TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI: Cần mạnh mẽ, chủ động đi vào thực chất

Cập nhật lúc:   17:05:17 - 03/01/2018 Số lượt xem:   4119 Người đăng:   Administrator
Hội đồng phản biện Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật đang đóng góp ý kiến cho dự án nước sạch và vệ sinh môi trường của tỉnh - Ảnh: THÁI HÀ Hội đồng phản biện Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật đang đóng góp ý kiến cho dự án nước sạch và vệ sinh môi trường của tỉnh - Ảnh: THÁI HÀ
Đi qua mọi ngóc ngách của thuyết minh chương trình, dự án để tìm ra điều bất hợp lý, từ đó có sự điều chỉnh
Đi qua mọi ngóc ngách của thuyết minh chương trình, dự án để tìm ra điều bất hợp lý, từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hoặc bác bỏ nếu dự án bất khả thi chính là công việc của những người làm công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Với tầm quan trọng đó, công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội cần mạnh mẽ, chủ động, đi vào thực chất để góp phần đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế - xã hội. 

Phản biện càng mạnh, hiệu quả càng cao

Theo ông Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội), các hoạt động thu thập, cung cấp thông tin, tư liệu và trên cơ sở đó đưa ra các ý kiến phân tích, đánh giá kịp thời về việc tổ chức thực hiện, mục tiêu, nội dung hoặc chất lượng đề án được gọi là hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.

Hoạt động này nhằm giúp các nhà quản lý ra các quyết định khoa học, bảo đảm quyết sách khi triển khai sẽ đạt hiệu quả cao. Với nhiệm vụ đó, có thể thấy, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội càng mạnh mẽ, càng góp phần đảm bảo an sinh và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hiện nay, Liên hiệp hội có nhiều chuyên gia từ Trung ương đến địa phương đảm nhiệm công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội ở nhiều lĩnh vực. Thực hiện nhiệm vụ của mình, hàng năm, Liên hiệp hội phản biện độc lập khoảng 5 dự án liên quan đến vấn đề an sinh xã hội của tỉnh.

Năm 2016, Công ty TNHH Lâm sản Toàn Cầu yêu cầu Liên hiệp hội tư vấn, phản biện dự án quy hoạch chi tiết trồng rừng tại huyện Đồng Xuân. Ngay sau đó, Liên hiệp hội đã thành lập hội đồng phản biện độc lập gồm 10 thành viên là những nhà khoa học, nhà trí thức có chuyên môn sâu thuộc các lĩnh vực có liên quan tham gia phản biện.

Các chuyên gia đã nghiên cứu, góp ý những nội dung còn thiếu trong thuyết minh dự án như: cần phải đánh giá được điều kiện khí tượng thủy văn, phân tích tác động môi trường đến việc trồng rừng, điều kiện thổ nhưỡng địa chất, vấn đề chọn giống cây trồng, các giải pháp kỹ thuật liên quan đến phát dọn, trồng, chăm sóc rừng... Dự án đã qua hội đồng tư vấn, phản biện hoàn chỉnh hơn khi triển khai.

Năm 2017, Liên hiệp hội phản biện dự án Điều chỉnh quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư. Hội đồng phản biện cũng đã đóng góp rất nhiều ý kiến hay. Cụ thể như có ý kiến đề nghị đơn vị thực hiện cần tính toán lại vốn đầu tư cho phù hợp, tránh thiếu nguồn vốn như đánh giá trong giai đoạn 2011-2015, làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành dự án; cần khảo sát kỹ nguồn nước, chọn mô hình quản lý vận hành phù hợp sau đầu tư… Những ý kiến đóng góp này đều được tập hợp lại và trình cho nhà quản lý xem xét trước khi dự án được triển khai.

Nhấn mạnh vai trò của hội đồng phản biện, tư vấn và giám định xã hội, ThS Trần Thiện Thuật, Trưởng Khoa Tài nguyên môi trường Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, người thường xuyên có mặt trong hội đồng phản biện của Liên hiệp hội cho biết: “Chúng tôi là những người có chuyên môn nên sẽ nhìn nhận vấn đề ở nhiều góc độ để có sự đánh giá toàn diện. Các nhà quản lý sau khi nghe, đối thoại, mổ xẻ thì vấn đề sẽ hoàn thiện trước khi ban hành. Phản biện xã hội chính là cách thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức KH-CN đóng góp trí tuệ vào việc đảm bảo an sinh, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà”.

Đưa hoạt động phản biện đi vào thực chất

Năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định 1089/2011/QĐ-UBND về quy chế hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội có hiệu lực từ ngày 21/7/2011. Quyết định nêu rõ: “Loại đề án phải có tư vấn, phản biện và giám định xã hội bằng văn bản của Liên hiệp hội bao gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố. Các chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội, GD-ĐT, y tế, KH-CN và môi trường có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc đa ngành.

Đặc biệt là các đề án có tính chất nhạy cảm về: Lịch sử, văn hóa, tôn giáo, cảnh quan, môi trường, khu dân cư tập trung, lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội; các đề án do các doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế xin phép đầu tư trên địa bàn tỉnh có khả năng tác động lớn đến văn hóa, cảnh quan, môi trường; sử dụng nhiều diện tích đất và có ảnh hưởng nhiều đến dân cư và an sinh xã hội”. Tuy nhiên, cho đến nay, quyết định này chưa được thực thi đầy đủ. Bởi hiện chỉ mới có một số ít dự án do Liên hiệp hội chủ động đề xuất lên UBND tỉnh để được tư vấn chứ UBND tỉnh chưa giao nhiệm vụ đúng như quy định cho Liên hiệp hội.

Vì vậy, tuy vai trò của phản biện xã hội rất lớn nhưng thực tiễn cho thấy, hoạt động này của Liên hiệp hội có một số bất cập, khó khăn và hạn chế. Rào cản hiện nay khiến cho hoạt động quan trọng này chưa được thực thi đầy đủ chính là nhận thức của chủ đầu tư, một số sở, ngành còn e ngại đề án, dự án của mình bị hội đồng phản biện làm khó hoặc sẽ cản trở sự thông suốt của dự án. Bên cạnh đó, một nguyên nhân rất quan trọng là kinh phí cho tư vấn, phản biện và giám định xã hội do các chủ đầu tư chi trả cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ này nhưng phần lớn các chủ đầu tư chưa dự toán kinh phí ban đầu trong kinh phí tổng thể của chương trình, dự án có hoạt động này.

Thực tế hàng năm, Phú Yên có rất nhiều chương trình, dự án, đề tài chưa được tư vấn, phản biện trước khi đưa vào thực hiện. Những thiếu sót ấy có thể sẽ gây lãng phí, thất thoát dẫn đến chất lượng của đề án giảm sút. Để giải quyết những vấn đề trên, Liên hiệp hội chủ động tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, chủ đầu tư, nhà khoa học về mục đích, ý nghĩa, vai trò của hoạt động này đối với sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội; tham mưu lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh có cơ chế, chính sách phù hợp hơn với hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, góp phần đưa hoạt động này đi vào thực chất, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Link 

THÁI HÀ
Nguồn: baophuyen.com.vn ngày 26/06/2017
Hội thành viên
Số Lượt Truy Cập
perm_identity Trong ngày: 44
accessibility Hôm qua: 106
account_circle Trong tháng: 275.396
account_box Trong năm: 24.019
supervisor_account Tổng truy cập: 3.164.339