Sinh ra và lớn lên ở vùng đất chỉ có nắng gió và biển khơi, nghệ nhân Nguyễn Bình Thoảng với hàng chục ...
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất chỉ có nắng gió và biển khơi, nghệ nhân Nguyễn Bình Thoảng với hàng chục giải thưởng của Trung ương và địa phương về thành tích sáng tác, biểu diễn và truyền nghề góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát triển làn điệu dân ca bài chòi, bộ môn nghệ thuật vừa được Nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Về làng cát nghe hát bài chòi
Khu phố Phú Thọ 3 bây giờ, (Thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên) trước 1975 có tên gọi khác là Lò 3, một động cát mênh mang quanh năm nắng gió. Gọi là “Lò”, vì trước đây, khi dân làng biển ra khơi, trúng đậm những mẻ cá, thường dựng trại, mỗi trại có 3 lò hấp, kho, sấy để bảo quản cá; rồi đưa về các vùng thôn dã, miền núi buôn bán, đổi lấy lúa gạo, sắn, bắp… theo cách nói của người dân vùng thượng nguồn “củi khô gởi xuống, cá chuồn đưa lên” là quan hệ trao đổi lương thực, thực phẩm giữa miền núi và vùng xuôi. Địa danh thân thuộc Lò 1, 2, 3 sinh ra từ đấy. Cũng tại đây, một thời chế độ cũ đã thiết lập hai đường băng cứu nạn để phòng khi những máy bay từ quân trường Đông Tác cất cánh đánh bom, bị trúng đạn của bộ đội ta về đây hạ cánh, lánh nạn. Vì vậy, người dân nơi đây không chỉ trần trụi với gió cát mà còn phải đương đầu với bom gầm đạn réo; họ kiên cường bám trụ, ngoài nghĩa cử gắn bó quê hương, mảnh đất nghèo dãi dầu nắng gió này còn nặng tình với việc đùm bọc, chở che cho bộ đội, cất giấu vũ khí từ những chuyến tàu không số cập bến Vũng Rô.
40 năm cuộc chiến đi qua, điều kỳ lạ không ai lý giải, tại sao ở vùng đất khắc nghiệt này lại tồn tại nghệ thuật bài chòi; người dân làng cát, ai cũng thích nghe, xem và mê hát bài chòi, nhưng không ai lý giải vì sao bài chòi “nhiễm” vào xứ này và có từ bao giờ…? Họ chỉ biết rằng, cách nay mấy đời, từ ông, cha, mình và con cháu vùng đất Hòa Hiệp, ai ai cũng coi hát bài chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu. Ông Nguyễn Nghi, ông Hữu Sang gần 70 tuổi, trên 50 năm biết hát và truyền dạy bài chòi, là hàng xóm của anh Thoảng cho biết: “Tôi được tiếp xúc và đam mê bài chòi từ nhỏ qua các gánh hát “Bầu Nừng” từ Bình Định, Quảng Nam vào; gọi như vậy bởi thời đó, họ là những gánh hát dạo với một tốp diễn viên, nhạc công từ 5 - 7 người, di chuyển phục trang, đạo cụ, trống kèn… từ làng này sang làng khác, từ nhà nọ tới nhà kia bằng mang vác; nơi biểu diễn của họ chỉ là đôi chiếu trải trước sân đình hoặc sân nhà; ánh sáng là ngọn đèn biển măng-xông, hát mộc nhưng người xem cứ như bị mê mẩn, hút hồn bởi những ca từ mộc mạc, thiết tha, dễ hiểu, dễ nhớ của bài chòi. Những làn điệu Xuân nữ, Nam xuân, Xàng xê, Hò Quảng… gần gũi, sâu lắng, trữ tình cứ đan quyện, thổn thức, réo rắc đậm chất dân dã đã “ngấm” vào tình đất, tình người nơi đây rất chân chất và mặn mà như muối mặn “đời em”. Chúng tôi biết hát bài chòi, thành thạo bắt phách, giữ nhịp là nhờ ông Ba Cát, cha anh Thoảng tập tành chỉ bảo từ nhỏ. Ông Đỗ Xuân Nam nói thêm: Tôi còn nhớ những lần gò giọng để tập hát những làn điệu xuân nữ, xàng xê, cổ bản… Ông Ba Cát thường nói vui: Năng khiếu là vốn trời cho/ nhỏ mà không học lớn mò sao ra nghe các con!”
Nhờ có người trong làng “cầm càng” mà hát bài chòi cứ lan tỏa, dân Phú Thọ 3 từ thưởng thức chuyển sang biết hát, biết biểu diễn bài chòi để phục vụ cho chính mình và cứ thế duy trì cho đến ngày nay. Người dân Lò 3 còn có niềm tự hào là cái nôi đào luyện nên nghệ nhân Bình Thảng - Hội viên Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, người vừa được Hội đồng cấp tỉnh xét, đề nghị Nhà nước công nhận nghệ nhân ưu tú đợt đầu ở Phú Yên.
Nghệ nhân làng cát
Trong giới nghệ sỹ và những người yêu thích nghệ thuật sân khấu Phú Yên đều thân quen với Nguyễn Đình Thoảng, nghệ danh Bình Thảng ở KP Phú Thọ 3, TT Hòa Hiệp Trung; anh nổi trội, xông xáo và đa năng: Vừa sáng tác, đạo diễn, dàn dựng, vừa là diễn viên cốt cán của các vỡ diễn. Tên tuổi của anh được khẳng định tại các kỳ liên hoan, hội diễn ở thể loại dân ca Khu 5 nhưng đặc sắc nhất vẫn là “món” bài chòi. Anh Thoảng tâm sự: “Tôi có được may mắn là sống trên vùng đất mà ai cũng say sưa với làn điệu bài chòi, nó được ví như cơm ăn, nước uống hàng ngày vậy. Chính nơi đây đã sinh trưởng, nuôi dưỡng các thế hệ đàn anh, nối tiếp việc truyền dạy dân ca như: Nghệ nhân Nguyễn Thành Nhân, Bùi Thành, Đỗ Xuân Nam… và chính họ là những người hướng cho tôi vào nghiệp hát xướng từ khi mới biết đọc, biết viết”.
Cơ may năm 1985, Phòng VHTT huyện Tuy Hòa (cũ) đã chọn anh Thoảng tham gia lớp học dân ca tại Trường Văn hóa - Nghệ thuật Phú Khánh. Với năng khiếu bẩm sinh, cộng với niềm đam mê và chút “vốn liếng” học được từ các thầy cô và những diễn viên chuyên nghiệp; về địa phương anh bắt đầu mày mò sáng tác, dàn dựng, biểu diễn; cùng với thế hệ đàn anh gây dựng phong trào văn nghệ chòm xóm mình bằng cách tập hát, tập diễn cho bạn bè trang lứa; tổ chức nhiều sô diễn trích đoạn từ các vỡ cổ tích như: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lâm Sanh - Xuân Nương, Phạm Công - Cúc Hoa và các làn điệu hò quảng, cổ bản khác…để phục vụ dân làng sau những ngày sóng lặn, biển yên, dân làng được mùa tôm cá.
Song, có lẽ một khởi đầu suôn sẻ và đáng nhớ là vào năm 1987, lần đầu tiên “xuất quân” Đình Thoảng đã dàn dựng cho Công ty Thủy sản huyện Tuy Hòa tham gia Hội diễn NTQC ngành đạt giải Nhất với tiểu phẩm “Hai mái tóc một tấm lòng”. Đó là bước đệm, khơi nguồn cho nghiệp ca hát của anh. Sau này, mỗi lần các tác phẩm do anh sáng tác, dàn dựng, biểu diễn tham gia các hội thi, hội diễn của tỉnh và Trung ương đều đạt thứ hạng cao đã chắp cánh cho khả năng của mình tự tin, vươn xa với loại hình dân ca. Để ươm mầm cho những hạt nhân hát dân ca nói chung và nghệ thuật bài chòi, trên 10 năm qua anh đã dành phần lớn thời gian và công sức tổ chức dạy nhiều lứa học trò tại nhà và là người đầu tiên có sáng kiến đưa dân ca vào Dự án “Sân khấu học đường” tại một số trường THPT và THCS của huyện Đông Hòa. Không những thế, anh còn tham gia giảng dạy với tư cách là một người thầy, tự nguyện “làm công không lương”. Đến nay, anh đã dạy hàng trăm học trò, trong đó có những người đã thành danh như: Ca sỹ Quang Thơm, Thanh Huệ (Đoàn Ca múa nhạc Dân gian Sao Biển) cô Thu Sa giờ là GV âm nhạc Trường Tiểu học Hòa Xuân Tây, các em Trúc Linh, Trúc Lai giờ đang là sinh viên Trường Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, nhạc viện TP HCM… Anh còn là người chủ xướng ở Câu lạc bộ Đàn hát dân ca huyện với 20 thành viên, vừa là cộng tác viên đắc lực của Phòng VHTT trong các chương trình tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ở địa phương bằng hình thức sân khấu hóa. Chừng ấy công sức, đóng góp của anh đã được đền đáp; tại Hội diễn toàn quốc ngành Công an, anh đã đạt giải nghệ nhân xuất sắc nhất vào năm 2014, và cũng trong năm đó Nghệ nhân Bình Thảng được Hội nghệ sỹ sân khấu kết nạp làm hội viên.
Tiếng song lang, đàn kìm hàng đêm vẫn đều nhịp, vang xa nghe êm đềm mà thênh thang, lắng động của một vùng quê đầy gió cát, nơi nhóm lên ngọn lửa cho tình yêu và sức sống của bộ môn nghệ thuật bài chòi sáng mãi./.
Mạnh Minh Tâm