TTTT & PBKT TTTT & PBKT

Nuôi cá chẽm ở lòng hồ thủy điện Sông Hinh: Giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống

Cập nhật lúc:   14:51:41 - 02/02/2018 Số lượt xem:   3667 Người đăng:   Administrator
Cá chẽm là đối tượng nuôi mới tại lòng hồ thủy điện Sông Hinh - Ảnh: VĂN THÙY Cá chẽm là đối tượng nuôi mới tại lòng hồ thủy điện Sông Hinh - Ảnh: VĂN THÙY
Những năm qua, nhiều hộ dân ở huyện Sông Hinh phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở các hồ thủy điện, thủy lợi. Mới đây, mô hình nuôi cá chẽm được triển khai tại lòng hồ thủy điện Sông Hinh, giúp người dân địa phương tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cách đây khoảng 9 tháng, tại lòng hồ thủy điện Sông Hinh, ông Nguyễn Được ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông mạnh dạn tham gia mô hình nuôi cá chẽm. Với diện tích khoảng 60m2 lồng, ông Được đã thả nuôi 1.200 con cá giống. Mặc dù lần đầu tiên tiếp cận, nhưng nhờ ông Được tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật nên cá nuôi phát triển tốt. Ông Được cho biết: “Từ khi thả đến nay, cá tăng trưởng đều và hầu như không mắc dịch bệnh”. Cùng thời điểm trên, hộ ông Đoàn Văn Cuộc ở xã Đức Bình Đông, cũng thả 1.200 con giống cá chẽm nuôi bằng lồng tại lòng hồ thủy điện Sông Hinh. Ông Cuộc cho biết, cá chẽm ăn các loại cá tạp. Đây là điều kiện thuận lợi vì hồ thủy điện Sông Hinh có nguồn thức ăn dồi dào, cộng với môi trường nước không ô nhiễm nên cá chẽm phát triển ổn định.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cá chẽm còn được gọi là cá vược. Đây là loài cá có chất dinh dưỡng cao, sống được trong 3 môi trường nước mặn, lợ và ngọt. Ông Lê O Y Thảo, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Việc nuôi cá chẽm tại lòng hồ thủy điện Sông Hinh khá thuận lợi, bởi nguồn nước thường xuyên được thay đổi do có sự điều tiết, chỗ đặt lồng rộng rãi nên đảm bảo về yếu tố môi trường, cá không bị dịch bệnh. Dự án trên do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 chủ trì, Sở KH-CN là đơn vị chủ quản phối hợp với huyện Sông Hinh triển khai thực hiện nhằm trực tiếp chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân. Dự án hỗ trợ 100% con giống, kỹ thuật nuôi và một phần thức ăn. Đối ứng của hộ dân tham gia mô hình là cơ sở hạ tầng, lồng, bè, công chăm sóc và thức ăn nuôi cá. Ngoài ra, dự án còn đào tạo 2 kỹ thuật viên tại cơ sở để tiếp quản công nghệ, làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình.

Ông Phạm Trường Giang, cán bộ Sở KH-CN, chủ nhiệm dự án cho biết: Giai đoạn 5 tháng đầu, cá phát triển nhanh, trọng lượng từ 0,6-1kg/con, vượt so với kế hoạch dự kiến. Tuy nhiên, sau 5 tháng nuôi, do liên tiếp ảnh hưởng mưa bão, nguồn thức ăn cho cá không còn phong phú nên đến nay, trung bình trọng lượng cá đạt từ 0,7-1,2kg/con. Mặc dù thời gian sau cá phát triển chậm nhưng tỉ lệ cá sống đạt tới 95%, đây là điều rất đáng mừng để phát triển nuôi cá chẽm tại vùng nước ngọt các hồ thủy điện. Hiện nay, với giá thu mua cá chẽm là 70.000 đồng/kg, người nuôi có lãi khá.

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, lòng hồ thủy điện Sông Hinh có diện tích mặt nước khoảng 3.760ha, nguồn nước thường xuyên thay đổi, không bị ô nhiễm. Đây là những điều kiện lý tưởng cho việc phát triển kinh tế thủy sản, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Việc phát triển mô hình cá chẽm ở miền núi, đặc biệt là tại các hồ thủy điện giúp người dân địa phương có thêm một đối tượng nuôi mới, đa dạng hóa đối tượng thủy sản nuôi. Nếu mô hình này thành công, huyện Sông Hinh sẽ triển khai quy hoạch vùng nuôi và nhân rộng để người dân tiếp cận, phát triển nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn huyện.
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 116
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 244.873
account_box Trong năm: 25.095
supervisor_account Tổng truy cập: 3.165.415