Ba điều kiện để người dân góp ý dự thảo chính sách

Cập nhật lúc:   17:12:44 - 13/12/2017 Số lượt xem:   106 Người đăng:   Administrator
Các tờ báo nếu biết cách và có trách nhiệm thì có thể biến không gian góp ý chính sách từ nhàm chán sang hấp dẫn, lôi cuốn.
Cập nhật ngày: 05/03/2013
Các tờ báo nếu biết cách và có trách nhiệm thì có thể biến không gian góp ý chính sách từ nhàm chán sang hấp dẫn, lôi cuốn.

 

“Để người dân tham gia tích cực, có ý nghĩa vào đóng góp dự thảo chính sách, chính quyền phải đáp ứng ba điều kiện: có thông tin, thông tin trung thực làm cơ sở cho góp ý; có thủ tục công khai, hợp lý, thuận lợi cho người dân tham gia góp ý; và có tranh luận rộng rãi, lành mạnh, công khai”.

Đó là nhận định được TS Nguyễn Quang A nêu ra tại hội thảo về tác nghiệp báo chí trong việc lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo chính sách, do RED - tổ chức nghiên cứu về truyền thông thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và nhà tài trợ - Đại sứ quán Anh đồng tổ chức, ngày 27-2.

Dẫn lại câu chuyện bauxite, TS Nguyễn Quang A cho biết từ năm 2001, tiếp theo là 2005, Việt Nam - Trung Quốc đã có những thỏa thuận hợp tác phát triển ngành bauxite, sau đó là một loạt các hoạt động triển khai dự án. Thế nhưng chỉ đến cuối năm 2008 và đầu 2009, khi một số nhà khoa học và quản lý kiến nghị dừng dự án thì mới thấy báo chí tham gia phản biện.

“Ở các giai đoạn đầu, các cơ quan chức năng đã không đáp ứng được ba điều kiện để người dân tham gia ý kiến vào chủ trương này. Còn giai đoạn sau, dường như các góp ý đã không thực sự được lắng nghe, dẫn tới hệ quả dự án cảng Kê Gà - cấu phần quan trọng giải quyết vấn đề đầu ra cho dự án bauxite nay phải dừng lại” - TS Nguyễn Quang A nhận xét.

“Đảng, Nhà nước đang mở đợt góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, thiết nghĩ bài học bauxite cần được xem xét thấu đáo. Có thế, HP cũng như các dự thảo chính sách khác mới thu hút được những đóng góp có trách nhiệm, chất lượng, từ đó tạo được đồng thuận xã hội trong các vấn đề lớn lao của nước nhà” - TS Nguyễn Quang A nói.

Đi sâu vào phân tích nguyên nhân báo chí tham gia hạn chế vào việc góp ý dự thảo chính sách, nhà báo Thanh Lương - báo Pháp Luật Việt Nam dẫn lại câu chuyện mới năm trước, nhiều báo phản ánh bất cập, vô lý trong dự thảo cấp giấy CMND mẫu mới buộc phải ghi tên cha, mẹ. Thế nhưng dự thảo vẫn được thông qua, triển khai, tiếp tục bị chỉ trích và đến nay đang được xem xét để tạm dừng thí điểm. “Người tích cực, có ý thức, trách nhiệm trong góp ý dự thảo chính sách thì chưa nhiều. Nhưng ý kiến của họ lại không được lắng nghe, phản hồi” - bà Lương nói.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Mai Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học - Văn phòng Quốc hội, thừa nhận có một số nguyên nhân tế nhị, mà nếu phóng viên, lãnh đạo các báo không tỉnh táo, có thể phải gánh chịu rủi ro khi đăng tải các ý kiến góp ý về các vấn đề nhạy cảm. Trong khi đó, nhà báo Nghĩa Nhân, Pháp Luật TP.HCM, cho rằng các tờ báo nếu biết cách và có trách nhiệm thì có thể biến không gian góp ý chính sách từ nhàm chán sang hấp dẫn, lôi cuốn...

 
Nguồn Vusta.vn ngày 01/03/2013

 

 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 88
accessibility Hôm qua: 106
account_circle Trong tháng: 275.440
account_box Trong năm: 24.063
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.383