Ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển cây ăn trái ở Sông Hinh

Cập nhật lúc:   14:00:12 - 11/09/2023 Số lượt xem:   383 Người đăng:   Administrator
Ứng dụng KH-CN phát triển cây sầu riêng ở Sông Hinh. Ảnh: LỆ VĂN Ứng dụng KH-CN phát triển cây sầu riêng ở Sông Hinh. Ảnh: LỆ VĂN
Thời gian qua, huyện Sông Hinh đã ban hành nhiều chương trình, chính sách tập trung đẩy mạnh CNH-HĐH gắn với ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế. 
Những kết quả bước đầu 
Huyện Sông Hinh là một trong những địa phương triển khai nhiều mô hình KH-CN trên các loại cây ăn trái, như: áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây sầu riêng, bơ, ổi…; kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái chuyên sâu; xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái theo chuẩn nông nghiệp sạch, VietGAP, nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Huyện phối hợp với Sở KH&CN tổ chức hội nghị về ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông nghiệp cho cây sầu riêng; tập huấn kỹ thuật trồng cây mắc ca tại xã Ea Bar. Đồng thời, địa phương và người dân đã tích cực ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp trong công tác giống lúa, bắp, sắn... Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp ngày càng được nâng cao, đóng góp quan trọng vào nguồn thu của địa phương. 
Hiện nay, huyện Sông Hinh có 7 sản phẩm nông nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, như: Cam sành, cam V2, bưởi da xanh, bò 1 nắng… Các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới được triển khai, nhân rộng đến nông dân, như chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, gieo sạ né rầy và mô hình công nghệ sinh thái… Huyện cũng đã xây dựng và áp dụng có hiệu quả các quy trình thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP đối với nhiều loại cây trồng (đặc biệt là cây ăn trái), góp phần giảm chi phí sản xuất, phát thải khí nhà kính, sản xuất sản phẩm an toàn so với canh tác truyền thống. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy quy mô sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Sông Hinh còn nhỏ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao, giá trị gia tăng thấp. Sản xuất nông nghiệp ở địa phương chủ yếu dựa vào các ưu thế về tự nhiên, đất đai, khí hậu nên dễ bị tổn thương trước thiên tai, dịch bệnh và để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Việc hình thành cánh đồng mẫu lớn để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được thuận lợi. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn chưa theo kịp xu thế, nhu cầu của thị trường. Mặt khác, công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức… Do đó cần tăng cường ứng dụng KH-CN để phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng cho cây ăn trái ở huyện Sông Hinh trong thời gian đến. 
Đẩy mạnh ứng dụng KH-CN vào sản xuất 
Để làm được điều này, Sông Hinh cần tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, cũng như mở rộng diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn. Song song đó, huyện cần tập trung thực hiện Kế hoạch 91 của UBND tỉnh Phú Yên về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Quyết định 1914 của UBND tỉnh phê duyệt đề án Xây dựng vùng cây ăn trái gắn với chế biến hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm đến năm 2030. 
Bên cạnh đó, địa phương cần huy động tối đa nguồn lực hỗ trợ, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo đúng chủ trương, chính sách hiện hành của Nhà nước, cũng như xem xét một số chính sách đặc thù về nông nghiệp của địa phương, như: hỗ trợ phát triển cây ăn trái, gắn với xây dựng mã số vùng trồng trên cây sầu riêng, hướng đến xuất khẩu; hỗ trợ chế biến bảo quản nông sản để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp... Điều cần thiết là tổ chức sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nâng cấp cơ sở hạ tầng; huy động các nguồn lực ngoài ngân sách và vận động đóng góp từ người dân; chú trọng đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản. Đồng thời tập trung đầu tư và hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật như thủy lợi, điện, đường giao thông, các dịch vụ hỗ trợ, qua đó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung. 
Ngoài ra, huyện cũng cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ ngành Nông nghiệp, KH-CN để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, oganic; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia chương trình OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu...
Cơ cấu cây trồng hàng năm trên địa bàn Sông Hinh có sự chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, với một số cây trồng chủ yếu như: Vùng trồng lúa nước đạt 1.800ha; bắp 1.500ha; sắn 10.000ha; mía 5.000ha; cao su 4.350ha; cây ăn trái các loại đạt 1.705ha. Trong đó, diện tích cây ăn trái có giá trị kinh tế cao đạt trên 800ha, gồm sầu riêng Monthong, sầu riêng Ri6, bưởi da xanh, cam xoàn, mít thái, mãng cầu thái, nhãn hương chi...

ĐÀO ĐỨC DŨNG
Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 51
accessibility Hôm qua: 117
account_circle Trong tháng: 244.925
account_box Trong năm: 25.147
supervisor_account Tổng truy cập: 3.165.467