TTTT & PBKT TTTT & PBKT

Đông Hòa tiếp tục đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Cập nhật lúc:   14:55:18 - 09/03/2021 Số lượt xem:   1840 Người đăng:   Administrator
Mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình ông Trương Đình Quý. Ảnh: ANH NGỌC Mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của gia đình ông Trương Đình Quý. Ảnh: ANH NGỌC
Thời gian qua, việc triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở TX Đông Hòa có nhiều chuyển biến và khởi sắc, nhất là việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đúng hướng, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Hiện thị xã này tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều mô hình hiệu quả 
Hiện có nhiều hộ nông dân ở TX Đông Hòa đầu tư phát triển các mô hình nông, lâm, ngư theo hướng bền vững và cho thu nhập khá. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Trương Đình Quý ở xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa) được địa phương đánh giá là mô hình khép kín, mang lại hiệu quả cao, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. 
Theo ông Trương Đình Quý, trước đây do điều kiện sản xuất không phù hợp nên hiệu quả không cao, hơn nữa gia đình chăn nuôi ngay trong khu dân cư nên không thể mở rộng sản xuất vì sẽ gây ô nhiễm môi trường. 
Năm 2018, ông Quý quyết định thuê hơn 1ha đất bìa rừng (giáp với rừng sản xuất) ở khu phố Nam Bình 1, phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa để triển khai mô hình chăn nuôi kết hợp. Từ đó, ông trồng cỏ, nuôi trâu, bò vỗ béo, nuôi dê và tận dụng phân trâu, bò để nuôi trùn quế, tận dụng nguồn thức ăn trùn quế để nuôi gà… 
Ông Quý cho biết: Tôi đã tham quan nhiều mô hình, học hỏi cách chăm sóc, phòng ngừa, điều trị một số bệnh thông thường trên gia súc, gia cầm và thường xuyên liên hệ với cán bộ thú y, cán bộ Phòng Kinh tế để được hướng dẫn về kỹ thuật. Hiện ở nông trại này, lúc nào gia đình cũng duy trì từ 20-25 con trâu, bò. 
Mỗi lần mua về từ 3-5 con với giá khoảng 20-25 triệu đồng/con, sau 2-3 tháng nuôi vỗ béo bán lại 30-35 triệu đồng/con. Gia đình tận dụng phân trâu, bò để nuôi trùn quế, hiện có 2 khu nuôi với diện tích khoảng 300-400m2. Hàng tuần, chúng tôi xuất bán từ 60-80kg trùn quế với giá khoảng 70.000 đồng/kg và sau 3 tháng xuất bán từ 5-7 tấn phân trùn quế với giá từ 2.000-2.500 đồng/kg. 
Gia đình tôi còn nuôi hơn 40 con dê, trong đó hơn 15 dê cái nuôi sinh sản để duy trì bầy đàn, còn lại chủ yếu nuôi bán thịt. Ngoài ra còn nuôi hàng trăm con gà ta thả vườn… 
Tương tự gia đình ông Trương Đình Quý, ông Võ Ngọc Chẩn ở thôn Cảnh Phước, xã Hòa Tân Đông cũng triển khai mô hình nông, ngư kết hợp. Năm 2019, ông Chẩn đầu tư hệ thống nước tưới, công cụ sản xuất hơn 100 triệu đồng để trồng các loại rau màu như đậu phộng, dưa leo, khổ qua, dưa hấu… trên diện tích đất của gia đình. Nhờ chủ động nước tưới và chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản đạt rất cao, được người tiêu dùng ưa chuộng vì đây là sản phẩm sạch. 
Mặc dù mới triển khai mô hình còn gặp nhiều khó khăn nhưng lãi mỗi năm thu về khoảng 60-80 triệu đồng. Cuối năm 2020, gia đình ông Võ Ngọc Chẩn quyết định mở rộng sản xuất và đầu tư nuôi cá lóc. Ông Chẩn cho biết: Cá lóc nuôi bể lót bạt HDPE là một mô hình mới ở địa phương nên gia đình tôi mới xây 8 bể, mỗi bể khoảng 6m2, mật độ thả nuôi khoảng 80 con/m2. Thức ăn cho cá chủ yếu là thức ăn viên công nghiệp. Qua hơn 3 tháng nuôi, cá phát triển tốt, đạt trọng lượng khoảng 4-5 con/kg… 
Tiếp tục đầu tư để phát triển 
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, thời gian qua, TX Đông Hòa không ngừng đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, gắn với công nghiệp chế biến để đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 
Địa phương đã vận động và tạo điều kiện cho người dân áp dụng kỹ thuật canh tác mới, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. 
Đến nay, trên địa bàn TX Đông Hòa đã chuyển đổi khoảng 450ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn như trồng sen, diệp hạ châu, rau màu, đậu phộng, bắp, dưa hấu... 
“Thủy sản được xác định là lĩnh vực mũi nhọn, có nhiều tiềm năng phát huy lợi thế nên địa phương đang xây dựng ngành thủy sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Nhiều mô hình nuôi xen canh tôm và các đối tượng khác, nuôi thủy sản kết hợp mang lại hiệu quả cao”, bà Thuận nói. 
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, cho biết: Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 
TX Đông Hòa cũng chú trọng phát triển các giống lúa chất lượng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng; đẩy mạnh sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày, rau màu thực phẩm sử dụng giống mới, luân canh, xen canh, sản xuất theo quy trình VietGAP. 
Địa phương cũng đang thu hút các doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế và sức cạnh tranh cao của thị xã, đặc biệt là nuôi trồng và đánh bắt hải sản, các sản phẩm chăn nuôi truyền thống có lợi thế...
Thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 
                                         Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa
ANH NGỌC
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 33
accessibility Hôm qua: 106
account_circle Trong tháng: 275.385
account_box Trong năm: 24.008
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.328