NGỌN ĐÈN GIÁO DỤC CHÁY QUA HAI THẾ KỶ

Cập nhật lúc:   11:29:53 - 27/09/2017 Số lượt xem:   1756 Người đăng:   Admin
Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm
Một buổi sáng đầu năm 2015, tôi đến nhà số 10 đường Lương Tấn Thịnh, thành phố Tuy Hòa
Một buổi sáng đầu năm 2015, tôi đến nhà số 10 đường Lương Tấn Thịnh, thành phố Tuy Hòa. Khác với những gì tôi tưởng tượng trước đó về một vị nguyên là giám đốc Sở GD-ĐT, thầy đón tôi bằng nụ cười hồn hậu, ân cần hỏi han như ông cháu lâu ngày gặp mặt. “Niềm vui lớn nhất của tôi là phục vụ quê hương từ Nam chí Bắc rồi xây dựng một dòng họ khuyến học khuyến tài, dòng họ cách mạng hữu ích cho quê hương, đất nước. Còn tôi trở lại làm một công dân bình thường”, Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ khoa học giáo dục Nguyễn Xuân Đàm chia sẻ trong niềm tự hào. 

6 NĂM – TỪ HỌC VIÊN SƯ PHẠM ĐẾN HIỆU TRƯỞNG
 
Sinh ra từ cái nôi cách mạng Đồng khởi Hòa Thịnh (Huyện Tây Hòa), là “đệ tử” của thầy Bùi Xuân Các (một nhà giáo lớn những năm 40, 50 của thế kỷ trước), học trò trường Lương Văn Chánh, Nguyễn Xuân Đàm hội đủ tố chất để góp mặt trong “đội hình” Bắc tiến. Năm 1954, sau khi học hết lớp 8 tại Bình Định, theo sự chỉ đạo của trên, ông được đưa sang Khu học xá Trung ương (Khu học xá của Việt Nam đóng tại thành phố Nam Ninh - Trung Quốc) theo học lớp trung cấp sư phạm. Nguyễn Xuân Đàm và những bạn đồng hương, đồng cảnh khác – lứa học sinh đầu tiên của tỉnh Phú Yên tập kết ra Bắc – tất thảy chưa đầy 10 người, đều trở thành những cán bộ khoa học có ích  sau này.
 
Năm 1956, Nguyễn Xuân Đàm trúng tuyển vào chuyên ngành Văn học Đại học Sư phạm Hà Nội, khóa 3. Tuy người ở miền Bắc nhưng mỗi lần hay tin quê hương đang bị Mỹ Diệm giày xéo, ông không khỏi xốn xang. Cảnh “ngày Bắc, đêm Nam” thật không dễ dàng gì. Kể đến đây, ông dừng lại vài giây, như để kiềm giữ giọt lệ chực trào. Chính nỗi đau mất nước đã thúc đẩy ông quyết chí, kiên trì chinh phục con đường học vấn. Thành công gõ cửa, tấm bằng loại xuất sắc được trao cho Nguyễn Xuân Đàm vào năm 1959. Lúc này, ông mới 22 tuổi, là thế hệ sinh viên trẻ nhất tốt nghiệp lúc bấy giờ.
 
Cũng trong năm 1959, Nguyễn Xuân Đàm được điều về trường Trung cấp Sư phạm Hà Tĩnh sau khi Đại học Lomonoxop (Liên Xô) không đồng ý để ông đảm nhận giảng dạy bộ môn Văn học Việt Nam vì tuổi đời, tuổi nghề còn quá trẻ. Khi Macxcova từ chối, trên đã có chỉ đạo để ông về giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Đàm đã khảng khái nói “Tôi còn trẻ, cho tôi đi nơi nào khó khăn, gian khổ nhất, về chiến đấu giải phóng miền Nam”. Xống áo chuẩn bị sang Liên Xô trở thành hành trang theo Nguyễn Xuân Đàm về Hà Tĩnh.
 
Vừa thả ba lô xuống, ông bắt tay cùng quân dân đào giao thông hào, vừa giảng dạy, vừa chuẩn bị chiến đấu. Dạy sư phạm sơ cấp được 6 tháng, đến năm 1960, ông giữ chức Hiệu trưởng. Trên cương vị của mình, Nguyễn Xuân Đàm đã xây dựng trường Trung cấp Sư phạm Hà Tĩnh trở thành trường sư phạm xuất sắc ở Miền Bắc.
 
Một lần, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt NamNguyễn Văn Huyên về thăm và kiểm tra tình hình giảng dạy và chiến đấu tại trường. Trong lúc Nguyễn Xuân Đàm phát biểu chào mừng, báo cáo thành tích thì Bộ trưởng nhìn quanh và hỏi “Ông Hiệu trưởng đâu mà để anh này lên báo cáo”. Lúc này, trưởng ty mới báo cáo chính anh trẻ đang phát biểu là hiệu trưởng. Bộ trưởng “bật ờ” trước anh hiệu trưởng trường  trung cấp Sư phạm trẻ nhất miền Bắc.
 
10 NĂM VÀO NAM PHÁT TRIỂN PHONG TRÀO GIÁO DỤC
 
Tháng 10.1962, Tiểu ban Giáo dục vùng giải phóng (thường gọi là Tiểu ban Giáo dục R) được thành lập. Với phương châm “Chỗ nào có dân, chỗ đó có hoạt động giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau”. Nhiều nhà giáo miền Bắc vào Nam, cùng đội ngũ nhà giáo địa phương xây dựng trường lớp, giảng dạy và tham gia kháng chiến. Trong số đó có anh giáo Nguyễn Xuân Đàm.
 
Trước khi lên đường đi “B” vào năm 1963, Nguyễn Xuân Đàm dường như nhận thấy cái duyên vượt biển chưa đến với mình. Hay tại quá mừng vì được vào Nam chiến đấu mà ông từ bỏ cơ hội sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh? Vậy là, chàng thư sinh quen với bút mực, mang trên vai 36 kg, vượt Trường Sơn 5 tháng 10 ngày. Nguy hiểm, bất trắc treo lơ lửng trước mặt, đói rét không đếm xuể. Tháng 5/1964, xuống chiến khu Dương Minh Châu, anh giáo Nguyễn Xuân Đàm lập tức gánh trên vai nhiệm vụ mới: Xây dựng tiểu ban giáo dục Đại học, đào tạo cán bộ giáo dục và giáo viên tại Nam Bộ.
 
Về mặt trận mới, chưa kịp quen với những cánh đồng “chó ngáp” mênh mông rợn ngợp, Nguyễn Xuân Đàm ngay lập tức bắt tay vào việc xây dựng mô hình trường học như miền Bắc. Anh được phân công phụ trách công tác chuyên môn của Trường Giáo dục tháng Tám (GDT8) thuộc Tiểu ban giáo dục. Tháng 7/1964 tiếp tục được giao trọng trách thực hiện khóa II của trường. Trong 9 tháng tổ chức khóa II của trường GDT8 , từ việc thảo công văn triệu tập học viên, chuẩn bị căn cứ, hậu cần, đến việc xây dựng nội dung chương trình các môn học văn hóa, nghiệp vụ, các hoạt động ngoại khóa, phân phối thời gian biểu đều có sự tham gia của thầy. Sau này, quyển “Nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh” của cô giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên được tìm thấy vào tháng 9/2012 đã kiểm chứng tất cả những điều trên.
 
Tháng 3/1965, sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh cùng vũ khí tràn vào miền Nam, mở màn cho chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Cuộc chiến ngày càng ác liệt và cam go. Địch dùng ưu thế quân sự đàn áp và càn quét trên toàn miền Nam. Hoạt động của Tiểu ban giáo dục miền Nam vấp phải nhiều trở ngại. Thời gian không đủ cho 2 mùa trái rừng kịp chín thì trường giáo dục Tháng Tám buộc phải giải tán. Tuy vậy, hồi ức về những ngày vừa diệt ác phá kềm vừa cầm viên phấn bảng, không những không quên, thầy còn kể lại rành rọt, giọng khấp khởi xen lẫn tự hào: “Nhiều lúc mấy chục thầy trò phải chia nhau mỗi người một viên “bom bi” (lạc rang xào muối) cầm cự qua bữa. Các anh chị em từ các tỉnh miền Nam lần lượt kéo đến ngôi trường giữa cánh rừng già Hòa Hiệp, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh ngày một đông. Anh chị em phần nhiều là học sinh, sinh viên, có cả mấy giáo sư hoạt động ở các vùng tranh chấp, vùng giải phóng. Đối tượng học viên rất đa dạng, trình độ không đồng đều, sách, vở thiếu thốn đã gây không ít khó khăn nhưng tất cả đều cùng chung một nỗi niềm hướng về miền Bắc, hướng về Bác Hồ...”
 
Việc đào tạo tập trung tại trường GDT8 xem như cùng đường. Một lần nữa, anh Thanh Sơn, thầy Nguyễn Xuân Đàm “luồn lách” khắp lục tỉnh miền Tây nhằm vun vén lực lượng, củng cố và mở rộng các lớp học ngay trong lòng địch. Được tiếng công tác oai phong nhưng thật ra vô cùng gian khổ. Căn cứ Dương Minh Châu vào mùa mưa, nước lạnh thấu xương. Thế mà Nguyễn Xuân Đàm cứ lặng lẽ theo chân giao liên từ đồng này sang đồng khác. Qua Đồng Tháp Mười, về Bến Tre, qua Sông Tiền, sông Hậu.v.v. Có thời điểm, địch dồn dân lập “Ấp chiến lược”, tại Bến Tre, anh giáo Đàm trực tiếp tham gia cầm súng chống địch để giữ làng, giữ đồng bào ở lại. “Có lần địch liên tục bắn phá một đoạn kinh, học trò không học được. Năm lần bà con đào hầm làm chỗ học đều bị địch bắn cháy. Lần thứ 6 thì tôi về, vận động bà con mua xi măng làm một cái lô cốt bê tông. “Đại bản doanh” cho học trò lớp 1, 2 trở nên kiên cố”, ông điểm lại một trong muôn vàn khó khăn trong phong trào giáo dục ở miền Nam.
 
DU KÍCH MIỀN NAM ĐI LÀM PHÓ TIẾN SỸ
 

Năm 1973, mang trên mình thương tích, Nguyễn Xuân Đàm được đồng đội dìu ra Bắc chữa trị. Lúc sức khỏe dần bình phục lại, ông lại nuôi ý định trở vào Nam. Nhưng không lâu sau, ông được đưa vào danh sách thi tuyển để sang Liên Xô. Chọn trong 70 người thi, đối với ông – người 10 năm làm nhiệm vụ của người chiến sỹ còn khó hơn vượt Trường Sơn. Thêm vào đó, bạn bè của ông nhiều năm học tập, giảng dạy, trau dồi tiếng Nga ở miền Bắc, chỉ chờ trúng tuyển và lên đường. Với một ông cán bộ miền Nam tóc bạc, gầy nhom, họ đều là những đối thủ đáng gờm. Nhiều người thấy vậy khuyên ông đừng thi, chắc rằng không đậu. Bị chạm vào lòng tự trọng, Nguyễn Xuân Đàm trả lời “Tôi đi Trường Sơn được thì tôi đi học được”. Dứt lời, ông đóng cửa dùi mài ngày đêm. 4 tháng thấm thoắt qua nhanh, 14g ngày 15/7/1973, ông bước vào phòng thi cũng là lúc vợ chuyển dạ sinh con đầu lòng. 7 ngày sau, bảng đề tên Nguyễn Xuân Đàm đỗ đầu với 23.5 điểm.
 
Giờ đây, khi đã kinh qua không ít lồi lõm, khúc khuỷu trên con đường chống giặc ngoại xâm, giặc dốt cho đồng bào mình, nhìn lại những cuộc vượt rừng, vượt biển, ông điềm nhiên như tuổi. Như thể, tất cả những gian truân, thử thách sau lưng ông chỉ là trò chơi vượt chướng ngại vật. Song ngày ấy, sang Liên Xô học tập khi trong bụng không có một chữ tiếng Nga, quả là một cuộc vật lộn về tri thức. Ở nước bạn, ông được cho thực tập ở trường cấp 3. Nhìn học sinh nói như sáo, trong khi ông chỉ biết đáp lại bằng nụ cười. Đâm ra nản chí, Nguyễn Xuân Đàm tìm đến cô giáo hướng dẫn. Bao nhiêu năm qua, ông vẫn nhớ những lời đầy nghiêm khắc của cô giáo, nôm na: “Hãy đi đi, hãy nghe đi, hãy viết đi. Không sợ súng đạn mà sợ tiếng Nga sao.” Đến đây, ông như bừng tỉnh. Vượt lên cái lạnh cắt da và căn bệnh sỏi thận, 1 năm sau thì ông thạo tiếng Nga. Vật cản tiếng Nga xem như đã vượt qua, tiếp đó, xuất phát từ việc am tường tình hình giáo dục Việt Nam, cộng với sự tinh tế và cảm quan giáo dục chuẩn xác, ông bắt tay vào thực hiện đề tài “Kinh nghiệm của nhà trường Xô Viết trong việc hình thành thế giới quan của học sinh và sự vận dụng sáng tạo vào nhà trường ở Việt Nam”. Toàn bộ đề tài nghiên cứu được tổ chức trong ba chương, trong đó chương thứ 2 viết về tình hình thực tế của giáo dục Việt Nam được ông đầu tư kỹ lưỡng và chọn viết đầu tiên. Ngày bảo vệ được diễn ra trước 6 tháng trước sự ngạc nhiên của nhiều chuyên gia, học giả các nước. Với thành tích xuất sắc trên, ông được bầu làm Ủy viên Hội đồng thế giới quan khoa học cho thanh niên, học sinh các nước XHCN. Cuộc vượt trùng dương chiếm lĩnh khoa học đã biến một anh chiến sỹ miền Nam trở thành Phó tiến sỹ Giáo dục học.
QUYẾT ĐỊNH HỒI HƯƠNG…
 
Năm 1974, hoàn tất nghiên cứu sinh tại Liên Xô, Nguyễn Xuân Đàm quyết định hồi hương. Dù trước đó, ông được giữ lại tiếp tục làm tiến sỹ cao cấp. Về đến Hà Nội, ông được phân công làm Bí thư Đảng ủy Viện Khoa học giáo dục Việt Nam,  Phó trưởng ban nghiên cứu giáo dục chính trị cho học sinh. Trong 5 năm công tác tại Viện, Nguyễn Xuân Đàm đã góp những viên gạch đầu tiên, xây dựng, thống nhất nền giáo dục Việt Nam giữa những ngổn ngang mà chiến tranh để lại. Phải kể đến các công trình, tài liệu, giáo trình…mà ông dày công biên soạn, như: Hình thành thế giới quan khoa học – nhiệm vụ trung tâm của công tác giáo dục tư tưởng – chính trị - đạo đức của nhà trường XHCN Việt Nam (Viện KHGD – 1981), Phương pháp đánh giá đạo đức (NXB Giáo dục 1983), Giáo dục đạo đức cho học sinh THCS, THPT (Viện KHGD 1982-1983), Phương pháp giảng dạy chính trị (dịch – NXB Giáo dục 1985).v.v.
 
Tháng 12/1975, sau đại thắng mùa Xuân, Phú Yên và Khánh Hoà sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh. Năm 1985, đứng trước nhu cầu tăng cường cho giáo dục tại đây, Nguyễn Xuân Đàm được điều về làm Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang. Với kinh nghiệm gần 10 năm được đào tạo trong lò lửa chiến tranh cộng với sự quá trình tự nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng thành tựu giáo dục Liên Xô vào thực tiễn giáo dục Việt Nam lúc bấy giờ, Nguyễn Xuân Đàm đã có những bước đi táo bạo, mạnh dạn đấu tranh, cải cách giáo dục. Bộ mặt giáo dục tỉnh Phú Khánh nói chung và Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang nói riêng đã có nhiều biến chuyển. Đó là sự có mặt của tiếng Pháp, tiếng Anh trong chương trình đào tạo; lí thuyết và thực hành luôn sóng đôi, bổ trợ cho nhau trong quá trình giảng dạy và học tập… Ý tưởng đưa trường Cao đẳng Sư phạm lên Đại học đã được ông chuẩn bị từ đây.
 
Những tưởng con thuyền đời sẽ thong dong cập bến khi người lái đã kinh qua thác ghềnh, sóng gió. Nhưng cuộc đời lại tiếp tục thử thách ông ở một nhánh sông khác. Tháng 7/1989, tái lập tỉnh Phú Yên. Nguyễn Xuân Đàm trở về quê hương, cùng nhiều cán bộ giáo dục cùng gánh trên vai trọng trách chấn hưng giáo dục cho tỉnh nhà. Trong chiến tranh cũng như 14 năm xây dựng tỉnh Phú Khánh, Phú Yên chính là căn cứ địa, là hậu phương vững chắc, ngày đêm rót nhân tài, vật lực cho Khánh Hoà. Cho nên ngày tái lập, Phú Yên thiếu trước hụt sau nhiều bề. Giáo dục dường như phải bắt đầu từ con số không. Có thể nói, đối với Nguyễn Xuân Đàm, việc “khẩn hoang” mảnh đất giáo dục Phú Yên không chỉ là nghĩa vụ phải làm của Tư lệnh ngành, mà hơn cả là xuất phát từ tình yêu và trách nhiệm đối với con em Phú Yên. Năm 1965, khi còn là anh du kích miền Nam, nằm ở Giồng Trôm (Bến Tre), hay tin 9 em học sinh Phú Yên bị thương vì trúng bom, ông không khỏi xót xa. “Mình đào tạo, gìn giữ, bảo vệ con em Bến Tre mà con em Phú Yên bị địch tàn sát, quả thật chạnh lòng”. Từ lẽ ấy, Nguyễn Xuân Đàm dốc toàn tâm toàn sức để vực dậy nền giáo dục non trẻ lúc bấy giờ.
 
Mở màn cho công cuộc chấn hưng giáo dục, Nguyễn Xuân Đàm bắt tay xây dựng hệ thống trường học mầm non đến đại học, đặc biệt là địa bàn miền núi được ông đặc biệt lưu tâm. Một áp lực nữa đối với Nguyễn Xuân Đàm chính là 350 sinh viên Phú Yên đang học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, khi về Phú Yên thì không có trường để tiếp tục học. Móc nối nhiều nguồn, ông mời được giảng viên từ Quy Nhơn, Quảng Ngãi về dạy rồi cấp bằng tốt nghiệp cho lứa sinh viên này. Ông cho hay, học trò Phú Yên đông đảo, song lớn lên phải tìm nơi xa mà học, vất vả cho bản thân các em và gia đình. Vì vậy, ông cứ đau đáu với suy nghĩ “Làm sao để con em Phú Yên ăn cơm nhà mà học Đại học?”. Giai đoạn 1989 – 1998 là khoảng thời gian Nguyễn Xuân Đàm cùng đồng nghiệp ngành giáo dục chuẩn bị điều kiện để nâng cấp Trường trung cấp sư phạm trở thành Cao đẳng Sư phạm (Tháng 9/1995), rồi lên Trường Đại học Phú Yên (2007). Hiện nay, Đại học Phú Yên đã trở thành đại học vùng, là cơ sở đào tạo nhân lực uy tín cho Phú Yên nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung.
 
Song song với đó, Nguyễn Xuân Đàm còn chú trọng đưa ngoại ngữ vào chương trình giảng dạy. Năm 1997 đánh dấu việc toàn tỉnh được phủ kín ngoại ngữ từ cấp 2 trở lên. Cũng trong năm này, các môn thay thế trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông được thay bằng hai môn tiếng Anh và tiếng Pháp. Tuy chất lượng chưa cao nhưng bước đi này của ông đã phát ra tín hiệu sáng sủa, tạo được mức cân bằng giữa học sinh Phú Yên và học sinh các tỉnh bạn. Kết quả, Phú Yên trở thành tỉnh phổ cập giáo dục sớm nhất miền Nam. Hệ thống tổ chức nhân sự được kiện toàn. Tư tưởng, quan điểm của Đảng từng bước thực hiện thắng lợi ở Phú Yên. Cùng với việc tu bổ trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Nguyễn Xuân Đàm còn xây mới trường dân tộc nội trú tỉnh. Phú Yên đã trở thành tỉnh tiên phong trong đề án phát triển giáo dục toàn diện được Bộ GD-ĐT khen thưởng. Giáo dục Phú Yên trở thành điểm sáng mà 46/61 tỉnh học tập theo. Không những quan tâm chăm lo đến học sinh bình thường, Nguyễn Xuân Đàm còn nung nấu ý tưởng tạo ra môi trường cho các em học sinh khuyết tật có thể học lấy cái chữ để nuôi mình. Lúc bấy giờ, thầy giáo bình thường đã khó, lại không có trường, lấy tiền đâu dạy học, tiền đâu nuôi các em? Hàng loạt câu hỏi khó khiến ông băn khoăn rất nhiều. Song, tháng 11/1993, vượt lên tất cả chướng ngại, trường Niềm Vui (nay là Trung tâm giáo dục hòa nhập cộng đồng), được ra đời. Nhớ lại ngày ấy, thầy bồi hồi “Lúc có quyết định thành lập trường, không ai dám làm Hiệu trưởng, không có thầy cô nào dám dạy. Địa điểm là mấy phòng học xập xệ sau cơn lũ lịch sử (1993) tại phường 5 (thành phố Tuy Hoà). Ngày khai giảng, từ các nơi, bố mẹ đưa các em tới trường mà vẫn không tin con mình được đi học. 15 chiếc cặp sách, 15 chiếc khăn quàng đỏ được các cô giáo trao đến các em. Các bạn lành lặn thì tặng hoa và sách vở cho mình mà các em chỉ ú ớ. Thầy cô khóc, bố mẹ các em khóc…”
 
Có một chi tiết khiến tôi thương mãi ông giáo Đàm. Ngày mở lớp, bảng treo “Trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật”, nhìn thấy kết quả, ông mừng lắm! Nhưng để chữ “khuyết tật”, vài bữa biết chữ đọc được và mặc cảm. Tên “Niềm Vui” khai sinh từ tấm lòng nhân hậu của ông. Với thông điệp mang lại niềm vui nhỏ nhất cho các em bị thiệt thòi nhất, niềm vui cho gia đình không may có con khiếm khuyết. Đến nay, ngôi trường đã trở thành cái nôi và điểm tựa cho nhiều em học sinh bất hạnh, vươn lên thay đổi số phận của mình.
 
Một lần, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Xuân Đàm về Cà Lúi (huyện Sơn Hoà) kiểm tra việc xoá nạn mù chữ. Trời tối om không tỏ được mặt người. Bỗng trống nổi lên, thanh niên trong rừng túa ra, đuốc thắp sáng rực chạy về trường học. Sau khi ông giám đốc chào hỏi, tặng quà thì cô Bí thư đoàn tầm 20 tuổi, đứng dậy phát biểu “Cảm ơn giám đốc về thăm tụi em, chúc giám đốc đi về…không có gì hết”. Lúc đó, ông ngớ người không hiểu. Quay sang hỏi anh cán bộ, anh này “phiên dịch”: Không có gì hết là thượng lộ bình an, an toàn. Bây giờ nghĩ lại, đúng là ông “không có gì hết”. Sau 10 năm “làm quan”, ông trở về với đồng lương hưu (1998), sống thanh bạch trong một căn nhà cấp 4.  Điều khiến ông phấn khởi là đời sống của giáo viên ngày càng được cải thiện. Các con trong gia đình sống lành mạnh và biết vươn lên. Đối với ông, giáo dục là đào tạo giá trị của lao động. Vì vậy, ngoài những khi trái gió trở trời, ông thường xuyên vào TP.HCM để hướng dẫn cao học, nghiên cứu sinh. Hằng ngày, ông vẫn cập nhật sách báo, internet. Thời gian rảnh rỗi, ông trở về Hoà Thịnh, chăm chút nhà thờ họ, nhang khói cho hơn 60 liệt sỹ và chăm lo công tác khuyến học cho lớp sau.
 
Nói như Thi Thánh Đỗ Phủ, rằng “Nhân sinh thất thập cổ lai hi”, vậy mà một người đi qua cái tuổi xưa nay hiếm, sức mạnh của thời gian lại không che nổi ánh mắt sáng rực, khiến người đối diện hình dung ngay một trí tuệ minh mẫn, sáng suốt. Nên, không bất ngờ gì khi tủ sách của ông có rất nhiều công trình đã được xuất bản, như: Dân ca – ca dao trên vùng đất Phú Yên, Lịch sử giáo dục Phú Yên (1945-2005), Ký ức về Trường giáo dục tháng Tám (1963-1965)… Hiện nay, ông đang là chủ nhiệm đề tài “Tiến sĩ Phú Yên”. Công trình là sự khẳng định và minh chứng truyền thống hiếu học, tư tưởng "Hiền tài là nguyên khí quốc gia cũng như bồi dưỡng đội ngũ trí thức, các cán bộ khoa học kỹ thuật bậc cao để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Cả cuộc đời song hành cùng sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giáo dục, Nguyễn Xuân Đàm là tấm gương sáng cho thế hệ về sự phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ. Một cốt cách thanh bạch, trong sáng được tôi luyện trong lò lửa chiến tranh. Để rồi, khi tóc bạc trắng vẫn lặng lẽ góp sức xây dựng đất nước, quê hương. 

- Nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm, sinh năm 1937, quê xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, Phú Yên
- Phó tiến sĩ khoa học giáo dục (1979) – Viện hàn lâm khoa học giáo dục Liên Xô.
- Huân chương quyết thắng hạng Nhất, Nhì, Ba.
- Huân chương giải phóng hạng Nhì, ba
- Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
- Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (1960)
- Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, vì thế hệ trẻ, vì sự nghiệp công đoàn, vì sự nghiệp khoa giáo. Kỷ niệm chương ”Chiến sĩ Trường Sơn”.
- Danh hiệu Nhà giáo ưu tú (1994)
Phạm Thị Hải Dương
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 41
accessibility Hôm qua: 74
account_circle Trong tháng: 258.903
account_box Trong năm: 1.236
supervisor_account Tổng truy cập: 3.185.608