vốn không nhỏ mua đường ống dẫn nước từ đập dâng buôn Thứ về ruộng, tạo nên cánh đồng cò bay thẳng cánh mấy chục hec ta khởi đầu cho sự nghiệp trồng lúa nước của đồng bào DTTS huyện Sông Hinh bây giờ.
Năm 1994, Y Thông tốt nghiệp Đại học khoa kinh tế về công tác tại phòng Kế hoạch huyện, sau đó anh được chuyển về Ban Định canh định cư và vùng kinh tế mới (nay là phòng Dân tộc), chính trong môi trường này anh có dịp phát huy hết kiến thức và tình yêu của mình với bà con, với buôn làng thông qua các chương trình 134 – 135 của Chính phủ, anh mê say trong mục tiêu 7 không để làm từ không thành có cho buôn làng, đó là: Điện, đường, trường, trạm, nước giếng sinh hoạt, trụ sở UBND xã và thủy lợi. Với tình yêu quê hương và truyền thống cách mạng anh làm việc không biết mệt mỏi, luôn tâm niệm: quê hương mình là hậu phương nuôi chiến sĩ CM đã hy sinh và gian khổ rất nhiều cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng hòa bình rồi vẫn còn thiếu thốn, làm sao để thoát nghèo để đi lên, để xứng đáng sự quan tâm của Nhà nước đối với đồng bào vùng căn cứ và DTTS, bởi vậy nên tất cả mọi chính sách cho đồng bào DTTS đều phải xem như cơ hội vàng, phải thực hiện cho có hiệu quả cao nhất. Cũng trong giai đoạn này anh được cử đi học lớp chính trị cao cấp để tạo nguồn đội ngũ lãnh đạo kế tục.
Năm 2004 anh được HĐND huyện bầu làm Phó Chủ tịch UBND huyện. Năm 2005 anh làm Chủ tịch UBND huyện. Năm 2010 Đại hội huyện Đảng bộ huyện Sông Hinh lần thứ 7 anh được tín nhiệm vào chức danh Bí thư Huyện ủy , góp mặt vào hàng ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ các huyện trong tỉnh.
Chức vụ càng cao trách nhiệm càng lớn, bây giờ anh không còn là cán bộ hay chuyên viên của một ngành mà là người lèo lái con tàu quê hương mình tiến lên an toàn và kịp với thời đại. Anh luôn ôm ấp ước mơ làm sao cho Sông Hinh phát huy hết tiềm năng sẵn có, phát triển trở thành huyện giàu đẹp thực sự phương châm của anh là cống hiến hết mình, không chạy theo thành tích ảo, không lạc quan tếu. Chính anh đã đưa ra ý tưởng: “Khi người dân có đất bị thu hồi làm thủy điện thì hãy trả lại quyền lợi cho dân bằng cổ phần của công trình đó chứ đừng trả tiền mặt một lần vì như vậy tiền sẽ tiêu hết nhưng đời sống chưa ổn định sẽ dẫn tới nghèo đói”.
Không những là kinh tế mà anh còn quan tâm và thể hiện trách nhiệm đúng mức trong các lĩnh vực an ninh, chính trị, giáo dục và các phong trào văn hóa, đặc biệt là văn hóa giữ gìn bản sắc dân tộc vì Sông Hinh là cái nôi sử thi của tỉnh. Như con ong: cần cù, chấp hành ý thức tổ chức tuyệt đối, anh đã cùng với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân kế thừa thành quả của lớp người đi trước gầy dựng nên rồi phát triển thành quả ấy sao cho xứng với lời dạy của người xưa “ iền nhân khai khẩn, hậu nhân canh”.
Năm 2010 huyện Sông Hinh kỷ niệm 25 năm thành lập huyện, về dự lễ chúng tôi rất vui mừng và khâm phục tốc độ phát triển của huyện. Những người đã từng công tác thời “nắm muối lá dang” lâu ngày trở lại chốn cũ cứ muốn đi dạo thật nhiều để so sánh giữa ký ức và hiện tại. Thị trấn Hai Riêng như một cô gái vào tuổi dâng hương duyên dáng và hấp dẫn du khách đến chùn chân. Đi về các thôn buôn thấy ngóc ngách nào cũng có điện, đường làng khang trang thoáng đãng, cọp và Foulro đã thực sự đi vào dĩ vãng mà thay vào đó là “Con cò thong dong trên đồng thẳng cánh, chở bình yên về với bình yên”. Hình ảnh thầy cô giáo cùng với học trò tươm tất dưới mái trường xinh xắn gợi cho ta liên tưởng đến thế hệ mới đầy niềm tin. Nhưng có lẽ hình ảnh ấn tượng nhất là “Mái nhà rông gắn chảo truyền hình” cửa sổ để người dân nhìn ra thế giới bắt kịp thông tin cần thiết và sự phát triển của nhân loại. Thành quả ấy là sự phối hợp của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân toàn huyện làm nên, tuy nhiên vai trò và trách nhiệm của người lãnh đạo cũng rất đáng để chúng ta trân trọng.
Năm 2011 Y Thông được bầu vào đại biểu Quốc hội khóa XIII và được Quốc hội phân công làm Uỷ viên thường trực Hội đồng Dân tộc của QH.
Một ngày đầu Xuân Ất Mùi 2015 chúng tôi du xuân về Sông Hinh thăm chốn xưa, gặp lại Y Thông anh còn đang nghỉ tết ở quê nhà, lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng thăm hỏi huyên thuyên, nhớ đâu nói đó. Tôi chúc mừng anh.
- Cuộc đời đã chắp thêm đôi cánh cho anh có điều kiện bay cao hơn, xa hơn để phát triển tầm nhìn và phát triển tư duy, đó cũng là cơ hội tốt để bằng trực tiếp hoặc gián tiếp giúp quê hương mình nhiều hơn nữa.
Anh cũng đồng cảm: - Dù ở đâu, làm gì quê hương vẫn là thiêng liêng, là tâm hồn, là điều luôn canh cánh, đôi khi đi giữa phố phường hiện đại nhộn nhịp mà lòng cứ hướng về bà con quê mình đang loay hoay trong chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa, thèm được ngồi cùng mấy người bạn thời gian khó ôn lại chuyện buồn vui một thuở, ăn vài món ăn đặc sản của quê hương…
Tôi hỏi thêm:
- Anh đã có một bước phát triển dài và khá nhanh trên đường sự nghiệp, điều mà ít người có được, vậy nếu cần một lời khuyên, lời nhắn nhủ cho các em, các cháu thì điều đó là gì?
Một chút suy tư anh trả lời
- Cuộc sống cần nhiều thứ, đi về tương lai bằng nhiều con đường, nhiều phương tiện nhưng dù bất cứ tình huống nào tri thức cũng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Điều kiện học hành của các em các cháu bây giờ quá thuận lợi, không như thời chúng tôi: Trường lớp tềnh toàng, gió lùa mưa tạt, đường đến trường vừa đi vừa sợ, có bạn thật tội nghiệp: buổi học chưa mãn nhưng đã tái mặt nói nhỏ với nhau: Tao đói bụng quá; mùa mưa có bạn mặc áo rách đi học vì áo lành chưa kịp khô, có bạn đang học ngon lành thì bị bệnh sốt rét phải đi bệnh viện cả tuần, khi trở lại lớp thì không theo kịp… và còn nhiều trường hợp đáng thương hơn nữa. Thế mà chúng tôi không nản chí, không bỏ cuộc. Điều này không những nhắn với các em các cháu mà còn nhắn luôn đến các bậc phụ huynh, hãy đầu tư tri thức cho con để làm vốn vào đời, bất cứ quốc gia nào mà dân trí thấp thì dân tộc của quốc gia ấy sẽ nghèo đói, lạc hậu. Đừng nghĩ học phải tốn kém nhưng cuối cùng không xin được việc, suy nghĩ đó là tự hại tương lai mình từ trong trứng nước, thua từ trong tư tưởng.
Thay lời kết
Sau khi kết thúc chiến tranh, trong tình hình chung cả nước phải thắt lưng buộc bụng, bà con DTTS vùng nam Sông Ba trong đặc thù từ cụm dân cư đến trung tâm huyện chưa có đường ô tô nên cuộc sống càng khó khăn thiếu thốn hơn. Nhưng từ trong khó khăn đó đã có nhiều thiếu niên theo đuổi việc học đến cùng để làm vốn lập thân, sự “mài sắt” đã “nên kim”, lứa học trò nghèo ngày nào đã thành những trí thức những nhà khoa học giúp ích thiết thực cho đời. Trong số đó, tiêu biểu có Y Thông cậu học trò chăm ngoan đi lên từ ngôi trường làng đầy thiếu thốn giữa núi rừng còn hoang vu đã trở thành cử nhân kinh tế rồi trở thành lãnh đạo tại quê hương mình. Hiện nay anh là Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội. l7 năm gắn bó quê hương, với tinh thần trách nhiệm và tình yêu của mình anh đã để lại thành quả làm tiền đề cho lớp kế nhiệm phát huy, mà đỉnh cao là được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động nhân dịp huyện Sông Hinh tròn 30 tuổi. Về dự lễ và vui mừng ngày vui của huyện, chúng tôi gặp lại chú Ma Vi, một trong những Bí thư – Chủ tịch xã thời kỳ sau giải phóng, nay đã về hưu, ở tuổi 83 nhưng chú vẫn còn minh mẫn, mắt sáng rực chan chứa niềm vui, trò chuyện với chú chúng tôi hỏi:
- Con cháu kế thừa và phát triển sự nghiệp của cha anh như thế này, tâm trạng lớp tiền bối thấy sao.
Chú cười mãn nguyện:
- Xứng đáng lắm, lớp trẻ bây giờ giỏi, mà phải giỏi chứ, được học hành và đào tạo đàng hoàng mà, chỉ cần có lòng nhiệt tình và cái tâm tốt, đồng lòng đồng sức cống hiến thì quê hương phát triển nhanh thôi.
- Sông Hinh mình có Y Thông đã lên đến Trung ương rồi, theo chú thì điểm sáng của con người anh ấy là điểm nào?
- Y Thông có năng lực và lòng nhiệt tình, rất kiên quyết trong công việc và cũng rất nghiêm túc trong tổ chức. Nhưng đáng quý hơn là không nghe người dân nào phàn nàn hay phê phán từ việc chung đến đời tư. Nói chung thuộc loại cán bộ lãnh đạo bình dị dễ gần gũi.
Thấy chú đang hưng phấn tôi tranh thủ hỏi thêm câu cuối trước khi vào hội trường.
- Thưa chú, so với hai huyện miền núi hơn trăm năm tuổi là Sơn Hòa và Đồng Xuân thì Sông Hinh còn quá trẻ, mới vừa tròn 30 tuổi, trong thời gian chưa dài ấy mà đã có “Người con của Sông núi” về đến Quốc hội làm ủy viên thường trực trong ban chuyên trách, như vậy đó là niềm tự hào của quê hương, là trí thức tiêu biểu và cũng là tấm gương cho tuổi trẻ noi theo, chú đồng ý chứ.
- Chắc chắn vậy.
Bút ký: Lưu Phúc