Liên hiệp Hội Thái Nguyên: Đẩy mạnh phát triển hoạt động tư vấn phản biện

Cập nhật lúc:   14:21:45 - 13/08/2018 Số lượt xem:   1091 Người đăng:   Administrator
Tư vấn, phản biện về Chính sách phát triển giáo dục – đào tạo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên (Ảnh internet) Tư vấn, phản biện về Chính sách phát triển giáo dục – đào tạo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên (Ảnh internet)
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên được thành lập từ năm 2002 gồm 18 Hội thành viên với 400 hội viên, đến nay đã có 25 Hội thành viên với 50.296 hội viên.
Ngay từ khi mới thành lập, Liên hiệp Hội luôn coi trọng hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội và từng bước nâng cao, phát triển không ngừng.

Có thể nhận xét các văn bản thể chế hóa về mặt nhà nước là rất đầy đủ đã tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi để Liên hiệp Hội Thái Nguyên và các hội thành viên phát huy năng lực của đội ngũ trí thức, trong đó có hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; được xem như là lĩnh vực hoạt động chính và phù hợp nhất đối với tổ chức chính trị - xã hội này.

Nói về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, TS Nguyễn Văn Vỵ - Phó chủ tịch Liên hiệp Hội cho biết, ngay từ khi được UBND tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm năm 2004, Liên hiệp Hội đã chủ động tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội. Mặc dù hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội có 4 hình thức thực hiện và 5 mức độ tư vấn, phản biện khác nhau, nhưng do còn nhiều khó khăn nên giai đoạn 2004-2014 hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội chỉ dừng ở mức tham gia đóng góp ý kiến vào chủ trương, đường lối chính sách theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc cử cán bộ tham gia các hội đồng tư vấn, thẩm định, phản biện các chương trình, dự án.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2015 cho đến nay, Liên hiệp Hội đã không ngừng phát triển hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, điển hình như “Tư vấn, phản biện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số - phục vụ Đại hội Đảng lần thứ 19 của tỉnh”; “Đánh giá hệ thống cơ chế chính sách về khoa học và công nghệ của tỉnh Thái Nguyên”; “Tư vấn, phản biện về quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030”, ông Vỵ cho biết.

Ông Vỵ cho biết thêm, ngoài ra chúng tôi còn triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh như Nghiên cứu các giải pháp thực thi về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Hiện chúng tôi đang triển khai thực hiện 2 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực tư vấn phản biện và giám định xã hội cấp tỉnh đó là Tư vấn, phản biện về Chính sách phát triển giáo dục – đào tạo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên và Đề án Nhận diện và xác định các giải pháp cụ thể nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Về các Hội thành viên, ông Vỵ chia sẻ, hiện chúng tôi đã có một số Hội thành viên có đủ năng lực đã chủ động tham gia hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội. Tiêu biểu như Hội Khoa học Đất đã tham gia tư vấn cho một số chương trình, dự án nghiên cứu và phát triển nông thôn miền núi, cụ thể: Tư vấn cho Đại học Thái nguyên về danh mục đề tài nghiên cứu năm 2016 và định hướng đến năm 2020 thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Tư vấn cho Bộ Giáo dục và Đào tạo về danh mục đề tài nghiên cứu năm 2016 và định hướng đến năm 2020  thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Tư vấn phản biện cho 4 đề tài cấp nhà nước, 6 đề tài cấp tỉnh; Tư vấn cho các địa phương trong đánh giá công tác quản lý nhà nước về đất đai và tư vấn đề xuất các giải pháp sử dụng hợp lý đất đai, tài nguyên, môi trường.

Hiện nay, nhiều hội viên của Liên hiệp là chuyên gia các ngành khác nhau đã được mời tham gia Hội đồng khoa học công nghệ của tỉnh Thái Nguyên cũng như tham gia các hội đồng khoa học và công nghệ của các Bộ, ngành ở Trung ương để tư vấn, phản biện khi xét duyệt hoặc nghiệm thu các đề tài, dự án ứng dụng khoa học công nghệ. Các ý kiến phản biện này đã góp phần nâng cao tính khả thi và hiệu quả cho các đề tài, dự án khoa học công nghệ, ông Vỵ nói.

Và một điều đáng mừng là để phát triển hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp Hội đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 18/10/2017 về “Quy định về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên” thay thế cho Quyết định số 2362/QĐ-UB, ngày 6/10/2004. Trong Quyết định số 31/QĐ-UBND đã quy định cụ thể các loại đề án cần lấy ý kiến 31/QĐ-UBND, quy trình thực hiện, cơ chế tài chính cho các hoạt động cụ thể và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với hoạt động này. Đây là điều kiện tiên quyết, thuận lợi để Liên hiệp Hội huy động đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trên địa bàn tổ chức thực hiện hiệu quả hơn hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội trong những năm tiếp theo, ông Vy cho biết.

 Hoạt động động tư vấn phản biện và giám định xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra các quyết sách trước khi ban hành chủ trương, đường lối, chính sách, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Hoạt động này bổ sung thêm các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn một cách chân thực, khách quan, tạo ra sự đồng thuận xã hội lớn giữa các nhà quản lý và người thực hiện, từ đó nâng cao được tính khả thi.

Tác giả bài viết: HT
Nguồn: www.vusta.vn ngày 09/8/2018
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 2
accessibility Hôm qua: 93
account_circle Trong tháng: 275.447
account_box Trong năm: 24.070
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.390