Áo dài - một cảm nhận

Cập nhật lúc:   17:07:00 - 04/01/2018 Số lượt xem:   17305 Người đăng:   Admin
Trang phục áo dài của thiếu nữ trước 1975. Ảnh: Tư liệu Trang phục áo dài của thiếu nữ trước 1975. Ảnh: Tư liệu
Quần áo dùng để che thân thể từ khi con người văn minh, song nó còn thể hiện trình độ tri thức
Quần áo dùng để che thân thể từ khi con người văn minh, song nó còn thể hiện trình độ tri thức của một quốc gia. Muốn nhận thấy quốc gia nào có tiến bộ, và quan niệm về mỹ học tinh tế hay không, người ta cứ nhìn xem y phục của nước họ là đủ đánh giá. Y phục của các nước Âu Mỹ không những gọn gàng, hợp với khí hậu sở tại mà kiểu mẫu rất đa dạng và đẹp. Như thế đã thể hiện trình độ tri thức rất cao, một nền văn minh rõ rệt. Áo dài của Việt Nam cũng không là ngoại lệ. 

Áo dài là trang phục truyền thống của Việt Nam, (đang có đề nghị nâng lên thành quốc phục của Việt Nam, như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc... ). Áo dài được mặc cùng với quần dài, che thân từ cổ đến xuống quá đầu gối và dành cho cả nam lẫn nữ, nhưng hiện nay thường được biết đến nhiều là trang phục nữ. Đặc biệt, áo dài thường được mặc trang trọng vào các dịp lễ hội, trình diễn. Các trang phục khi mặc áo dài sẽ làm tăng thêm phần duyên dáng đó là nón lá, khăn đóng, hài, guốc mộc, giày cao gót và kết hợp kèm theo các nữ trang kiềng, vòng đeo cổ sẽ tăng thêm nét quí phái cho phụ nữ.


Áo dài trong lịch sử

Ngược dòng lịch sử, không ai biết rõ chiếc áo dài nguyên thủy ra đời từ lúc nào và hình dáng ra sao, mặc dù đang có nhiều nỗ lực nghiên cứu. Những hình khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ cách đây hàng ngàn năm, cho thấy hình phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ. Kiểu sơ khai của chiếc áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, khi mặc thì hai cổ áo giao nhau áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy, thắt lưng buông thả. Người xưa đi chân đất, người quyền quí thì mang guốc gỗ, dép giày. Ngoài chiếc áo giao lãnh còn có kiểu áo tứ thân, gồm bốn vạt nửa: vạt nửa trước phải, vạt nửa trước trái, vạt nửa sau phải và vạt nửa sau trái. Kiểu áo này do chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) định ra là áo năm thân cổ đứng cài khuy. Áo ngũ thân che kín thân hình không để hở áo lót. Mỗi vạt có hai thân nối sống thành bốn vạt , tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, và vạt con nằm dưới vạt trước chính là thân thứ năm tượng trưng cho người mặc áo. Vạt nhỏ nối với hai vạt lớn nhờ cổ áo có bâu đệm và khép kín nhờ năm chiếc khuy tượng trưng cho quan niệm về ngũ thường của Nho giáo trong triết học Đông phương.

Đặc biệt trong thời kỳ này, để tỏ rõ quyết tâm độc lập với Đàng Ngoài, Nguyễn Phúc Khoát còn quy định y phục mới cho dân chúng, cụ thể là Phụ nữ phải mặc áo dài và quần chứ không mặc váy như ở Đàng Ngoài. Ông giao cho triều thần nghiên cứu tham khảo chiếc áo dài của người Chàm (tiếng Chàm là áo Aw Kamei Cam) gần như áo dài hiện nay nhưng không xẻ nách, với áo dài của phụ nữ Thượng Hải là Sườn xám xẻ đến đầu gối và áo dài tứ thân của ta, để chế ra áo dài cho Phụ nữ Đàng Trong và phải mặc với quần hai ống như thế để phân biệt với chiếc quần không đáy (tức là cái váy, cái củn). Chữ quần ……thuộc bộ y chỉ đồ mặc để che phần dưới thân thể của đàn bà Việt Nam ngày xưa, phải được hiểu và phải được dịch Nôm là cái váy, để khỏi nhầm lẫn với cái quần đàn ông. Điều này được tranh dân gian Oger (1909) chứng minh rõ ràng hơn qua một tấm vẽ đàn bà mặc váy. Tranh được ghi chú bằng chữ Hán Nôm “ dã phụ y thử quần, tục danh quần đùm “. Người đàn bà trong tranh mặc váy, do đó chữ quần (Hán) phải được dịch (Nôm) là váy. Váy đùm là váy buộc túm cạp lại.

Áo dài hôm nay một biểu tượng của Việt Nam

Từ ngữ “Áo dài” ao dai, được đưa nguyên từ Việt nhưng không bỏ dấu vào từ điển Oxford và được giải thích là một loại trang phục của Việt Nam, với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài. Như vậy, trong con mắt của thế giới áo dài cũng được xem là quốc phục và là một biểu tượng đẹp của Việt Nam.

Áo dài vừa mang tính truyền thống cũng vừa hiện đại, cho nên trong những năm đất nước ta bắt đầu đổi mới, trang phục này bắt đầu có những thay đổi mạnh mẽ, có thể mặc mọi nơi, làm trang phục công sở, đồng phục trong nhà trường, mặc trong các sự kiện.

Chiếc áo dài tân thời tức áo dài hiện đại đã được thiết kế để tôn thêm vẻ đẹp thân hình của phụ nữ. Phần trên ôm sát thân hình và phần dưới hai vạt buông thật mềm mại trên đôi ống quần rộng, hai tà áo được xẻ trên vòng eo khiến cho người mặc thật thoải mái, gây sự dịu hiền tạo dáng thướt tha, góp phần tôn thêm vẻ nữ tính, vừa kín đáo toàn thân được bao bọc bởi vải lụa mềm, nhưng cũng có nét khêu gợi vì chiếc áo làm nổi các đường cong và lộ sống eo thon thả của người mặc. Đặc biệt áo dài hiện đại các số đo và vóc dáng, màu sắc mang tính cá nhân rất cao, mỗi chiếc chỉ may riêng cho mỗi người, dành riêng cho người đó.

Áo dài mặc lên tôn dáng và tạo vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng, nhưng cũng là một thách thức cho người mặc. Phải biết cách chọn kiểu tóc và cách trang điểm, phụ kiện sao cho phù hợp. Ngày nay, ngày càng xuất hiện những mẫu áo dài cách điệu, chính đây là sự lựa chọn khó khăn cho các người đẹp, khi phải tìm được chiếc áo dài trẻ trung quý phái vừa cuốn hút, nhưng vẫn đậm tính truyền thống.

Để mặc áo dài đẹp

Áo dài là một trang phục truyền thống của chúng ta, vậy nên tà áo dài là một sự lựa chọn cho phụ nữ, phong cách gợi cảm, đằm thắm, dịu dàng. Ngoài các người mẫu họ đã đạt được các chiều cao lý tưởng để mặc áo dài, thì các phụ nữ khác với các lứa tuổi khác nhau, biết mặc áo dài sao cho lịch sự, đẹp và quyến rũ nhất là những người có hiểu biết và tinh tế để thể hiện cốt cách, tinh thần của áo dài. Bởi vì đặc trưng nổi bật của áo dài là nét thanh lịch, kín đáo, nhã nhặn, ôm sát cơ thể để tôn lên những đường cong tuyệt mỹ của cơ thể phụ nữ. Phần lưng áo chít lại được đẩy lên cao tạo cảm giác về đôi chân dài và làm tăng thêm chiều cao cơ thể. Tuy vậy, chính vì đặc điểm ôm sát phần thân trên, thì áo dài cũng rất dễ làm lộ những nhược điểm cơ thể, nếu thợ may và người mặc không tinh ý khi mặc áo dài.

Áo dài cách tân, bạn nghĩ gì?

Trong thời đại công nghệ hiện đại, chiếc áo dài không còn bó buộc trong những quy tắc thời trước của những nguyên bản từ xưa. Giới trẻ ngày nay mộ điệu thời trang dễ dàng bắt gặp nhiều áo dài cách tân. Áo dài này thay đổi rất nhiều trong kết cấu, kiểu dáng và các họa tiết, các biến tấu lạ mắt, gây ra không ít “thảm họa áo dài” từ những nhà thiết kế non tay. Và người mặc cũng gây ra những cảm giác tò mò lạ lẫm. Vẫn biết trong thiết kế cần có những ý tưởng sáng tạo, với áo dài cùng là cách tân phần cổ áo, có những mẫu áo dài cổ thuyền rất thanh lịch, duyên dáng. Nhưng có những thiết kế vượt qua giới hạn của sự thanh lịch thướt tha kín đáo mà áo dài truyền thống đã có, nhiều chiếc áo dài “vô tội” từ nhà thiết kế đã làm méo mó hình ảnh đẹp đẽ vốn có của áo dài.

Đặc trưng nổi bật của áo dài là nét thanh lịch thướt tha, làm tôn lên vẻ đẹp nữ tính mà ai cũng cảm nhận được. Trải qua bao thăng trầm, nhưng vẻ đẹp áo dài lúc nào cũng tôn lên được cốt cách phong thái của người mặc. Đáng tiếc là một số biến thể kỳ lạ ngày nay cũng làm mai một đi tinh thần vốn có của áo dài Việt Nam. 
Họa sĩ: Chấn Hưng
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 41
accessibility Hôm qua: 74
account_circle Trong tháng: 258.903
account_box Trong năm: 1.236
supervisor_account Tổng truy cập: 3.185.608