Được xây dựng từ những năm kháng chiến chống Mỹ, trường có tên gọi là trường Nam tiểu học Tuy Hòa..
Được xây dựng từ những năm kháng chiến chống Mỹ, trường có tên gọi là trường Nam tiểu học Tuy Hòa. Năm 1998, trường được đổi tên thành trường tiểu học Trưng Vương, trải qua các giai đoạn xây dựng và trưởng thành, tập thể Trường Tiểu học Trưng Vương đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc. Trường được Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, Thủ tướng tặng Bằng khen và nhiều danh hiệu xuất sắc khác, có được thành tích ấy, đó là nhờ sự nỗ lực không ngừng của tập thể thầy và trò nhà trường. Trong thành tích chung ấy, không thể không kể đến vai trò quan trọng của cô giáo Vũ Khắc Ngọc Diện – Phó Hiệu trưởng nhà trường, Bí thư Chi bộ Trường Tiểu học Trưng Vương.
Những thế hệ học trò đã qua thời cắp sách từ năm 1984 đến nay, khi được hỏi về cô Diện, không ai không biết câu truyền miệng: “Nhất Chiến, nhì Diên, tam Nhàn, tứ Diện”, cô là 1 trong 4 giáo viên được học trò đặt cho thời đó, họ là những giáo viên vừa giỏi, vừa dữ, vừa dũng lại vừa dưỡng để học sinh nên người. Đến nay, có người đã ra trường hơn 30 năm, quay về thăm trường gặp cô vẫn nhắc đến câu nói ấy, và rõ ràng hình ảnh của những giáo viên giỏi như cô Diện luôn được học trò yêu quý vì họ luôn say mê với những bài giảng của thầy mình.
Khi được hỏi về nghề giáo của mình, cô nói: Cô muốn trở thành nghề giáo theo truyền thống gia đình, cha nguyên là giáo viên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, nhiều người trong gia đình công tác trong ngành giáo dục, cô Diện đã sớm có lòng yêu thích nghề dạy học. Lớn lên, cô theo học Trường THSP Phú Khánh và ra trường năm 1981 rồi gắn bó với nghề suốt gần 35 năm nay. Trong quãng thời gian đó, cô không ngừng phấn đấu, tự học, tự rèn để nâng cao năng lực chuyên môn, đồng thời hoàn thành các văn bằng nâng cao trình độ nghiệp vụ để phục vụ công tác giảng dạy.
Suốt gần 35 năm gắn bó với nghề, hơn 15 năm làm quản lý giáo dục, cô giáo Vũ Khắc Ngọc Diện luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khi còn là một giáo viên, cô không ngừng phấn đấu, tự học, tự rèn để nâng cao năng lực chuyên môn. Những năm đầu giảng dạy ở huyện Tuy An, cô đã được đánh giá là người có triển vọng và giàu nghị lực trong chuyên môn. Cô luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, để đạt danh hiệu đó, cô chia sẻ:“Những ngày mới ra trường, tài liệu và đồ dùng dạy học còn rất thiếu thốn. Nếu dạy “chay” thì học sinh rất khó học. Vì thế, cô thường xuyên sưu tầm hình ảnh, câu chuyện hoặc đồ dùng cụ thể để chuẩn bị cho các giờ lên lớp. Công việc này khá vất vả, nhưng cô thấy vui bởi chỉ cần nhìn học sinh học một cách chăm chú là trong lòng cô cảm thấy phấn khởi, cô còn nói, dạy tiểu học, nhìn các em trong sáng với đôi mắt thơ ngây, hồ hởi nghe cô giảng bài là trong lòng lại thấy vui niềm vui không tả được”.
Năm 1984 cô được điều về trường Trưng Vương, ban đầu còn bỡ ngỡ, nhưng với bản chất cần cù, chăm chỉ, cô vừa học để hoàn thiện các văn bằng theo quy định, vừa nỗ lực để cống hiến mình trong sự nghiệp trồng người. Được nhận nhiệm vụ dạy lớp 5, đây là lớp cuối cấp I, nên cô luôn chăm chút cho học trò của mình các vấn đề cơ bản nhất, đặc biệt là 2 môn Toán và Tiếng Việt, cô luôn phụ đạo cho những học sinh yếu ngay trong bài giảng của mình và từng thế hệ đi qua những bài giảng của cô đều nhớ về hình ảnh cô giáo Diện thời ấy.
Nghi thức Đội, một sinh hoạt ngoại khóa của Trường Tiểu học Trưng Vương-TP Tuy Hòa - Ảnh: CTV
Bên cạnh công tác chuyên môn, cô cho biết thêm về cơ sở vật chất nhà trường trong những năm trước so với thời bây giờ, cô nhớ lại: “Ngôi trường Nam tiểu học (Tiểu học Trưng Vương bây giờ) với khoảng 20 phòng học, chưa được khang trang như ngày nay, cơ sở ọp ẹp, bàn ghế do chế độ cũ để lại từ những năm 1960 nên hầu hết đã xuống cấp, những phòng học được lợp ngói, nhưng dột nát, rui, lách, cột, kèo đều mục rỗng, những cơn gió mạnh có thể làm lay đổ phòng học. Lúc nhận nhiệm vụ dạy học ở đây, ngoài lòng yêu nghề giáo thì khát vọng tuổi trẻ trong cô hừng hực. Trong đầu lúc nào cũng suy nghĩ phải làm thế nào để xây dựng được trường học khang trang đầy đủ cho học sinh bớt khổ; không để học sinh bỏ học, làm cách nào để nâng cao chất lượng dạy và học cho học trò…đó chính là lí do cô luôn trăn trở và ao ước cùng tập thể thực hiện ước mơ của mình”. Muốn biến ước mơ thành hiện thực thì cô đã phải tham mưu cho lãnh đạo và tạo niềm tin trong đội ngũ giáo viên bằng cách tạo sự đồng thuận trong tập thể, trong hội phụ huynh trong việc xây dựng trường chuẩn. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, cách bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn về kiến thức; các phương pháp bồi dưỡng giáo viên giỏi, học sinh giỏi… nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và học sinh trong trường. Trải qua khó khăn, vất vả, đến nay Trường tiểu học Trưng Vương ngày càng khẳng định được mình. Hiện tại trường có 28 phòng học cao tầng, thoáng mát, sạch sẽ, khang trang và các phòng chức năng để phục vụ cho công tác dạy và học của nhà trường. Nhà trường còn có một cảnh quan môi trường thoáng mát rợp bóng cây xanh và bồn hoa, thảm cỏ, ghế đá. Tất cả tạo nên một ngôi trường xanh, sạch, đẹp.
Ngoài chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, Cô Diện luôn tham mưu cho lãnh đạo quan tâm tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chú trọng thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn. Bản thân cô cũng đã đưa ra 1 số giải pháp, sáng kiến, như: “Giải pháp xây dựng tập thể đoàn kết vững mạnh”, “giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học”... Bên cạnh đó, cô còn cùng cán bộ, giáo viên nhà trường thực hiện hiệu quả các phong trào và cuộc vận động như: “Hai không”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Xây dựng nhà trường thành một tập thể đoàn kết, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ các học sinh nghèo, khuyết tật; động viên, hỗ trợ tiền cho các giáo viên, học sinh bị bệnh hiểm nghèo đi chữa bệnh...
Cô giáo Trần Thị Lý – tổ trưởng tổ 3 cho biết: Cô Diện không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn luôn tích cực trong công việc, nhất là công việc quản lý, quan tâm đến đời sống cán bộ, giáo viên của trường. Với tấm lòng mến yêu đồng nghiệp, cô luôn là cầu nối để anh em giáo viên xích lại gần nhau hơn. Trong công tác quản lý cô luôn nắm bắt và triển khai đầy đủ các văn bản của cấp trên và thực hiện có hiệu quả…”
Thầy giáo Trần Văn Hòa bày tỏ: “Cô Diện là một cán bộ hết lòng vì công việc và tận tụy với anh em trong trường. Bản thân Tôi là người từng được Cô cùng các anh em đồng nghiệp quan tâm trong lúc khó khăn, hoạn nạn nên Tôi không những quý mến, tôn trọng Cô mà cả những đồng nghiệp trong trường đều yêu mến cô. Cô Diện luôn gần gũi anh em, cán bộ và luôn tạo sự đoàn kết, tin tưởng trong đội ngũ giáo viên của trường”.
Những thành tích nhà trường gặt hái được có phần đóng góp quan trọng của cô Phó hiệu trưởng Vũ Khắc Ngọc Diện. Hình ảnh người nữ phó hiệu trưởng bình dị, gần gũi, tâm huyết ngày ngày đến trường, chăm chút từng hoạt động của nhà trường. Nhiều giáo viên của nhà trường vẫn kể với nhau một câu chuyện rằng, ở trường dù ai có công chuyện lớn nhỏ gì, đau ốm, bệnh tật hay hiếu hỉ không ai để ý thì cô Diện lại là người luôn tìm hiểu đời tư 1 cách thầm lặng để luôn kịp thời, động viên, khích lệ anh em, luôn nhẹ nhàng để kéo anh em cán bộ giáo viên xích lại gần nhau hơn. Đó thật sự là một hình ảnh đầy giá trị nhân văn mà các giáo viên nhà trường học tập, noi theo.
Trong câu chuyện kể với chúng tôi, cô Diện luôn hướng về các đồng nghiệp, về trường lớp, về học sinh, như đó chính là cuộc đời của cô. Cô cho biết: “Đối với cô, thành tích và sự khen thưởng không quan trọng. Khi làm không hề nghĩ tới danh hiệu, cô luôn muốn dành hết cho mọi người, cô chỉ muốn mình làm tốt, mọi người đến trường gặp gỡ, giảng dạy là niềm vui, không là áp lực”. Những gì cô muốn đó chính là sự đoàn kết, ghi nhận tập thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính cái tâm, cái tầm của người quản lý, người lãnh đạo như cô mà nhiều năm liền, Trường Tiểu học Trưng Vương luôn là đơn vị dẫn đầu cấp Thành phố. Tấm gương thầm lặng về tình yêu nghề, lòng yêu học trò, thương yêu đồng nghiệp cùng những đóng góp mà cô giáo Vũ Khắc Ngọc Diện cống hiến đã viết chung trong bảng thành tích của nhà trường sẽ còn được lưu giữ mãi trong lòng chúng tôi, các thế hệ học trò và các đồng nghiệp của cô ■
Phương Quỳnh