“Thế hệ trẻ phải dám dấn thân và trải nghiệm”

Cập nhật lúc:   09:52:45 - 10/12/2017 Số lượt xem:   823 Người đăng:   Administrator
TS Nguyễn Tùng Lâm TS Nguyễn Tùng Lâm
Cứ bế tắc là tìm tới biện pháp tiêu cực, không hài lòng là giải tỏa bằng bạo lực..., điều này phải chăng do cuộc sống có quá nhiều áp lực hay bản thân các bạn trẻ chưa tự trang bị cho mình nh
Cập nhật ngày: 19/06/2013
Cứ bế tắc là tìm tới biện pháp tiêu cực, không hài lòng là giải tỏa bằng bạo lực..., điều này phải chăng do cuộc sống có quá nhiều áp lực hay bản thân các bạn trẻ chưa tự trang bị cho mình những kỹ năng sống cần thiết. 

Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, ông Nguyễn Tùng Lâm nói: “Hiện nay, một bộ phận thanh niên còn nhận thức sai về các giá trị sống, trong đó việc tôn trọng, quý trọng giá trị sống còn của bản thân là quan trọng nhất thì các em lại không nhận thức đúng. Ông cha ta có nói “Thương người như thể thương thân” nếu người nào không biết quý trọng giá trị bản thân mình trước, coi đó là điều quan trọng trong mỗi cuộc đời con người thì người đó khó tìm ra lẽ sống đúng đắn. Mặt khác, hiện một bộ phận thanh niên còn thiếu những kỹ năng sống cần thiết để bảo vệ mình trước những biến động của xã hội, dẫn đến nhiều hành vi đáng tiếc, gây hậu quả xấu cho xã hội và đau đớn cho gia đình.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rằng, sự tác động của xã hội lên tâm lý của thanh niên là cả một quá trình, nếu được gia đình, người thân quan tâm, phát hiện và điều trị sớm sẽ hạn chế hậu quả, nhưng ngược lại, hậu quả sẽ khôn lường.

Điều mà chúng ta cần hiện nay là giúp cho học sinh, sinh viên phải có hoài bão, ước mơ, dám dấn thân, có quyết tâm cao, không sợ khó, không sợ khổ để thực hiện những hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ cho học sinh, sinh viên này đang tồn tại nhiều hạn chế.

Nhà trường chưa đưa học sinh vào các hoạt động thực tiễn, với những biện minh về việc thiếu kinh phí; cha mẹ thì bao bọc con cái quá mức, không cho các em được thử thách với cuộc sống; sinh viên các trường ĐH, CĐ thì không gắn học với hành, cả ngày chỉ biết học mớ lý thuyết suông, thiếu ứng dụng trong thực tế, không có những hoạt động đoàn thể, ít những hoạt động nhóm dẫn tới sự nhàm chán, bó hẹp bản thân trong một phạm vi hẹp... Tất cả những điều đó tổng hòa lại, dẫn đến hệ lụy là khi gặp khó khăn hay thất bại, khủng hoảng trong cuộc sống, thanh niên thường không đủ bản lĩnh để vượt qua, từ đó tìm tới những biện pháp tiêu cực”.

Trước thực tế đáng báo động về cách ứng xử tiêu cực của một bộ phận thanh niên như hiện nay, nhiều người cho rằng Việt Nam nên tính tới phương án đưa giáo dục tâm lý học đường vào trường học. Đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Lâm cho rằng: “Nếu thực hiện được việc đưa tâm lý học đường vào nhà trường là một việc làm rất tốt, ai cũng thấy đây là việc làm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chỉ đạo để giải quyết.

Tuy nhiên, hiện nay trong khi giáo dục đang còn ngổn ngang những vấn đề chưa giải quyết triệt để như chất lượng dạy học, bài toán lương giáo viên thì việc đưa môn học này vào sẽ phải tính toán rất kỹ càng. Câu hỏi được đặt ra lại là kinh phí. Giải được bài toán kinh phí sẽ giải đáp được thắc mắc của bạn về việc có nên đưa môn học này vào nhà trường hay không”.

Hiện nay diễn đàn mạng xã hội được coi là nơi để giới trẻ trao đổi, giao lưu, thể hiện tình cảm. Tuy nhiên vấn đề đáng nói hiện nay là một bộ phận thanh niên coi diễn đàn mạng là nơi để chia sẻ những khủng hoảng trong cuộc sống, những cách hành xử tiêu cực, coi những chuyện tiêu cực là bình thường và làm theo, dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Về vấn đề này, ông Lâm nói: “Diễn đàn mạng xã hội hiện là nơi để các bạn trẻ chia sẻ những tâm tư, tình cảm của bản thân. Nó sẽ là tích cực khi tìm được những người đồng cảm cùng suy nghĩ theo hướng tích cực. Tuy nhiên sẽ là rất nguy hại nếu những suy nghĩ lệch lạc, những ứng xử thiếu văn hóa được lan truyền nhanh.

Thiết nghĩ cơ quan quản lý nhà nước về mạng xã hội cũng nên có những giải pháp ngăn chặn kịp thời với những biểu hiện tiêu cực như vậy. Sở dĩ tôi nói điều này là vì sự lan truyền trên diễn đàn mạng xã hội hiện nay rất khủng khiếp ảnh hưởng rất nhiều đến thanh niên nếu họ không có bản lĩnh, không có kiến thức vững vàng sẽ dễ bị lây nhiễm rất nhanh những suy nghĩ và hành vi tiêu cực”.

Một luồng ý kiến khác cũng cho rằng, sở dĩ thanh niên tìm đến những biện pháp tiêu cực là do sự cố gắng của họ trong cuộc sống không được công nhận, cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện đang thông tin về cái ác quá nhiều mà thiếu vắng những gương mặt thanh niên điển hình, tiêu biểu. Theo ông Lâm: “Điều đó chỉ đúng một phần, không phải tất cả. Nếu một người khẳng định mình có tài, có cống hiến cần phải tìm cách khẳng định, không phải ngồi một chỗ để chờ mọi người công nhận.

Tuy nhiên, với những trường hợp đó tôi cho rằng, đó còn là sự ngộ nhận. Tài năng phải được thể hiện bằng thử thách. Tài năng, cống hiến phải thể hiện ở việc rẽ sóng đưa ý tưởng vào thực tiễn. Người giỏi không chỉ là người nghĩ ra ý tưởng, người giỏi phải là người thực hiện ý tưởng”.

Là một chuyên gia tâm lý, ông có thể chia sẻ vài điều với các bạn trẻ hiện nay, để giúp họ tránh được những sai lầm đáng tiếc trong cuộc sống? Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, ông Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ: “Tôi rất tin vào thế hệ trẻ, thế hệ trẻ của nước ta rất thông minh, rất giỏi giang. Tuy nhiên các bạn phải trang bị cho mình một hành trang để bước vào đời đó là "niềm tin", tin vào cuộc sống. Nếu không làm được điều này thì các bạn như ngọn đèn leo lắt, dễ dàng vụt tắt trước những sóng gió, biến động của cuộc sống.

Bên cạnh đó, đã là thế hệ trẻ thì phải dám dấn thân, giành lấy những ước mơ, hoài bão cho bản thân, đừng chờ đợi vào ai khác, ngoài bản thân mình. Đừng sợ thất bại, nếu thất bại tiếp tục đứng lên và đi tiếp.

Hiện chúng ta còn quá ít những thanh niên không sợ thất bại, dám đấu tranh, giành lấy hoài bão, ước mơ. Do vậy, chúng ta phải nhân lên đội ngũ này.

Các bạn trẻ hay thay đổi tư duy, đừng lầm tưởng là trưng diện, chỉ khoác lên mình có quần áo thời trang, những phụ kiện đắt tiền là hơn người. Điều đó là quá nhỏ bé. Đó chỉ là những yếu tố bề ngoài, bản chất, bản lĩnh con người dám dấn thân cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội của tuổi trẻ mới là yếu tố quan trọng, quyết định giá trị của mỗi người”. 

 
Nguồn: Vusta.vn ngày 18/06/2013

 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 62
accessibility Hôm qua: 106
account_circle Trong tháng: 275.414
account_box Trong năm: 24.037
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.357