NGƯỜI THẦY VÌ SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC

Cập nhật lúc:   15:09:57 - 26/09/2017 Số lượt xem:   888 Người đăng:   Administrator
Mặc dù đã gọi điện hẹn trước, nhưng phải đôi lần sau đó mới gặp được thầy, cũng dễ hiểu và dễ cảm ...
Mặc dù đã gọi điện hẹn trước, nhưng phải đôi lần sau đó mới gặp được thầy, cũng dễ hiểu và dễ cảm thông bởi những ngày gần kề kết thúc năm học 2014 – 2015 bao nhiêu công việc dồn lên vai của người “Đứng mũi chịu sào” như thầy. Đó là thầy hiệu trưởng Huỳnh Ngọc Phú – Trường THPT Phan Bội Châu huyện Sơn Hoà – tỉnh Phú Yên – ngôi trường mang tên người chí sĩ yêu nước. 

Phải thừa nhận rằng thầy hiệu trưởng Huỳnh Ngọc Phú là người luôn gây ấn tượng mạnh mẽ cho những người đối diện và đối thoại với ông. Người nhanh nhẹn, hoạt bát, cởi mở, luôn nở nụ cười tươi, dịu dàng, khiêm tốn, nhưng không kém phần thẳng thắn nghiêm túc. Đối với đồng nghiệp thầy luôn hòa nhã cảm thông và chia sẻ. Đối với học sinh thầy luôn yêu thương, dìu dắt, giúp đỡ. Đồi với công việc thầy luôn tận tụy, uy tín, yêu nghề, yêu sự nghiệp. Mỗi khi thầy đã nói là làm, thầy đã hứa là giữ lời, dù khó khăn đến mấy cũng phải hoàn thành bằng được: Việc hôm nay không để lại ngày mai. “Thầy là tấm gương sáng của trường” nhiều thầy cô và học sinh của trường Phan Bội Châu nhận xét.
 
Thầy hiệu trưởng Huỳnh Ngọc Phú nhớ lại, những năm đầu mới thành lập ngôi trường này gặp muôn vàn khó khăn và thay đổi nhiều tên gọi khác nhau như: Trường vừa học vừa làm Tây Sơn hệ THPT (năm 1980) đến trường cấp 2-3 Sơn Hòa (năm 1991) rồi trường cấp 2-3 Phan Bội Châu (năm 1998) và trường THPT Phan Bội Châu (năm 2003)… Nhưng đáng nhớ nhất vào thập niên 90 thế kỉ trước (giai đoạn cuối của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp) đời sống của thầy và trò thiếu hụt trăm bề. Học sinh lần lượt bỏ học ngày càng nhiều, từ 11 lớp với 350 học sinh năm học 1988 – 1989 xuống còn 6 lớp năm học 1990 – 1991 tỉ lệ học sinh giảm đến báo động 53/7 %; số giáo viên bỏ dạy đi đào đãi vàng sa khoáng hoặc chạy theo nghề khác cũng rất cao lên đến 25%.
 
Trước thực trạng thầy giảm trò bỏ, cơ sở vật chất không đảm bảo cho việc dạy và học luôn là niểm trăn trở của những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục huyện nhà. Không thể khoanh tay đứng nhìn trường không trò vắng, Ban giám hiệu nhà trường họp bàn kỹ lưỡng tạo điều kiện giúp đỡ cho những thầy và trò còn lại bám lớp bám trường, mặt khác không ngại khó khăn gian khổ “Khăn mang mũ đội tức tốc vượt đường dài hơn trăm cây số đến với lãnh đạo tỉnh Phú Khánh trình bày và xin ý kiến chỉ đạo” cứu lấy tình thế, cứu lấy ngôi trường bởi đó là sứ mệnh và lòng thiết tha có chữ để thoát nghèo trong tương lai của nhân dân huyện miền núi Sơn Hòa xa xôi hẻo lánh.
 
Tháng 8 năm 1991 lãnh đạo tỉnh Phú Khánh ra quyết định chính thức nhập bộ phận học sinh 2 cấp, trường cấp 1 – 2 Sơn Bình vào trường PTTH Tây Sơn và đổi tên gọi trường cấp 2 – 3 Sơn Hòa, lúc này cơ sở vật chất của trường từng bước được thay đổi. Từ ngôi trường vách đất siêu vẹo dột nát trở thành ngôi trường cấp 4 khang trang với 5 phòng học uy nghi bề thế do UNICEF hỗ trợ xây dựng. Từ đó trường có bước phát triển nhảy vọt. Thầy hiệu trường Huỳnh Ngọc Phú tâm sự: “Khi được sự thống nhất của lãnh đạo cho phép 2 cấp học nhập lại học chung thì trách nhiệm và nhiệm vụ của nhà trường càng nặng nề hơn bao giờ hết. Bởi vừa giáo dục đào tạo học sinh cấp 3 học theo chương trình PTTH, vừa giáo dục đào tạo học sinh cấp 2 học theo chương trình THCS. Để tạo nguồn cho cấp 3 và đại học đòi hỏi người dạy phải đạt được trình độ sư phạm, phải vững vàng về chuyên môn để đảm bào chất lượng giáo dục đào tạo. Ngoài việc người dạy vững vàng chuyên môn còn phải làm tốt công tác Đoàn, Đội, Hoạt Động Xã Hội… Nhờ sự thống nhất từ Ban giám hiệu đến giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn theo dõi quản lý chặt chẽ học sinh học tập; kịp thời uốn nắn, hướng học sinh theo đúng nội quy nhà trường đề ra. Hàng tuần đều có đánh giá chất lượng học tập xếp loại thi đua và được công bố trước toàn trường. Hàng năm sau khi khai giảng năm học Ban giám hiệu nhà trường có kế hoạch kiểm tra toàn diện đối với học sinh, kiểm tra chuyên đề đối với từng giáo viên, phân công nhiệm vụ cụ thể, đánh giá chất lượng, từng bước nâng cao chất lượng giờ dạy; Đồng thời phát huy thành tích của từng học sinh học tập trong giờ học.
 
Nhờ vậy mà chất lượng học tập của học sinh ngày một tăng dần; học sinh tốt nghiệp 2 cấp THCS – PTTH ngày càng cao. Số lớp, số thầy cũng tăng dần theo hàng năm. Từ 14 lớp với 554 học sinh năm học 1990 – 1991, thì 8 năm sau học sinh tăng lên 27 lớp với 1163 học sinh đạt tỷ lệ 309%; Số giáo viên cũng tăng từ 28 giáo viên năm học 1990 – 1991 lên 61 giáo viên năm học 1998 – 1999 đạt tỉ lệ ở giai đoạn này là 389%”.
 
Nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh nhà trường về lòng yêu nước, Ban giám hiệu nhà trường cấp 2 – 3 Sơn Hòa một lần nữa có công văn đề nghị Sở giáo dục đào tạo Phú Yên và UBND tỉnh Phú Yên xem xét cho phép trường cấp 2 -3 Sơn Hòa được mang tên người chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Tháng 10 năm 1998, UBND tỉnh Phú Yên có quyết định đổi tên trường là trường cấp 2 – 3 Phan Bội Châu. Và 5 năm sau đó 2003 chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên có quyết định số 2962/2003/QĐ – UB về việc tách trường cấp 2 – 3 Phan Bội Châu ra thành trường THPT Phan Bội Châu. Cơ sở vật chất của trường được xây dựng khang trang hiện đại. Hai dãy phòng học lý thuyết 2 tầng gồm 20 phòng. Khối hành chính quản trị 2 tầng gồm 8, phòng hệ thống nhà vệ sinh của thầy và trò đầy đủ, cùng với nhà để xe của thầy trò khang trang. Một công trình hiện đại của dãy nhà 3 tầng gồm khối thư viện của trường để học sinh tham khảo, 3 phòng thí nghiệm vật lý, hóa học học sinh; 2 phòng máy vi tính nối mạng internet và phòng học ngoại ngữ, phòng dạy đa năng. Khối nhà công vụ 20 chỗ ở của thầy và nhà nội trú của trò với 108 chỗ ở. Tất cả đều nằm gọn trên diện tích 30.000m2 có tường rào bao bọc che chắn.
 
Năm học 2014 – 2015, nhà trường THPT Phan Bội Châu có 37 lớp với 1518 học sinh và 90 cán bộ, giáo viên, công nhân viên 100% đạt chuẩn giáo viên THPT trong đó có 7,8% trên chuẩn có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, v.v. Tất cả đều sẵn sàng lao vào nhiệm vụ mới. Theo kế hoạch chiến lược đến 2020 trường THPT Phan Bội Châu hoàn thiện với tỉ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 90% và học sinh đổ vào các trường đại học cao đẳng ngày càng cao. Nhìn lại chặng đường chưa xa, nhà trường đã nhiều lần thay đổi với điều kiện hết sức khó khăn nhưng tập thể thầy cô giáo trường THPT Phan Bội Châu đã đào tạo được 657 lớp học với 6080 học sinh tốt nghiệp THPT đạt tỉ lệ 85,5% học sinh trúng tuyển vào các trường đại học cao đẳng là 3040 học sinh và tất cả họ đều trở về phục vụ cho quê hương.
Có được những thành quả trên là do nhiều yếu tố gắn bện lại với nhau. Yếu tố thầy, yếu tố trò yếu tố chủ quan khách quan. Trong số đó không thể không nói tới vai trò của “Con chim đầu đàn, người đứng mũi chịu sào” tức thầy hiệu trưởng nhà trường Huỳnh Ngọc Phú ■ 
Trần Cao Trí
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 79
accessibility Hôm qua: 74
account_circle Trong tháng: 244.287
account_box Trong năm: 24.509
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.829