TTTT & PBKT TTTT & PBKT

Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng

Cập nhật lúc:   10:43:36 - 05/12/2022 Số lượt xem:   342 Người đăng:   Administrator
Hội viên tham quan mô hình trồng sầu riêng của ông Cao Thanh Lâm ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh). Ảnh: LỆ VĂN Hội viên tham quan mô hình trồng sầu riêng của ông Cao Thanh Lâm ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh). Ảnh: LỆ VĂN
Thời gian qua, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, từng bước giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế vườn - ao - chuồng (VA
Nhiều mô hình hiệu quả 
Theo ông Lê Luân, Chủ tịch HLV tỉnh, trong thời gian qua, hội chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành Nông nghiệp, trung tâm khuyến nông, lâm, ngư, phòng nông nghiệp các địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham quan trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm vườn cho các hội viên. HLV tỉnh đã phối hợp với HLV các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, TX Đông Hòa, TP Tuy Hòa tổ chức tập huấn cho hàng nghìn lượt hội viên kỹ thuật làm VAC, trồng hoa lay ơn, diệp hạ châu, trồng mít, trồng rừng... Qua đó, nhiều nông dân áp dụng vào quá trình sản xuất, xây dựng mô hình VAC đạt hiệu quả cao. 
Điển hình, tại huyện miền núi Sông Hinh, mô hình trang trại trồng cam của hộ ông Trương Minh Tuấn (thị trấn Hai Riêng), trang trại trồng sầu riêng của hộ ông Cao Thanh Lâm (xã Ea Bar) được nhiều hội viên đến tham quan học tập. 
Ông Trương Minh Tuấn chia sẻ: “Tôi trồng 2ha cam, thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm. Ban đầu trồng cam sạch cũng gặp nhiều khó khăn, do không nắm vững kỹ thuật. Từ khi áp dụng kiến thức khoa học công nghệ và kỹ thuật qua các đợt tập huấn do HLV huyện Sông Hinh tổ chức, việc canh tác trồng trọt của gia đình đạt hiệu quả”. 
Theo ông Bá Minh Hiếu, Chủ tịch HLV huyện Sông Hinh, HLV tỉnh, huyện đã hướng dẫn tìm giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên việc phát triển kinh tế của các hội viên thuận lợi hơn trước. Bên cạnh đó, hội tổ chức chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật và giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay nên họ đã vươn lên thoát nghèo, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Phát triển kinh tế VAC thu lợi nhuận cao nên đã thu hút được nhiều lực lượng lao động ở nông thôn tham gia, tạo việc làm thường xuyên, giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định. Hàng năm, các HLV ở cơ sở bình chọn hàng trăm hộ làm vườn giỏi và HLV tỉnh xét khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích xây dựng tổ chức hội và phát triển kinh tế VAC. 
                                     Ông Lê Luân, Chủ tịch HLV tỉnh
 
Còn tại huyện miền núi Đồng Xuân, trong thời gian qua, HLV huyện cũng đã tích cực vận động hội viên, nông dân cải tạo vườn tạp, tu bổ vườn cây ăn trái sau thu hoạch với hơn 3.000ha. Bên cạnh đó, hội định hướng cho hội viên phát triển kinh tế VAC, kết hợp với trồng keo, bạch đàn, nuôi heo, nuôi cá dưới tán rừng, thu lãi hàng chục triệu đồng/ha. Nhiều hộ trồng hàng chục hecta rừng, đến kỳ thu hoạch, lợi nhuận 500 triệu đồng. 
Tiếp sức cho hội viên 
Ông Lê Luân, Chủ tịch HLV tỉnh, cho biết: Để hình thành, phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả, Ban Chấp hành HLV tỉnh đã tổ chức nhiều buổi trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hội viên. Từ các buổi trao đổi này, nhiều vấn đề về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đã được giải thích cặn kẽ và đưa ra thảo luận sôi nổi, như: cách thức trồng hoa, làm chuồng nuôi gà, heo, bò và xử lý môi trường trong quá trình nuôi như thế nào cho hiệu quả… Qua các lần trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, nhiều hội viên đã hiểu được cách nuôi, trồng những loại cây, con phù hợp, đúng với cơ cấu nông nghiệp từng vùng, bảo đảm hợp lý về điều kiện của từng nông hộ. 
Theo thống kê của HLV tỉnh, hiện nhiều mô hình kinh tế thu nhập ổn định đang được nhân rộng, trong đó có đóng góp không nhỏ từ việc vận động hội viên chăm lo phát triển kinh tế của HLV tỉnh. Cụ thể là mô hình trồng khóm ở Đồng Din (huyện Phú Hòa), thu nhập 100 triệu đồng/ha; mô hình trồng hoa cây cảnh ở phường 9, các xã Hòa Kiến, Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), thu nhập trên 300 triệu đồng/hộ; mô hình trồng rừng ở các huyện Đồng Xuân, Tây Hòa, thu lãi 50-70 triệu đồng/hộ... 
Cũng theo ông Luân, phong trào làm kinh tế VAC nhằm hiện thực mục tiêu xóa nghèo và làm giàu cho nông dân. Đây là một nhiệm vụ của hội trong công cuộc vận động hội viên, nông dân làm kinh tế VAC, góp phần đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xây dựng vườn mẫu, vườn mẫu nâng cao. 
“Thời gian tới, HLV tỉnh sẽ tập trung vào hoạt động đào tạo, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và kỹ thuật vào phát triển vườn rừng, vườn quả, vườn cây công nghiệp, vườn rau, hoa củ quả, thủy đặc sản... trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao và tận dụng lợi thế địa phương để sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Hội sẽ tập huấn kỹ thuật VAC ngắn ngày, ứng dụng chuyển giao kỹ thuật theo phương thức cầm tay chỉ việc tại chuồng, tại ao, tại vườn theo yêu cầu của hội viên hoặc bằng hình thức trực tuyến; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm, điển hình làm kinh tế VAC giỏi, góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Lê Luân cho hay.
 
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 59
accessibility Hôm qua: 106
account_circle Trong tháng: 275.411
account_box Trong năm: 24.034
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.354