Thầy giáo Nguyễn Văn Phú: LUÔN NỖ LỰC ĐỂ VƯƠN TỚI THÀNH CÔNG

Cập nhật lúc:   15:08:33 - 26/09/2017 Số lượt xem:   1266 Người đăng:   Administrator
Thầy Nguyễn Văn Phú Thầy Nguyễn Văn Phú
Cuộc đời của mỗi con người luôn mong ước có được sự thành công, nhưng ai cũng hiểu rằng, thành công...
Cuộc đời của mỗi con người luôn mong ước có được sự thành công, nhưng ai cũng hiểu rằng, thành công có được, bao giờ cũng chứa đựng những giọt mồ hôi, nước mắt, sự kiên trì bền bỉ và ý chí, nghị lực vươn lên hết mình. Với thầy giáo Nguyễn Văn Phú cũng không là ngoại lệ. Để đạt được danh hiệu cao quý “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”, thầy đã không ngừng cố gắng, phấn đấu, tích cực, hăng say lao động và cống hiến hết mình cho sự nghiệp “Trồng người”. Với thầy, con đường phía trước vẫn còn dài, chính vì thế thầy luôn nguyện lòng mình phải không ngừng cố gắng, để làm việc, để cống hiến, bằng nghị lực, trí tuệ và tấm lòng của một người thầy giáo luôn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ.  

Vì học sinh thân yêu
 
Thầy giáo Nguyễn Văn Phúsinh ngày 08 tháng 9 năm 1964, tại phường Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo nhưng có truyền thống hiếu học. Vì gia đình đông anh em nên tuổi thơ của Nguyễn Văn Phú đã đi qua những tháng năm gian khó, dẫu hoàn cảnh gia đình thiếu thốn nhưng cha mẹ vẫn quyết tâm làm lụng vất vả để mong các con được học hành nên người. Năm 1984, tốt nghiệp sư phạm, thầy Nguyễn Văn Phú cùng vợ là cô giáo Trần Thị Kim Liên (quê ở Cam Ranh) được phân công về dạy học ở huyện miền núi Tây Sơn (nay là Sơn Hòa). Ngày ấy miền đất này còn rất nhiều khó khăn, đường sá đi lại xa xôi, cách trở, cơ sở vật chất giáo dục thiếu thốn nhưng người dân nơi đây có tấm lòng bao dung và chan chứa tình người nên thầy đã tự nguyện gắn bó dài lâu. Trải qua hơn 30 năm sinh sống và công tác, huyện Sơn Hòa đã trở thành quê hương thứ hai của gia đình thầy giáo Nguyễn Văn Phú. Sau 16 năm đứng trên bục giảng, năm 2000, thầy Phú được cấp trên điều động về công tác tại Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa, ở độ tuổi chín chắn và khả năng cống hiến tốt của một đời người. Với thầy: “Công việc là niềm vui, chắt chiu thời gian và tâm huyết để thực hiện tốt công việc được phân công luôn là niềm hạnh phúc”. Nhờ ham học hỏi và cầu tiến, thầy Phú đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm và đề xuất nhiều cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện cuộc vận động “Mỗi cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục nhận đỡ đầu cho một học sinh có nguy cơ bỏ học vì nghèo hay học yếu” và Phong trào “Lao động sáng tạo”; Đồng thời hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với công việc được phân công, nên trong suốt quá trình công tác, thầy Nguyễn Văn Phú luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao; tạo sự đoàn kết nội bộ, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của đơn vị; không ngừng học tập kinh nghiệm thực tế, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; yêu ngành, yêu nghề; bảo vệ và nâng cao uy tín nghề nghiệp. Tận tâm với công việc là sự nhận xét của lãnh đạo và đồng nghiệp trong ngành dành cho thầy Phú.
 
Được ngành giáo dục tin tưởng, phân công phụ trách nhiều lĩnh vực, với khối lượng công việc được giao khá nhiều, thầy Phú luôn trăn trở, suy nghĩ cách làm, đầu tư thời gian, kể cả ngày nghỉ; nghiên cứu các văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên; trao đổi, học tập đồng nghiệp, tổng kết kinh nghiệm, vận dụng vào thực tiễn công tác. Nhờ sự nỗ lực không ngừng trong nhiều năm liền thầy Phú đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; nổi bật nhất là thực hiện cuộc vận động “Tiếp sức cho em đến trường” do Tỉnh ủy và ngành giáo dục Phú Yên phát động.
 
Thầy Phú chia sẻ: Với cương vị Phó Chủ tịch Công đoàn ngành, tôi đã cùng với Ban Thường vụ chỉ đạo các trường, đồng thời vận động các tổ chức xã hội quyên góp giúp đỡ trao học bổng cho 216 lượt học sinh nghèo gần 186 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 01 căn nhà cho học sinh trị giá 32 triệu, tặng 48 chiếc xe đạp và dụng cụ học tập. Kể về cuộc vận động giúp đỡ học sinh nghèo, trong 3 năm qua đã trao học bổng gần 300 triệu đồng cho 313 học sinh; trong đó có 192 là học sinh dân tộc thiểu số, tính bình quân mỗi em được nhận 140.000 đ/tháng, từ nguồn đóng góp của nhà giáo và người lao động trong ngành. Việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với nhà giáo và người lao động cũng được thầy Phú quan tâm tổ chức bằng nhiều hình thức như: Chỉ đạo các công đoàn cơ sở quan tâm sắp xếp nơi ăn ở cho giáo viên mới về nhận công tác; đề xuất sửa chữa, nâng cấp nhà công vụ, khu tập thể giáo viên ngày càng khang trang. Tổ chức nhiều hình thức giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong đời sống, cũng như trong chuyên môn, nghiệp vụ. Thầy đã suy nghĩ, tìm tòi, dày công triển khai công tác xây dựng “Quỹ tương trợ”, “Quỹ hỗ trợ nhà giáo và lao động có hoàn cảnh khó khăn”, “Quỹ giúp nhau làm kinh tế” tại các Công đoàn cơ sở và đã được CĐCS triển khai thực hiện cũng như quan tâm đúng mức. Qua đó, đã giúp đỡ nhiều nhà giáo và người lao động có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế gia đình, chữa bệnh, khắc phục thiên tai, với tổng số tiền trên 528 triệu đồng…
 
Không chỉ thể hiện sự quan tâm về vật chất, việc củng cố kiến thức cho học sinh cũng được thầy quan tâm thực hiện nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường... Hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục huyện nhận đỡ đầu cho một học sinh có nguy cơ bỏ học vì nghèo hay học yếu”, đã có 1.874 lượt cán bộ quản lý, giáo viên nhận giúp đỡ, bồi dưỡng, dạy phụ đạo cho 1.849 lượt học sinh; trong đó đáng chú ý là có 1.039 lượt học sinh dân tộc diện học kém, yếu kém và trung bình yếu trong toàn huyện. Qua bồi dưỡng, kết quả đạt được tính cụ thể là xếp loại giỏi gồm 12 lượt em. Xếp loại khá gồm 78 lượt em. Xếp loại trung bình gồm 1.612 lượt em. Với tổng số 37.065 tiết dạy phụ đạo của giáo viên cấp THCS và 34.692 buổi dạy phụ đạo của giáo viên cấp Tiểu học. Cuộc vận động đã góp phần làm giảm tỷ lệ bỏ học của học sinh từ 2,9% năm học 2009- 2010 xuống còn 0,4% năm học 2014-2015. Được Huyện ủy, UBND huyện và Sở GD-ĐT đánh giá cao, năm 2015 được Công đoàn Giáo dục tỉnh đề nghị Công đoàn giáo dục Việt Nam tặng bằng khen nhân dịp 5 năm tổng kết cuộc vận động, giai đoạn 2010-2015.
 

Thầy Nguyễn Văn Phú (bìa trái) trao thưởng cho học sinh giỏi 
nhân dịp tổng kết năm học 2014-2015
Nỗ lực phấn đấu và những thành quả xứng đáng
 
Cùng một lúc phụ trách nhiều công việc từ chuyên viên công tác Pháp chế; công tác Đội, Nhi đồng; hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; hoạt động ngoại khóa và phụ trách Văn - Thể - Mỹ đến Phó Chủ tịch Công đoàn giáo dục, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, thư ký Hội Cựu giáo chức kiêm thường trực các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành GD-ĐT huyện, vậy nhưng nhiều năm liền thầy Phú đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 
Không chỉ đảm nhận các vai trò công tác mà thầy còn tâm huyết và thực hiện rất nhiều sáng kiến cải tiến phục vụ ngành. Thầy luôn nghiên cứu, đổi mới, đề xuất, áp dụng những sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học trong công tác chỉ đạo và quản lý để mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, năm 2010, với đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hành văn bản của cơ quan Phòng Giáo dục - Đào tạo và Công đoàn Giáo dục qua hộp thư điện tử”, giá trị làm lợi gần 90 triệu đồng. Đến nay, công trình này, được áp dụng rộng rãi trong toàn ngành, đã tiết kiệm chi cho ngân sách của ngành hơn 450 triệu đồng. Đề tài này được Hội đồng khoa học cấp tỉnh xếp loại A và được UBND Tỉnh công nhận sáng kinh nghiệm cấp tỉnh. Thầy giáo Nguyễn Văn Phú chia sẻ: Trong nhiều công việc thực hiện, ở địa bàn một huyện miền núi rất khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là các trường học vùng sâu, vùng xa; bản thân tôi tâm đắc nhất là việc áp dụng đề tài Ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hành văn bản của cơ quan Phòng Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục qua hộp thư điện tử.
 
Thầy kể: Năm 2009, thực hiện chỉ đạo của UBND Tỉnh, Sở GD-ĐT, LĐLĐ Tỉnh về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học. Nhiệm vụ của Ngành là quản lý 41 trường học và CĐCS, bình quân mỗi ngày phải phát hành 03 văn bản để chỉ đạo các trường và CĐCS; 01 văn bản báo cáo cấp trên thông qua chuyển phát bằng đường bưu điện; gây tốn kém về giấy tờ in ấn, photo, mất thời gian ghi thông tin trên phong bì, gây lãng phí về nhân lực (thực tế phải mất 01 cán bộ làm việc này 8 tiếng trong ngày). Bên cạnh đó, do mạng lưới các trường rộng, phương tiện đi lại khó khăn, văn bản chỉ đạo đến nơi chậm và đôi lúc bị thất thoát, cho nên việc phản hồi, phúc đáp thông tin và tổ chức thực hiện nội dung chỉ đạo cấp trên của các nhà trường không đảm bảo yêu cầu của Ngành, gây khó khăn lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Vì thế việc thay đổi hình thức chỉ đạo mới là yêu cầu tất yếu, khi được sự phối hợp của Viettel Phú Yên hỗ trợ về đường truyền nối internet, thầy Phú đã tham mưu lãnh đạo huyện cho phép triển khai việc phát hành văn bản qua hệ thống thông tin điện tử trong toàn ngành.
 
Đề cập về khó khăn ban đầu khi thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, thầy Phú nói: Những năm đó, hạ tầng công nghệ thông tin toàn ngành rất yếu kém và lạc hậu, nguồn nhân lực hầu như không có gì; Viettel chỉ lắp đặt được đường truyền internet khoảng 1/2 đơn vị, một nửa số trường còn lại không thể lắp đặt được, vì thế tôi đã vận động các đơn vị và một số cán bộ, viên chức liên quan phải trang bị thiết bị di động 3G. Bước tiếp theo là ban hành quy chế, quy định các loại văn bản chỉ đạo qua trang thông tin điện tử của ngành và tổ chức nhiều đợt tập huấn cho Cán bộ quản lý, giáo viên để biết cách sử dụng và thực hiện. Đến tháng 5 năm 2010, công việc trên đã dần dần ổn định đi vào nền nếp. Sau 5 năm thực hiện đề tài, kết quả đạt được mà thầy tâm đắc nhất chưa phải là việc tiết kiệm kinh phí, mà là hiệu quả, hiệu lực quản lý được thực hiện chặt chẽ, quy trình thực hiện được nhanh gọn, ít tốn kém thời gian và nguồn nhân lực cho toàn ngành. Đơn cử chỉ cần nhấp chuột gửi thư điện tử cho 41 trường học báo cáo số liệu đột xuất, thời gian sau 3 giờ đã có ngay thông tin để tổng hợp, đáp ứng tốt công tác tham mưu với lãnh đạo ngành và kịp thời báo cáo cấp trên.
 
Nhận xét về thầy Nguyễn Văn Phú, thầy Hoàng Vũ Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hòa đánh giá: Thầy Phú là công chức tận tụy với công việc, có nhiều sáng tạo trong công tác, đã có những đề xuất, biện pháp sát, đúng; tham mưu có hiệu quả cho lãnh đạo đơn vị. Đặc biệt trong công tác được giao, thầy Phú luôn được đánh giá có thái độ làm việc chuẩn mực, gương mẫu và sống gần gũi với mọi người. Thầy còn có “khiếu” tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, công tác đội…Thành tích ấy đã góp phần quan trọng đưa phong trào giáo dục của huyện ngày càng được nâng cao; thầy luôn được đồng nghiệp và lãnh đạo ngành tin yêu. Dù bất kỳ ở vị trí nào, thầy Nguyễn Văn Phú cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mọi sự nỗ lực của thầy luôn vì mục tiêu là giúp cho các em học sinh nghèo được đến trường, đời sống vật chất của nhà giáo và người lao động trong ngành ngày càng nâng cao.. 
NGỌC ÁNH
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 71
accessibility Hôm qua: 64
account_circle Trong tháng: 310.538
account_box Trong năm: 40.203
supervisor_account Tổng truy cập: 3.180.523