Khoa học & Công nghệ Khoa học & Công nghệ

Ứng dụng khoa học công nghệ trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Cập nhật lúc:   15:22:42 - 12/08/2024 Số lượt xem:   56 Người đăng:   Administrator
Các sản phẩm của Công ty TNHH Yến Sào Khang Châu đều có gắn tem QR và truy xuất nguồn gốc. Ảnh: LỆ VĂN Các sản phẩm của Công ty TNHH Yến Sào Khang Châu đều có gắn tem QR và truy xuất nguồn gốc. Ảnh: LỆ VĂN
Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một hoạt động quan trọng đối với tất cả các bên tham gia chuỗi cung ứng. Truy xuất nguồn gốc nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp nhà sản xuất, doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu sản phẩm, đồng thời giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi khi mua sắm.
Tích cực thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa 
Thời gian qua, các ngành, địa phương đã tích cực thực hiện truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, nhất là các loại hàng hóa nông sản. Có nhãn hàng hóa và tem TXNG, nông sản bày bán trong các siêu thị, trung tâm thương mại được người tiêu dùng tin tưởng hơn. 
Đơn cử sản phẩm Yến Sào Khang Châu được dán mã QR, gắn tem TXNG, được bày bán trong sân bay Tuy Hòa và trong các hệ thống siêu thị. Bà Trần Bảo Châu, Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Khang Châu cho rằng để tiếp tục nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng, doanh nghiệp đã chú trọng nâng cao chất lượng ISO, HACCP để đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm; đồng thời TXNG rõ ràng, tạo dựng thương hiệu bền vững trên thị trường và hướng đến xuất khẩu. 
Đối với ông Võ Minh Tuấn ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), sau khi sản phẩm trái cây từ vườn cây ăn trái của gia đình được công nhận là sản phẩm OCOP, được dán tem TXNG rõ ràng, lượng khách đặt mua trái cây tăng cao đáng kể. Ông Tuấn cho biết, giờ đây, nỗi lo về đầu ra hay vấn đề “được mùa, mất giá; được giá mất mùa” đã không còn nữa. Có thương hiệu OCOP, mức độ nông sản của gia đình ông tiêu thụ gấp mấy lần so với trước, có những thời điểm bán đến 2 tấn. 
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, nông sản gắn tem TXNG giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời nâng tầm giá trị. Vì vậy, địa phương yêu cầu các đơn vị, các xã, thị trấn hướng dẫn, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp thực hiện TXNG để nâng cao giá trị hàng hóa. 
“Ở đây không chỉ nói riêng các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sản xuất mà phải nói đến vai trò bệ đỡ của các cơ quan quản lý để tạo ra những vùng thương hiệu, vùng sản phẩm đồng chất, đồng nhất và có quy trình sản xuất để chứng nhận xuất xứ hàng hóa, bảo đảm tính ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, ông Thành nói. 
Theo ông Trần Phú Hà, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tỉnh, mục đích của TXNG sản phẩm không đơn giản là dán tem để người tiêu dùng yên tâm, mà đây còn là công cụ để cơ quan chức năng xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến quá trình sản xuất, tiêu thụ. Việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong TXNG sử dụng mã QR là xu hướng tất yếu. Hiện nay, Phú Yên có hàng chục cơ sở sản xuất thực hiện dán tem truy xuất hàng hóa sản phẩm nông, lâm, thủy sản..., chủ yếu là sản phẩm của các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm OCOP. 
Đa dạng công nghệ, kết nối và chia sẻ dữ liệu truy xuất 
Theo bà Trịnh Thu Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam), công nghệ TXNG được rất nhiều nước phát triển áp dụng từ lâu, như một khâu bắt buộc của sản phẩm, nếu muốn lưu thông trên thị trường. Tại Việt Nam, TXNG mới được quan tâm trong những năm gần đây, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG. 
Cũng theo bà Hải, hiện nay trên thế giới sử dụng nhiều phương pháp TXNG như: Đối với sản phẩm bao gói sử dụng tài liệu, thông tin, chứng nhận nguồn gốc, chứng nhận phân tích… hoặc tem truy xuất, nhãn truy xuất đóng gói sản phẩm với các thông tin như: Tên sản phẩm, thành phần và phụ gia, nguồn gốc xuất xứ, tên, địa chỉ nơi sản xuất, hạn sử dụng… 
Đối với các sản phẩm dạng rời, có bao gói, giá trị cao, có thể dùng phương pháp nhận dạng quang học, thông qua “Bar code”, “QR code” thông tin sản phẩm được lưu trữ và truyền tải bằng ký hiệu (khoảng trắng, vạch thẳng, độ rộng khoảng cách...) mà máy móc có thể đọc được. Ngoài ra có thể sử dụng phương pháp thẻ điện từ: EID, RFIDs, NFC... 
Theo đó, sản phẩm được gắn tem/seal ngay khi tham gia vào khâu sản xuất và được cập nhật thông tin trong từng công đoạn, sử dụng công nghệ điện tử để truy xuất được thông tin. Các phương pháp sử dụng công nghệ nhận diện TXNG giúp kiểm soát được thông tin trên toàn chuỗi, đảm bảo tính đồng bộ và kịp thời của số liệu khi xảy ra sự cố và quản lý tập trung trên quy mô lớn. 
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, việc TXNG có thể thực hiện linh hoạt, đa dạng, sử dụng đa nền tảng để đáp ứng yêu cầu với nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ, cũng như các tiêu chuẩn TXNG. Do đó, rất cần triển khai các hoạt động kết nối, truyền thông để chia sẻ, lan tỏa thông tin rộng rãi, kết nối mạng lưới thanh niên, tổ chức các cuộc thi nhằm cập nhật kiến thức mới, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực TXNG để đạt hiệu quả cao nhất.  
TXNG có thể hiểu là giải pháp cho phép doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ghi nhận tất cả thông tin, chuyển động của sản phẩm mỗi khi phát sinh thông tin từ lúc bắt đầu sản xuất đến sản phẩm cuối cùng. Mục đích là để theo dõi và truy lại chính xác từng công đoạn của quá trình hình thành ra nó trong chuỗi cung ứng. 
Bà Trịnh Thu Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu,
Đào tạo và Hỗ trợ tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam)
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 37
accessibility Hôm qua: 76
account_circle Trong tháng: 283.407
account_box Trong năm: 34.613
supervisor_account Tổng truy cập: 3.174.933